Xe vừa dừng tại Trung tâm Y tế huyện Ðạ Tẻ’h, dù mệt mỏi, bác sĩ Võ Nguyễn Mân, trưởng đoàn, đã nhanh nhẹn cùng ê kíp đưa dụng cụ, máy móc kỹ thuật cao vào phòng phẫu thuật. Tại đây, đã có khoảng 60 bệnh nhân bị mù do đục thủy tinh thể, do cườm, mộng thịt... đứng đợi. Cụ Nguyễn Chiêm (88 tuổi, xã Ðạ Lay) vui như được quà, nói lúng búng: "Tôi đợi bác sĩ từ đêm qua vì nhà xa quá, phải đi bộ từ sâu trong làng cách huyện 15 km. Nhưng tôi cũng hy vọng lắm, vì bác sĩ từ "thành phố Bác Hồ" có tay nghề cao, đã dành ngày nghỉ để đến tận vùng "khỉ ho cò gáy" mà chăm lo cho nhân dân. Nhiều năm nay, tôi sống trong bóng tối. Gia cảnh nghèo quá không đủ tiền ăn, nên không dám mơ có ngày được mổ miễn phí".
Người cán bộ y tế huyện gọi rõ to: "Bệnh nhân Trần Thị Na, 77 tuổi, thôn 10, xã Ðạ Kho". Một cụ bà đứng phắt dậy, nhanh hơn so với sức khỏe hiện trạng, "dạ" rõ to rồi đến bên bàn đo mạch, huyết áp. Bà Na được bác sĩ thông báo mình bị cườm mắt phải, có thể mổ. Nghe thế, bà rạng ngời gương mặt.
Chúng tôi theo bà Na vào phòng phẫu thuật. Ðèn phẫu thuật bật sáng, bác sĩ Mân nhanh chóng dùng dụng cụ vi phẫu, thuần thục đến từng chi tiết và gắp ra từ mắt bà Na hạt cườm mầu hổ phách có đường kính gần 1cm. Ngay sau đó, anh thay ngay tròng mắt nhân tạo rồi bơm thuốc, dùng gạc chùi vết máu ứ trên đôi mắt bà Na, đôi mắt với một bên đã từ lâu không còn nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp của cuộc sống.
Hôm sau, chủ nhật, đoàn hành quân lên Bảo Lâm để mổ mắt cho 70 bệnh nhân nghèo khác của địa phương. Ngoài mổ mắt, bà con còn được nhận những phần quà ý nghĩa do Trường trung cấp Quang Trung trao tặng, ai nấy đều xúc động. Phó Chủ tịch HÐQT Trường trung cấp Quang Trung Trần Thị Tuyết cho biết: "Chi bộ nhà trường vận động các em sinh viên học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực. Vậy là các em ngành dược, điều dưỡng y khoa đã mày mò, pha chế được dầu gió, dầu cù là, thuốc bôi ngoài da để làm quà cho người bệnh nghèo. Vừa học làm nghề y dược, vừa học đạo đức làm người, tôi nghĩ đây chính là làm theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Quang Trung Nguyễn Ðình Bá chia sẻ: "Với mỗi ca mổ mắt như vậy, chi phí khoảng một triệu đồng, song chúng tôi đã gặp gỡ với các bác sĩ có tấm lòng. Họ quyết định bỏ công sức cùng chúng tôi giúp mổ mắt cho khoảng 130 bệnh nhân mù nghèo của tỉnh Lâm Ðồng trong đợt này và chỉ nhận lại số tiền mua thuốc, y cụ. Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn mà mỗi khi chiếc cửa sổ ấy khép lại, sẽ chỉ còn màn đêm tăm tối. Chúng tôi cùng Chi hội Từ thiện Trái Tim Vàng và các y, bác sĩ đã đồng hành với nhau suốt ba năm qua, mổ xóa mù cho gần 1.000 bệnh nhân nghèo, trả lại ánh sáng cho bà con, đó là điều chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất!".
Cứ sau khi các bệnh nhân rời phòng phẫu thuật, các nhà hảo tâm lại ân cần trao cho mỗi người một phần quà gồm bánh, đường, sữa và tiền. Mạn phép hỏi vì sao có ý định như thế, anh Bá cho biết, đường và sữa là để bà con bồi dưỡng sau ca mổ mất sức. Còn tiền tuy chỉ là 50.000 đồng, nhưng cũng là lớn với người dân nghèo vùng sâu, vùng xa. Số tiền ấy đủ "bao xe ôm" từ trong thôn, ấp ra trung tâm huyện. Câu nói rất "đời" của anh khiến chúng tôi hiểu hơn về tấm lòng của con người với con người. Và thật sự sẽ là rất khó khăn cho một bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo phải mất ngần ấy tiền (mà có thể chẳng kiếm được do mù lòa) để ra chữa trị.
Rời mảnh đất cao nguyên sau hai ngày làm việc cật lực với con số 130 ca mổ thành công, chúng tôi không khỏi bồi hồi vì những gì mình đã làm được. Những việc ấy tuy nhỏ, nhưng chan chứa bài học yêu thương con người với con người.