NHỮNG GIẢI PHÁP CANH TÁC HIỆU QUẢ
Nhiều năm nay, Trường Phúc Farm ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Với hơn 3,5 ha trồng rau thủy canh, trang trại đã áp dụng hệ thống tuần hoàn khép kín giúp tái sử dụng nước và dinh dưỡng một cách tối ưu. Không chỉ giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ, công nghệ này còn hạ chi phí vận hành, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Phúc Tô Quang Dũng chia sẻ: "Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước trở thành bài toán nan giải. Chúng tôi đã thiết kế hệ thống thu gom nước mưa từ nhà màng để tái sử dụng, kết hợp với các thiết bị tưới tiết kiệm. Phương pháp trồng rau thủy canh là một vòng tuần hoàn khép kín, nước và dinh dưỡng được phân bổ trên toàn hệ thống, không bị thất thoát ra môi trường. Nhờ vậy, vấn đề nước tưới đã được giải quyết hiệu quả". Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, nên sản lượng rau thủy canh của Trường Phúc Farm ngày càng tăng, bình quân mỗi tháng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hơn 50 tấn rau chất lượng cao.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Đức Trọng với 20ha canh tác rau củ quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP cũng đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ. Những năm qua, HTX luôn hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các thị trường khó tính. Đặc biệt, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, HTX chú trọng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương tự động trên các diện tích canh tác. Là một xã viên HTX, anh Đào Chuyên Chính có 4.000m2 chuyên trồng ớt baby. Hiện toàn bộ diện tích canh tác được áp dụng công nghệ cao. Anh Chính cho biết: Canh tác ngoài trời chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, nếu như trước đây 4.000m2 canh tác ngoài trời phải tưới khoảng 80m3/ngày, đến nay với mô hình tưới hiện đại chỉ mất khoảng 10m3/ngày.
Hầu hết diện tích của các thành viên trong HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú đã cơ bản hoàn toàn tự động qua các phần mềm tích hợp, được cài đặt sẵn, chính xác về các chỉ số (như độ EC, PH…). Hệ thống cũng kiểm soát chính xác độ ẩm, tốc độ gió, hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Lê Văn Ba chia sẻ: “So với phương pháp truyền thống, công nghệ tưới tiên tiến giúp chúng tôi tiết kiệm đến 80% lượng nước cần thiết cho một đơn vị sản xuất. Đây là bước tiến lớn để ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay”.
HƯỚNG TỚI NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0. Hiện toàn tỉnh có hơn 69,6 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có hơn 730 ha ứng dụng công nghệ thông minh; sử dụng công nghệ IoT với chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ Bộ RATA IoT-3G/4G; cảm biến vi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật tưới; phần mềm quản lý trang trại thông minh; nhiều mô hình sản xuất mới tiên tiến, hiện đại; tưới tiết kiệm công nghệ của Israel, Ý, Pháp... góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp giảm 10-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động; tăng thêm lợi nhuận 15-20%. Kết quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã góp phần đưa doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 268 triệu đồng/ha. Theo đó, ứng dụng công nghệ IoT trên đơn vị diện tích canh tác rau đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, chú trọng nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại. Xây dựng quy trình canh tác bền vững cho các cây trồng chủ lực, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu như hạn hán, rét hại... Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị.
Năm 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chung, dữ liệu mở về các vùng trồng, quy hoạch, quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả diện tích đất; quan trắc dự báo, cảnh báo lũ lụt, ngập úng, hạn hán, số lượng, chất lượng nước; cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm sản, thủy sản; qua đó đáp ứng công tác chỉ đạo điều hành chuyển đổi cây trồng, vật nuôi góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với những bước đi tiên phong, Lâm Đồng không chỉ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu mà còn khẳng định vị thế của một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.