Giai đoạn 2019-2023, GRDP của thành phố Hải Phòng đạt trung bình 12,6% mỗi năm, cao gấp hơn 2,4 lần mức bình quân cả nước. Đáng chú ý, Hải Phòng cũng là địa phương hiếm hoi có 10 năm liên tục giữ tốc độ tăng trưởng hai con số. GDP bình quân đầu người tăng trưởng ấn tượng, năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, thể hiện nội lực và sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế địa phương.
Góp phần vào kết quả đó là sự phát triển sôi động, năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đến các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch, logistics… đều ghi dấu sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân.
Có thể kể đến những công trình mang tính biểu tượng, quy mô như Tổ hợp sản xuất ô-tô VinFast, khu vui chơi giải trí và đô thị sinh thái đảo Vũ Yên, các khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Tràng Duệ… Các doanh nghiệp tư nhân góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa hạ tầng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
Đáng chú ý, Nam Đình Vũ hiện là khu công nghiệp duy nhất tại Hải Phòng sở hữu cảng biển quốc tế nội khu, phát huy tối đa lợi thế của mình. Nơi đây không chỉ phát triển hạ tầng logistics đồng bộ mà còn kết nối hiệu quả với các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nhất là từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: Sự phát triển của kinh tế tư nhân là minh chứng rõ nét cho hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà thành phố đã và đang triển khai. Thành phố xác định tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế.
Hiện nay, Hải Phòng có gần 40.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp toàn thành phố. Đóng góp của khu vực này vào GRDP thành phố trong 5 năm qua dao động từ 40-48%. Các doanh nghiệp tư nhân không chỉ tham gia trong các lĩnh vực truyền thống như dịch vụ, thương mại mà còn đầu tư mạnh vào các ngành then chốt: Logistics, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương chia sẻ: Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp tư nhân là tiếp cận được các nguồn lực như tín dụng, tài nguyên đất đai, nhân lực và công nghệ. Nếu có cơ chế tốt, đây sẽ là cơ hội rất lớn để khu vực này phát triển bứt phá.
Thực tế cho thấy, bên cạnh thành tựu đạt được, kinh tế tư nhân tại Hải Phòng cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Mặc dù chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn khó tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là đất đai, tín dụng ưu đãi và các chính sách hỗ trợ.
Hải Phòng nhiều năm qua đã thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, thanh kiểm tra chồng chéo, chi phí không chính thức và cơ hội tham gia đấu thầu công, chuỗi giá trị lớn còn hạn chế.
Vừa qua, thành phố đã thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Phòng. Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền, đồng thời phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Hiệp hội Trần Văn Thắng khẳng định: Nếu có cơ chế, chính sách tốt, tạo điều kiện thông thoáng về nguồn vay giá rẻ, ưu đãi về thuế,… doanh nghiệp tư nhân sẽ phát triển nhanh hơn và đóng góp lớn hơn cho thành phố. Hiệp hội cũng sẽ tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp-dịch vụ- logistics lớn nhất cả nước, thành phố Hải Phòng hoàn toàn có cơ sở để trở thành hình mẫu phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.