Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025): Mặt trận “không đánh mà thắng"

Kỳ 2: Những con đường “không giống ai” của tình yêu đất nước

Khác với hầu hết các lực lượng cách mạng cùng tham gia chiến đấu giành lại hoà bình, độc lập cho dân tộc, những cán bộ làm công tác binh vận phải nhận về mình rất nhiều nguy hiểm, thiệt thòi, khi luôn phải sống “hai mặt”, che giấu thân phận thật sự của mình, trong khi tìm mọi cách để cảm hoá, vận động các đối tượng binh sĩ ngụy quyền trở về với chính nghĩa, với dân tộc…
0:00 / 0:00
0:00
Hai cán bộ của Ban Binh vận đặc khu Sài Gòn- Gia Định: Ông Lê Quang Đức (người ngồi) và ông Cao Đức Trường (người đứng).
Hai cán bộ của Ban Binh vận đặc khu Sài Gòn- Gia Định: Ông Lê Quang Đức (người ngồi) và ông Cao Đức Trường (người đứng).

Hy sinh cả mạng sống, danh dự vì tình yêu với quê hương, đất nước

“Khi tôi vận động, rồi giao nhiệm vụ cho họ, có đồng chí cơ sở cách mạng nhận nhiệm vụ chui vào hàng ngũ địch để hoạt động, hỏi lại tôi câu này: Bây giờ ông phân công thì tôi làm thôi, nhưng nếu tôi chết, nó đem lá cờ ba sọc úp lên hòm tôi thì ông tính sao? - Tôi nghe mà đau xé ruột, đành bảo với đồng chí đó: Cái đó là phải hy sinh đến giờ chót. Khi nào cách mạng thành công, các đồng chí sẽ giải oan cho ông, chứ biết làm sao giờ? Mình làm cách mạng là phải chịu đựng, chấp nhận sự hy sinh, kể cả mạng sống của mình, kể cả danh dự, tình cảm với quê hương, làng xóm, bà con dòng họ… Khổ vậy đó, nhưng mà làm cách mạng thì phải chấp nhận thôi”- ông Cao Đức Trường, nguyên cán bộ Ban Binh vận đặc khu Sài Gòn-Gia Định bồi hồi nhớ lại. 79 tuổi, người cán bộ lão thành ấy từng là cơ sở hợp pháp của lực lượng biệt động thành từ năm 1962. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông bị địch bắt và phải chịu cảnh lưu đày gần sáu năm trời ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Nhưng, ông rất ít kể về mình. Trong suốt cuộc trò chuyện dài khi tôi tìm đến ông để hỏi về hoạt động binh vận những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông nhắc rất nhiều về đồng đội. Trong ký ức vẫn rất sôi nổi của ông, những con người được cách mạng lựa chọn giao cho nhiệm vụ hết sức khó khăn là thực hiện công tác binh vận ấy, đã chấp nhận đối mặt hiểm nguy từng ngày, từng giờ.

“Lực lượng này là lực lượng đặc biệt, nhắm đến đối tượng là binh lính của chính quyền Sài Gòn. Có nhiều con đường, tùy theo thái độ và nhận thức, hoàn cảnh của từng đối tượng, có khi cán bộ binh vận tác động trực tiếp, nhưng cũng có khi vận động thông qua gia đình, bà con dòng họ, nhờ đường dây đó tác động rồi dần tìm cách thay đổi nhận thức của họ. Đối tượng vận động không chỉ là binh lính, mà còn cả viên chức-ngụy quyền”- ông Trường chia sẻ.

Những chiến công của người làm binh vận, bởi thế, không dễ để liệt kê, tính toán. Từ sự thay đổi trong nhận thức về tính chính nghĩa của cuộc chiến, về tình yêu đất nước, dân tộc, về khát khao độc lập, non sông liền một dải- được truyền thụ bởi những người cán bộ binh vận hết sức sáng tạo và nồng nàn yêu nước, đã khiến cho nhiều thành phần ngụy quân, ngụy quyền quyết định quay mũi súng, cống hiến, thậm chí hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, hoặc âm thầm trở thành người cung cấp tin tức cho cách mạng, hay không chấp nhận bắn vào đồng bào mình… Rất nhiều trận đánh, nhờ binh vận, đã giúp hạn chế biết bao máu đổ.

Kỳ 2: Những con đường “không giống ai” của tình yêu đất nước ảnh 1

Đêm 25 rạng ngày 26/1/1960, lực lượng vũ trang quân ta kết hợp lực lượng nội tuyến binh vận tiêu diệt căn cứ Tua Hai. Ảnh: Tư liệu

Ngay khi vừa gặp mặt, ông Cao Đức Trường đã nói với tôi: “Con phải đi theo chú đến gặp người này, giờ nói về binh vận phải có ông ấy”. Người mà ông đưa tôi đến để cùng trò chuyện về hoạt động binh vận là cán bộ lão thành Lê Quang Đức, năm nay đã 95 tuổi, nguyên ủy viên Ban binh vận Đặc khu Sài Gòn-Gia Định. Tuy sức khỏe đã bị suy giảm nhiều, nhưng nhắc đến binh vận, ông Đức lập tức bảo người nhà dìu ra ngồi nói chuyện với chúng tôi, lắng nghe và tiếp lời những điều ông Trường chưa kịp nói rõ.

Bị địch bắt từ năm 1957, rồi bị đày ra Côn Đảo, đến khi mãn hạn tù năm 1973, trở về đất liền, nghỉ ngơi dưỡng bệnh một thời gian, ông Lê Quang Đức được tổ chức phân công làm Ủy viên Ban binh vận Đặc khu Sài Gòn-Gia Định cho tới giải phóng. Ông là người trực tiếp đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ để xin cán bộ về bổ sung cho lực lượng binh vận tại Sài Gòn, bởi vậy, ông có điều kiện nắm và hiểu rõ hoạt động này không chỉ ở khu vực đô thị.

- Tiêu chí để các bác chọn cán bộ binh vận là như thế nào ạ?

- Đó là một câu hỏi khó. Nhưng tất nhiên là mình phải lựa chọn người tốt, rồi đào tạo. Hồi đó đi làm binh vận thì phải qua năm bước công tác (đã được tổ chức quy định): điều tra, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục rồi tổ chức giao nhiệm vụ thử thách.

“Làm binh vận thì rất nguy hiểm vì hoạt động trong lòng địch. Bị lộ này, hiểu nhầm này, bên mình thì hiểu nhầm, bên kia thì bị phát hiện, thậm chí, bị chính đồng đội của mình nghi ngờ… Có người từng là cơ sở do tôi giác ngộ, khi đi chiến đấu toàn bắn lên trời, nhưng trong một trận đụng độ với quân ta, ông ấy bị trúng mảnh đạn, gãy chân. Và do những vướng mắc trong thủ tục công nhận, nên giờ ông ấy vẫn không được hưởng chế độ gì hết”- ông Cao Đức Trường kể. Nhưng ông khảng khái: “Đây cũng là một công việc của cách mạng. Mà công việc gì của cách mạng cũng nguy hiểm cả”.

Chính bởi nhận thức được mối đe dọa từ hoạt động binh vận của ta, nên trong lực lượng quân đội Sài Gòn đã phải hình thành một bộ phận làm công tác an ninh, phát hiện các nguy cơ để bảo vệ lực lượng. Cũng bởi vậy, nhiều cán bộ binh vận đã bị phát hiện, bị bắt, hoặc thủ tiêu, có người hy sinh mà vẫn bị mang tiếng oan là theo quân địch, phản bội Tổ quốc.

“Chuyện về binh vận, ở thành phố này, giờ rất ít người biết đến và nhắc đến”- ông Cao Đức Trường trầm ngâm hạ giọng, còn ông Lê Quang Đức thì gật đầu: Vậy đó.

Trên trái đất này, có nước nào tổ chức công tác binh vận khi chiến tranh xảy ra? Duy nhất chỉ có Việt Nam. Đây là sự sáng tạo lớn của Đảng, thật sự đặc sắc, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn rất lớn".

Cán bộ lão thành cách mạng CAO ĐỨC TRƯỜNG

Binh vận hay Địch vận?

Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, công tác binh vận đã là một nội dung được Đảng ta chú trọng, với mục tiêu giác ngộ những con người lầm lạc trong hàng ngũ địch quay về với dân tộc, với chính nghĩa, vừa làm suy yếu quân địch, vừa giảm máu xương người Việt, giảm hằn thù, chia rẽ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, công tác này được cả quân đội và các đoàn thể chính trị các khu vực, địa phương vùng bị chiếm đóng tiến hành, với hai nhánh hoạt động có tên gọi là binh vận (một phương thức dân vận đặc biệt, với đối tượng là các thành phần Nguỵ quân, Nguỵ quyền) và binh-địch vận (thuộc quân đội).

Với diện tác động và lực lượng tham gia đông đảo, đa dạng hơn, công tác binh vận đã trở thành một mũi nhọn được đặc biệt phát huy, một nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực của tất cả các thành phần cán bộ đoàn thể cách mạng tại các vùng bị chiếm đóng cùng tham gia, hợp sức. Ở nhiều nơi, nhiều lúc, binh vận đã trở thành phong trào của tất cả quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn chặn đứng nhiều âm mưu, kế hoạch của chính quyền Sài Gòn, cho tới ngày toàn thắng, thu non sông về một mối!

Được thành lập vào tháng 10/1954, Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ là cơ quan có nhiệm vụ triển khai thực thi nghị quyết binh vận nhằm thực hiện công-nông-binh liên hiệp đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve. Khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập ngày 27/3/1961, Ban Binh vận Xứ ủy được đổi thành Ban Binh vận Trung ương Cục.

Đến tháng 8/1975, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Ban Binh vận được giải thể, chỉ giữ lại một số cán bộ làm công tác tổng kết hoạt động.

“Đó là một sự tiếc nuối lớn, cũng là thiệt thòi không nhỏ cho những người làm công tác binh vận, khi cơ quan bị giải thể quá sớm, chưa kịp có nhiều ghi nhận, vinh danh xứng đáng”- ông Cao Đức Trường trầm ngâm- “nhưng chúng tôi luôn tự hào về những gì mình đã cống hiến cho cuộc kháng chiến, cho đất nước”.

Binh vận để nêu cao chánh nghĩa

Binh vận để khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi.

Binh vận để bớt máu đổ, xương rơi.

Để ngọn cờ nhân nghĩa bừng sáng giữa tim người

Đời đời bất diệt!

(Một mũi tấn công - Cao Đức Trường)

***

Trong ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường có câu: “Hùng thiêng hơn núi sông dài là một niềm tin-Hồ Chí Minh”. Giữa lòng đô thị phù hoa thuở ấy, ngay trước những họng súng thù địch luôn sẵn sàng nhả đạn, những con người Việt Nam mang trong trái tim tình yêu đất nước cháy bỏng và một niềm tin lớn lao, son sắt với Đảng, với Bác Hồ, đã sẵn sàng buông bỏ những bình yên thường nhật để cống hiến cuộc đời, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và danh dự cho mục tiêu cao cả: hòa bình, thống nhất đất nước. Cách họ đã sống, chiến đấu cho lý tưởng, và hơn thế, những con đường họ đã sáng tạo nên để lan tỏa mạnh mẽ tình yêu Tổ quốc, yêu chính nghĩa, yêu dân tộc sẽ mãi là những tượng đài bất tử, là bài học sâu sắc muôn đời cho hậu thế!

Thông tri số 20/TT/75 ngày 15/8/1975 của Trung ương Cục, đánh giá: “Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là qua các bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam, công tác binh vận đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, xứng đáng với nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã giao… thành quả công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là điểm son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đã kế thừa và phát huy sự nghiệp cao cả của ông cha “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn- lấy chí nhân thay cường bạo” trong thời đại Hồ Chí Minh”.

(Còn nữa)

Kỳ 1: "Mũi tiến công thứ sáu" trong mùa Xuân 1975