Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Làng Sen, điểm hẹn tháng 5

NDO - Ở miền quê xứ Nghệ, trên mảnh đất xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tháng 5 càng thêm ý nghĩa trong hương sen ngào ngạt và từng bước chân thành kính của dòng người về đây tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là địa điểm quen thuộc của người dân Việt Nam mỗi dịp tháng 5 về.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là địa điểm quen thuộc của người dân Việt Nam mỗi dịp tháng 5 về.

Hơn một thế kỷ trôi qua, vẫn còn đó mái nhà tranh, bóng tre làng. Bóng dáng Người vẫn còn đó với quê hương, đất nước. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, quê Bác không chỉ là một địa danh mà là nơi thiêng liêng để tìm về, để được nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Người.

Làng Sen trong nắng tháng 5

Ngay từ những ngày đầu tháng 5, từng đoàn người từ bắc đến nam, kiều bào ở nước ngoài và khách quốc tế đã bắt đầu hành trình trở về làng Sen quê Bác. Giữa cái nắng gay gắt của miền trung, những chiếc nón trắng nhấp nhô theo dòng người len qua con đường làng nhỏ rợp bóng tre. Có cụ già tóc bạc chống gậy đi từng bước chậm rãi nhưng ánh mắt sáng ngời. Có những tốp thanh niên áo xanh phơi phới khí thế. Có cả những em bé còn chưa hiểu hết ý nghĩa của chuyến đi nhưng bàn tay nhỏ xíu vẫn nắm chặt tay bố mẹ lặng lẽ theo sau. Không hẹn mà gặp, tất cả cùng về đây với một tấm lòng nhớ Bác.

Trong dòng người ấy, bà Mai Thị Lê, 72 tuổi, quê ở Quảng Nam, nắm chặt tay cháu nội, mắt ngấn lệ nói: “Tôi đã hứa với lòng, đến năm nào còn khỏe thì vẫn phải về thăm quê Bác vào tháng 5. Không chỉ để nhớ đến Bác, mà còn để cho con cháu biết nhân dân Việt Nam ta có vị lãnh tụ đáng kính đến nhường nào. Qua đó để giáo dục con cháu phấn đấu trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội sau này”.

Mái nhà tranh nằm nép mình dưới hàng cau vẫn giữ nguyên dáng dấp từ cả trăm năm trước. Vẫn còn đó chiếc võng, khung cửi, tấm phản,... Từng hiện vật, từng hàng cây đều như thì thầm kể chuyện về một thời gian khó nhưng chứa chan tình yêu thương, nơi gắn bó với Người thủa thiếu thời. Nhiều du khách bước vào không gian này đều lặng người.Tất cả đều chăm chú lắng nghe thuyết minh viên giới thiệu về những hiện vật.

Cụ Hoàng Văn Dư, 77 tuổi, đến từ Bình Định, vừa lau nước mắt vừa kể: “Tôi sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn, gần cả cuộc đời được nghe chuyện về Bác. Nay được đứng ngay nơi gắn liền với tuổi thơ của Người, thấy như đã trọn một kiếp người”.

Trong dòng cảm xúc, chị Vũ Thị Hương, du khách từ Hà Nội, không giấu nổi xúc động: “Tôi đã đọc rất nhiều sách về Bác, nhưng khi bước vào căn nhà tranh này, nhìn chiếc võng đơn sơ, được nghe những câu chuyện về Bác lòng tôi nghẹn lại. Thương Bác đến rơi nước mắt… Bản thân mình tự hứa sẽ cố gắng làm việc hết mình, góp sức nhỏ bé để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Đứng dưới tán tre già, qua lời của thuyết minh viên Nguyễn Thị Thanh bằng chất giọng truyền cảm, thuở ấu thơ của Người hiện ra sinh động, chân thực.

Chị Thanh tâm sự: "Mình may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Đàn, ngay từ nhỏ đã theo bố mẹ tới thăm nhà Bác; những kỷ vật, câu chuyện lắng sâu về cuộc đời Bác đã nhen nhóm trong mình ước mơ lớn lên được làm thuyết minh viên và kể chuyện về Bác cho du khách muôn phương. Sau này, khi tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường đại học Vinh, mình trúng tuyển và được về công tác tại đây.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, mình vẫn giữ tâm huyết và lòng yêu Bác, yêu nghề. Chính tình cảm của du khách muôn phương về đây là động lực để mình gắn bó với công việc".

Giám đốc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên Nguyễn Bảo Tuấn chia sẻ: Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người thời niên thiếu và gia đình.

Hằng năm, nơi đây đón trên hai triệu lượt khách. Đặc biệt, vào những ngày lễ như 30/4-1/5 và ngày sinh nhật của Người, có lượng khách rất lớn về đây.

Sắp tới, dịp sinh nhật Người, lượng du khách về đây sẽ rất đông. Do đó, để phục vụ du khách thập phương, Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên sẽ huy động 100% cán bộ, nhân viên trực tiếp đón, hướng dẫn; đồng thời phối hợp lực lượng chức năng phân luồng giao thông, làm sao để du khách có trải nghiệm tốt khi về với quê Bác.

Làng Sen kết đài hoa dâng Người

Làng Sen, điểm hẹn tháng 5 ảnh 2
Làng Sen quê Bác đang từng ngày đổi thay.

Tháng 5, hoa sen vào mùa nở rộ nhất. Những đầm sen lớn ở chung quanh Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên như một tấm gương soi bóng thời gian. Hương sen len qua từng mái nhà, qua từng cơn gió lành, thấm vào tâm khảm bao thế hệ người làng Sen về công lao trời biển của Người.

Năm nay, tháng 5 lại thêm phần ý nghĩa với người dân xã Kim Liên nói riêng và người dân Nghệ An nói chung, khi dịp này tại đây sẽ có thêm bức tượng “Bác Hồ về thăm quê”.

Đồng chí Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Liên chia sẻ: Tượng “Bác Hồ về thăm quê” là công trình văn hóa lớn, có ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không gian nơi đặt tượng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung, mà còn là không gian tôn nghiêm, thiêng liêng, góp phần hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, những phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khánh thành tượng “Bác Hồ về thăm quê” là một trong những hoạt động nổi bật của Lễ hội Làng Sen năm nay.

Mỗi dịp sinh nhật Bác, Lễ hội Làng Sen lại được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động hấp dẫn. Từ năm 1981, phong trào văn nghệ quần chúng về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng đã ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen.

Đến năm 2002, Liên hoan tiếng hát Làng Sen được tỉnh Nghệ An nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh (tổ chức hằng năm) và quy mô toàn quốc (5 năm tổ chức một lần) vào dịp sinh nhật Bác. Năm nay, Lễ hội Làng Sen được tổ chức quy mô toàn quốc.

Lễ hội Làng Sen từ lâu đã là mạch nguồn văn hóa trên mảnh đất Nghệ An “địa linh nhân kiệt”. Khởi nguồn từ những hoạt động đời thường, lễ hội Làng Sen qua 4 thập kỷ đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một không gian hội tụ, nơi quá khứ và hiện tại giao hòa, nơi những giá trị văn hóa được tôn vinh qua từng hoạt động và từng nghi lễ trang trọng.

Hằng năm, mỗi mùa sen nở không chỉ là một mùa lễ hội, mà còn là sự tiếp nối dòng chảy văn hóa, là dịp để triệu triệu trái tim Việt Nam hướng về Làng Sen lắng nghe câu chuyện của Người, cảm nhận tình đất, tình người nồng hậu.

Theo đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, Lễ hội Làng Sen là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, qua đó tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; giới thiệu, quảng bá văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Làng Sen năm nay có 13 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Làng Sen với chủ đề "Tượng đài trong muôn triệu trái tim" và lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp 15 phút ở quê Bác. Trong lễ hội, dự kiến sẽ công bố tour du lịch đặc biệt, riêng có của tỉnh Nghệ An với chủ đề: “Về quê Bác”.

Những năm qua, Đảng bộ, nhân dân quê hương luôn khắc ghi lời dặn của Người, phấn đấu sớm đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá của miền bắc và cả nước. Hiện thực hóa Di huấn của Người, tỉnh Nghệ An đang trở thành điểm sáng của cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Năm 2024, Nghệ An thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Nghệ An nằm trong top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Cùng với đó là nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, giúp đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Những khúc hát dâng Người vang mãi qua thời gian.