Nụ cười quả cảm
Được đến tham quan bảo tàng ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vào một ngày đầu tháng tư, các em học sinh Trường tiểu học Vân Từ, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) thật vui mừng và xúc động. Qua lời của những nhân chứng, tình nguyện viên, bao câu chuyện lịch sử được khơi gợi giúp các em nhận biết về những năm tháng sống, chiến đấu, hoạt động cách mạng của các cựu chiến binh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Em Nguyễn Trà My, học sinh lớp 4A tâm sự: “Hôm nay, bảo tàng đã cho chúng em hiểu được một phần về những ngày tháng các chiến sĩ phải chịu trong lao tù. Chúng em biết được rằng, nền hòa bình, niềm hạnh phúc hôm nay là thành quả của sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ hôm qua…”.
Rất nhiều đoàn học sinh, đoàn thanh niên đã nghẹn ngào xúc động khi được trực tiếp tham quan, tìm hiểu tại không gian bảo tàng. Nhiều học sinh ưu tú vinh dự được kết nạp đoàn, hay dự lễ báo công với các anh hùng liệt sĩ tại bảo tàng. Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng vui mừng vì ngày càng nhiều học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn. Nhiều người gọi thân thương là “ông giám đốc”, “bố giám đốc”… Khi đó, ông sẽ cười thật giòn: “Giám đốc làng quê đây. Tự quản, tự túc, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm”. Câu cửa miệng đã khái quát “cơ chế” hoạt động của bảo tàng với gần 5.000 hiện vật giá trị, được ông và các đồng đội tận tâm, tận lực sưu tầm suốt mấy chục năm để rồi giành kỷ lục bảo tàng có nhiều hiện vật về chiến sĩ cách mạng nhất.
Nhiều lần tôi được nghe ông kể chuyện, lần nào cũng rưng rưng xúc động. Ở nơi “địa ngục trần gian”, ông Bảng chứng kiến đồng đội phải chịu đựng sự tra tấn dã man: đóng đinh vào đầu, nhổ răng, nhốt vào chuồng cọp giữa trưa nắng, đổ nước sôi lên người... Dù vậy các chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung, sắt son với Đảng. Có người bị chấn thương sọ não, bất tỉnh. Có người bị đánh đập dã man, tiếng kêu tắc nghẹn, rồi tắt ngấm… “Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy tiếng kêu của đồng đội”, ông Bảng xúc động chia sẻ.
Rất nhiều người tự hỏi, ông giám đốc, thương binh ¼ lấy đâu ra sức lực để làm cả núi công việc. Ông luôn nhiệt thành đón tiếp khách trong nam ngoài bắc, làm hướng dẫn, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, triển lãm lưu động, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, tạo việc làm cho con thương binh, liệt sĩ… Gần đây, ông còn viết hồi ký chiến trường và dự định xuất bản vào cuối năm 2025. Chỉ tay về phía những cánh chim câu bay lượn phía hàng cau, ông Bảng bày tỏ: “Để có bầu trời tự do, yên bình, hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống. Trong cuốn sách tri ân đồng đội, gia đình, tôi sẽ nói rõ hơn về đời binh nghiệp của mình…”.
![]() |
Ông Lâm Văn Bảng chia sẻ với các bạn trẻ về quá trình xây dựng bảo tàng. Ảnh: LƯU XA |
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943, năm 1965 ông lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị thương, bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về công tác ở Hạt quản lý giao thông số 5. Năm 1985, trong lần sửa chữa cầu Giẽ, một quả bom được phát hiện ở mé sông, nên đã nhờ chuyên gia tháo kíp, tháo thuốc nổ rồi mang vỏ bom về trụ sở Hạt. Nhiều người dân đã đến xem. Khi ấy, một ý nghĩ chợt đến, nhưng đủ khiến ông nung nấu và quyết tâm thực hiện. Ông nhớ đến biết bao hiện vật có thể kể câu chuyện về những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, chịu tra tấn dã man, và nhiều người trong số đó đã ngã xuống... Tại sao không tập hợp lại để các thế hệ có thể đến xem, học tập về truyền thống anh dũng của các thế hệ yêu nước? Từ đó, ông nảy ra ý tưởng sưu tầm thêm nhiều hiện vật, lập bảo tàng. “Sau nhiều ngày cùng đồng đội trải qua nhiều khó khăn tìm kiếm tư liệu, hiện vật, hình ảnh, kỷ vật, tôi đã có số lượng lớn hiện vật quý. Về nhà, tôi dành 2.000m2 đất của gia đình để xây dựng. Ban đầu tôi phải thuyết phục vợ con đi ở nhờ chỗ khác nhường chỗ xây bảo tàng, cuộc sống lúc đó vất vả vô cùng. Năm 2006 Bảo tàng chính thức được công nhận. Tôi hằng tin, những hiện vật, câu chuyện mình kể, sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, khơi dậy tình yêu Tổ quốc”, ông Bảng chia sẻ.
Kỷ vật kể chuyện
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được chia thành các khu vực: Đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ; khu trưng bày vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống đế quốc Mỹ; khu trưng bày hình ảnh mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của giặc; khu giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng và kỷ vật của những đảng viên trong nhà tù Phú Quốc; khu trưng bày hiện vật của các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong cả nước…
Để làm nên sự thành công của bảo tàng, ngoài giám đốc Lâm Văn Bảng còn có hai phó giám đốc là cựu chiến binh Kiều Văn Uỵch, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Mộc cùng 25 tình nguyện viên. Ông Kiều Văn Uỵch, chia sẻ: “Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng những ký ức, câu chuyện sống động, bi hùng về ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”.
Dẫn khách vào phòng trưng bày, ông Uỵch giới thiệu về lá cờ Tổ quốc nhuộm máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa - một cựu chiến binh ở Bắc Giang hiến tặng cho bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng, dặn ông Bảng: Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, tôi giữ gìn lá cờ này như mạng sống của mình…
Những chiếc thùng phuy nhỏ, chỉ vừa một người ngồi, được đặt trong không gian trưng bày cũng gây ấn tượng mạnh với khách tham quan. Để tăng thêm mức độ tra tấn, cai tù thường dùng búa gõ trên đỉnh thùng phuy cho tới khi chiến sĩ đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng… Rồi đến chuồng cọp đầy dây thép gai nhốt các chiến sĩ hay căn hầm chật hẹp đến nỗi tù nhân chỉ có thể ghé nghiêng người...
Ở phòng trưng bày số 7, các hiện vật còn “kể” về những gương sáng của chiến sĩ cách mạng kiên trung trong lao tù, như: Ông Trương Bá Ngãi (xã Phú Túc, Phú Xuyên), bị địch dùng vồ đập vào đầu, lấy gậy đánh gãy tay rồi cai ngục thay nhau giẫm giày đinh lên ngực cho tới lúc hy sinh; ông Trần Văn Viêm (xã Hồng Minh, Phú Xuyên) đã tổ chức cho 30 chiến sĩ cách mạng vượt ngục, bị địch bắt tra tấn sống đi chết lại vẫn không khai bất cứ điều gì, chúng liền buộc ông vào xe kéo lê trên đất cho đến chết; ông Vũ Văn Kim ở Thuận Thành (Bắc Ninh) tự mổ bụng mình để đấu tranh với giặc. Còn biết bao tấm gương anh dũng khác bị giam ở “chuồng cọp”, hầm tối đã tuyệt thực hàng tuần lễ để đấu tranh, thậm chí sẵn sàng tự thiêu để phản đối chế độ nhà tù hà khắc, khiến cho bọn chúa đảo, lính cai ngục nhiều phen khiếp vía.
Một trong những thành viên tích cực của bảo tàng là cựu chiến binh Nguyễn Đình Quốc, hiện cư trú tại quận Hoàng Mai, tuy đã ở tuổi 85 nhưng sáng nào cũng bắt xe buýt về bảo tàng làm việc, đến tối lại bắt xe về nhà. Ông Quốc nhập ngũ tháng 2/1964 và trở thành thuyền phó đoàn tàu không số, bị địch bắt vào tháng 11/1970 tại Bến Tre, sau đó bị đưa vào giam giữ tại nhà lao Phú Quốc hơn hai năm. Cuộc đời có nhiều bước thăng trầm, nhưng ông tự nhủ mình vẫn còn may mắn, sau bao gian khổ vẫn được trở về với gia đình. Năm 2014, ông về “công tác” cùng đồng đội trong vai trò hướng dẫn viên. Ông Quốc tâm sự: “Rất nhiều người đến đây với tấm lòng khao khát muốn nhớ lại, muốn tìm chút hình hài của chồng, vợ con họ đã hy sinh nơi chiến trường. Đây có lẽ là điểm tựa tinh thần để những thân nhân liệt sĩ, nhất là những người không tìm thấy hài cốt liệt sĩ có thể được an ủi phần nào”, ông Quốc giãi bày.
Trong tâm khảm, các cựu chiến binh luôn khắc ghi tinh thần người chiến sĩ, không ngại gian khó và luôn nhắc nhở mình sống thay phần đồng đội, sống tiếp phần đời sáng đẹp. Để lan tỏa tinh thần ấy, mỗi khi có đoàn đến thăm, Ban giám đốc đều mời nhân chứng sống đến nói chuyện. Khi đó, mỗi câu chuyện, mỗi vùng ký ức lại khơi sáng cho thế hệ trẻ, những người sống trong hòa bình hôm nay tiếp tục có nhiều sáng tạo, cống hiến cho cuộc đời ■