Kỳ 1: "Mũi tiến công thứ sáu" trong mùa Xuân 1975
Cùng với năm mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực (đóng vai trò chủ yếu, quyết định) thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, mũi đấu tranh binh vận đã được đẩy mạnh, xem đó như là “mũi tiến công thứ sáu”, góp phần không nhỏ giảm thiệt hại cả về sinh mạng và cơ sở hạ tầng.
Phất cao ngọn cờ chính nghĩa
Kể từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một bộ phận khá đông binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn bộc lộ tư tưởng mong muốn hòa bình, chấm dứt cảnh chiến tranh, chết chóc. Một số ra mặt chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, số khác gia nhập “Lực lượng thứ ba” đấu tranh cho hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc... Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (10/1973) xác định “Binh vận là một mũi tiến công rất quan trọng... Trước mắt yêu cầu của công tác binh vận là phải tìm ra rất nhiều hình thức để bao vây đồn bót địch, làm tê liệt, làm mất hiệu lực, trung lập hóa đồn bót, làm tan rã Phòng vệ dân sự, biến phần lớn lực lượng này thành lực lượng ta... Phải làm cho công tác binh vận trở thành công tác của quần chúng”. Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 đến 8/1/1975) yêu cầu đẩy mạnh công tác binh vận lên một bước mới nhằm theo kịp quy mô và cường độ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, phất cao ngọn cờ chính nghĩa, của thế chiến lược cách mạng tiến công, thức tỉnh một bộ phận binh sĩ đối phương; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả “ba mũi giáp công”, nhanh chóng làm tan rã quân địch... thắng chúng ngay tại sào huyệt Sài Gòn - Gia Định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, bộ máy binh vận đã được kiện toàn từ Ban Binh vận của Trung ương Cục xuống đến cơ sở phường, xã, ấp, khu phố; từ Bộ Chỉ huy Miền xuống đến các đơn vị. Các cơ sở hoạt động nội tuyến được mở rộng, bổ sung lực lượng và nhiệm vụ, đặc biệt là trong các cơ quan chiến lược, các đơn vị quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chỉ riêng trong chiến dịch Tây Nguyên, mũi tiến công binh vận đã trực tiếp làm tan rã hai tiểu đoàn bảo an, hai tiểu đoàn Fulro, 50 trung đội nghĩa quân, cô lập và vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng Phòng vệ dân sự. Trong chiến dịch Trị-Thiên, các cơ sở nội tuyến trong các đơn vị vũ trang của địch đã làm nội ứng, dẫn đường đưa bộ đội đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, cơ sở nội tuyến trong Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm đã làm binh biến, tổ chức cho hơn 3.000 binh sĩ buông súng trở về với cách mạng.
Một phong trào “toàn dân làm binh vận” được phát động từ thành thị cho đến các làng quê. Tàn quân địch tháo chạy tới đâu đều được lực lượng binh vận kịp thời tuyên truyền vận động, làm rã ngũ hàng loạt; bộ phận ngoan cố cố tình tháo chạy thì binh vận làm cho tinh thần của chúng hoảng loạn, không thể co cụm để chống trả. Cùng với các mũi truy kích mãnh liệt của bộ đội chủ lực, mũi tiến công binh vận đã góp phần làm cho cuộc tháo chạy của quân địch ở Quân khu 1 và Quân khu 2 càng thêm bi thảm, biến cuộc rút lui chiến lược của chúng thành cuộc tháo chạy trong hoảng loạn.
Ở thời điểm quan trọng của cuộc chiến đấu
Chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phòng Sài Gòn- Gia Định, toàn bộ các đội công tác của Ban Binh vận đã được triển khai bố trí áp sát các mục tiêu trong thành phố. Các cơ sở nội tuyến hoạt động hết sức hiệu quả, đặc biệt là cơ sở nội tuyến chiến lược - các cơ sở này đã lựa chọn đúng mục tiêu, hành động đúng thời điểm gây được hiệu ứng mạnh mẽ, gây hoang mang trong hàng ngũ địch. Ngày 8/4/1975, cơ sở nội tuyến chiến lược - phi công Nguyễn Thành Trung thuộc Phi đoàn 540, Sư đoàn 3 Không quân Việt Nam Cộng hòa ném bom Dinh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và kho xăng Nhà Bè. Sáng 28/4, một cơ sở nội tuyến khác - thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 Lê Quang Ninh đưa cả đội hình Tiểu đoàn với 270 quân quay súng về với cách mạng. Chiều cùng ngày, phi công Nguyễn Thành Trung tiếp tục dẫn đầu một phi đội cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất làm hư hỏng bãi đỗ, phá hỏng Đài chỉ huy, phá hủy một số máy bay, gây cảnh hỗn loạn cho cầu hàng không chiến lược quan trọng này. Tại miền Tây Nam Bộ, mũi tiến công binh vận đã cảm hóa, vận động được nhiều đơn vị làm binh biến; các cơ sở nội tuyến tại đây đã đấu tranh, thuyết phục được một số tỉnh trưởng Kiến Tường, Trà Vinh, Bạc Liêu... chấp nhận đầu hàng. Các cơ sở nội tuyến, một mặt tranh thủ vận động, thuyết phục và kêu gọi binh lính Sài Gòn buông súng; mặt khác tìm mọi cách hạn chế các hành động phá hoại các cơ sở vật chất kỹ thuật của các phần tử hiếu chiến.
Để tiếp tục hỗ trợ cho các đòn tiến công quân sự của quân giải phóng, trong những ngày trung tuần tháng 4 năm 1975, mũi tiến công binh vận đã “kích hoạt” phong trào chống đối Nguyễn Văn Thiệu trong các đơn vị quân đội, các tổ chức đoàn thể, báo chí, xã hội và ngay trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Tại nội thành Sài Gòn, các cơ sở nội tuyến trong Bộ Tổng Tham mưu, trong các sư đoàn, liên đoàn, sân bay Tân Sơn Nhất, các công sở... ra công khai hoạt động, giải tán nhiều cơ quan, đơn vị, chiếm giữ và bảo vệ các mục tiêu chiến lược quan trọng, bảo vệ máy móc, kho tàng, tài liệu... Tại cơ quan đầu não chính quyền và quân đội Sài Gòn, các cơ sở nội tuyến chiến lược “đồng loạt ra quân”. Đầu tháng 4/1975, Ông Đinh Văn Đệ - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Sài Gòn (cơ sở nội tuyến của ta) được cử làm Phó đoàn Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ xin cầu viện để cứu vãn tình hình. Tranh thủ cơ hội này, ông đã tường thuật tỉ mỉ “bức tranh ảm đạm và bi đát” như tình hình thua thiệt mất đất, mất dân; quân sĩ rã rời tan tác... qua đó làm cho phía Mỹ thấy rõ sự thật là có viện trợ 300 triệu USD hay nhiều hơn thế cho chính quyền Sài Gòn thì rốt cuộc cũng chỉ vô ích. Kết quả là Quốc hội Mỹ đã bác khoản viện trợ khẩn cấp đó.
Ngày 28/4, Đội công tác nội tuyến chiến lược đã đưa ông Nguyễn Hữu Hạnh- Chuẩn tướng Quân đội Sài Gòn (đã nghỉ hưu) quay lại hợp tác với chính quyền Dương Văn Minh nhằm thuyết phục, vận động và thúc đẩy Tổng thống Dương Văn Minh nhanh chóng đầu hàng, tránh đổ máu. Với uy tín cá nhân và danh nghĩa Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa (Tổng Tham mưu trưởng đã bỏ trốn), chiều 29/4, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã ra lệnh cho quân đội Sài Gòn án binh bất động với lý do “để khỏi ảnh hưởng đến chủ trương thương thuyết của Tổng thống với phía bên kia”. Sáng 30/4, ông Nguyễn Hữu Hạnh tiếp tục có những phân tích, thuyết phục, thúc đẩy Dương Văn Minh quyết định ngừng bắn với bản nhật lệnh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn vào lúc 9 giờ 30 phút; đồng thời ra lệnh cho quân đội Sài Gòn “buông vũ khí theo lệnh của Tổng thống”.
Cùng với đó, mũi binh vận còn khéo léo đề nghị luật sư Trần Ngọc Liễng, dân biểu Lý Quý Chung, giáo sư Lý Chánh Trung, cố vấn tòa Tổng giám mục Sài Gòn Nguyễn Đình Đầu, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, linh mục Phan Khắc Từ, Ni sư Huỳnh Liên... đại diện cho các Tổ chức quốc gia tiến bộ, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris vận động, thuyết phục Dương Văn Minh chấp nhận đồng chí Triệu Quốc Mạnh - luật sư, Biện lý Gia Định (cơ sở của ta) làm Giám đốc Cảnh sát đô thành. Trên cương vị này, chiều 28/4 ông Triệu Quốc Mạnh đã ra lệnh giải tán các phòng Cảnh sát đặc biệt đô thành, thả hết tù chính trị; lệnh cho hơn 16 ngàn cảnh sát không được nổ súng và cho phép ai muốn về lo cho gia đình thì về. Mệnh lệnh của luật sư Triệu Quốc Mạnh đã vô hiệu hóa và làm tan rã gần như toàn bộ bộ máy cảnh sát của chính quyền Sài Gòn.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng.
Có thể thấy Tuyên bố của Dương Văn Minh, nhật lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh- Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 "mặc dầu Dương Văn Minh chưa đáp ứng được yêu cầu của ta là sớm đầu hàng không điều kiện, nhưng tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để đại quân ta tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn. Thúc đẩy Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn thức thời đó là một thành công của công tác binh - địch vận đã biết chọn đúng đối tượng để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh-địch vận trong thời điểm kết thúc chiến tranh” (1).
(Còn nữa)
(1) Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 8/10/2002: “Về việc tổng kết công tác binh-địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.