Linh hoạt tuyển dụng chống thiếu hụt lao động

Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, hàng loạt doanh nghiệp Đà Nẵng đang tuyển dụng lao động. Trước bối cảnh “cầu vượt cung”, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng và các doanh nghiệp đã linh hoạt trong tuyển dụng, tăng chế độ phúc lợi nhằm thu hút người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến thủy sản đang chờ người lao động.
Các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến thủy sản đang chờ người lao động.

Cần hơn 10 nghìn vị trí việc làm

Những tháng đầu năm, trước sự khởi sắc của các lĩnh vực may mặc, điện tử, thủy sản, nhiều doanh nghiệp (DN) tăng cường tuyển dụng lao động. Đầu tháng 3, Chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng đăng tin tuyển dụng 400 công nhân may cùng nhiều vị trí nhân viên kiểm hàng, quản lý chất lượng. Tương tự, Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam tuyển hơn 410 lao động cho các vị trí như công nhân may, lò hơi, sửa chữa máy, thống kê sản xuất, quản lý ngành may, kho phụ liệu. Công ty TNHH Morito Đà Nẵng cũng tuyển 100 công nhân may, 10 công nhân ủi, 10 công nhân kiểm hàng, 10 lao động phổ thông. Công ty TNHH P.M.A Corporation tuyển hơn 430 lao động làm công nhân may, nhân viên kỹ thuật may, nhân viên xuất nhập khẩu, theo dõi đơn hàng, quy trình công nghệ, kiểm soát...

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng - ông Nguyễn Thanh Diệp cho biết, trong phiên giao dịch việc làm định kỳ cuối tháng 2, trung tâm tiếp nhận thông tin tuyển dụng của 116 đơn vị, DN trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận với 10.741 vị trí việc làm trống. Trong đó các lĩnh vực tuyển dụng đông lao động như may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến thủy sản, sản xuất gỗ. Các DN tuyển dụng đa dạng trình độ, từ đại học, cao đẳng, trung cấp cho đến lao động phổ thông, không yêu cầu bằng cấp, bảo đảm mọi người lao động đều tìm được việc làm phù hợp.

Ông Diệp cho biết thêm, trước nhu cầu tuyển dụng tăng cao, trung tâm duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ sáu hằng tuần tại 3 địa điểm: 278 Âu Cơ (quận Liên Chiểu), 21 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) và 657 Trường Chinh (quận Cẩm Lệ). Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để giao dịch việc làm trực tuyến nhằm tăng tỷ lệ kết nối với người lao động.

Tăng phúc lợi để tìm người

Từ sau Tết Ất Tỵ đến nay, Công ty Pi Vina Đà Nẵng liên tục đăng tin tuyển dụng lao động nhưng kết quả không như mong muốn. Hiện nay, công ty này đang tiếp tục tuyển 100 công nhân may, 20 công nhân phụ lấy dấu, cắt chỉ, 5 nhân viên kiểm hàng. Để thu hút lao động, bên cạnh các chính sách theo quy định, công ty tung chính sách “Thưởng giới thiệu ứng viên may”. Theo đó, từ ngày 24/3, công ty sẽ thưởng 1,5 triệu đồng cho người giới thiệu ứng viên vào vị trí may và 1,5 triệu đồng cho công nhân may mới. Bên cạnh đó, Pi Vina Đà Nẵng áp dụng chế độ ưu đãi cho công nhân cũ quay lại làm việc, gồm giữ nguyên lương trong lương cơ bản, giữ nguyên mức thưởng chuyên cần, giữ nguyên mức xếp loại hoặc được đánh giá cao hơn, tặng quà trị giá 150 nghìn đồng khi đăng ký đi làm.

Những ngày này, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng đang tuyển 500 lao động chính thức và thời vụ để chế biến tôm xuất khẩu. Trước tình hình nguồn lao động trên địa bàn thành phố hạn chế, công ty chuyển sang tuyển lao động thời vụ, mở rộng địa bàn tuyển dụng đến các xã của huyện Hòa Vang, các khu vực lân cận như thị xã Điện Bàn, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của công ty, nhiều người lao động khu vực nông thôn chọn làm thời vụ trong thời gian ngắn nên công ty chấp nhận tuyển dụng hình thức làm việc này. Đồng thời công ty bố trí ô-tô đưa đón người lao động đi về trong ngày, ưu tiên đưa đón nhóm lao động trong cùng xóm, thôn để thu hút lực lượng lao động thời vụ làm việc. “Chính sách tuyển dụng này được công ty thực hiện gần 2 năm nay, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong những giai đoạn cao điểm”, ông Linh nói.

Để tăng tỷ lệ khớp nối cung - cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đang phối hợp UBND quận Thanh Khê triển khai chương trình đối thoại, tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm, học nghề, vay vốn và truyền thông hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 24 cụm dân cư thuộc 6 phường theo hình thức trực tiếp. Đối tượng tham gia là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, hộ khó khăn, hộ có mức sống trung bình. Ngoài ra còn có lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên có nhu cầu về việc làm, học nghề, vay vốn, đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm cũng giúp tư vấn, giới thiệu việc làm, trau dồi, hỗ trợ kỹ năng trả lời phỏng vấn, tìm việc cho hàng trăm người lao động.

Năm 2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng dự kiến tổ chức 48 phiên giao dịch việc làm. Trong đó, 21 phiên định kỳ, 24 phiên online với các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và 3 phiên giao dịch tại các quận, huyện, trường đại học, cao đẳng. Qua đó, mong đưa sàn giao dịch việc làm đến gần hơn với người lao động, sinh viên năm cuối, góp phần hiệu quả chương trình “Có việc làm” trên địa bàn.