Tôi may mắn từng được gặp nhạc sĩ Huy Thục trong một chuyến công tác khi ông trở lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Vì rất thích bài hát Tiếng đàn Ta-lư, cho nên tôi xin nhạc sĩ kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời của bài hát. Với nụ cười đôn hậu, nhạc sĩ Huy Thục kể: Mùa hè năm 1967, để bảo vệ tuyến căn cứ bắc Đường 9, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở các trận càn quét, hủy diệt các xã phía tây quốc lộ 1, gồm: Trung Sơn, Gio Sơn, nhất là cái nôi cách mạng Gio An (Gio An được giải phóng từ ngày 30-12-1964, trở thành xã đầu tiên của miền nam được giải phóng), nằm trên hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra. Sau trận càn của quân giặc, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng du kích khẩn trương giúp dân dựng lại nhà cửa, trường học. Lúc đó, một số chiến sĩ phát hiện hai chiếc trống nằm trong đống đổ nát tại một ngôi trường ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, cho nên đưa về Sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đang đóng tại Kinh Môn.
Ngày ấy, không để cho đối phương tiếp tục thực hiện ý đồ càn quét, Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9 quyết định mở Chiến dịch Gio An. Bằng nghệ thuật quân sự chiến tranh tài tình của quân đội ta, đối phương tuy có tiềm lực quân sự hùng hậu như: máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng..., không ngờ bị ta nhử vào mặt trận Gio An, nơi tọa độ ta đã chọn sẵn. Đúng giờ G, từ Vĩnh Linh đất thép anh hùng, bờ bắc sông Bến Hải, các loại pháo của quân giải phóng bắn xối xả năm ngày vào mục tiêu. Tiếng pháo kết thúc, từ Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 3, tiếng trống nổi lên giục giã liên hồi mừng thắng trận Gio An. Âm hưởng tiếng trống trận mừng chiến thắng của Chiến dịch Gio An là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, dạt dào để nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài ca bất hủ Tiếng đàn Ta Lư. Tháng 4-1975, khi miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trên mảnh đất xã Gio An anh hùng, thống kê sơ bộ có ít nhất 29 xe tăng và hơn 10 máy bay trực thăng của đối phương bị quân và dân ta bắn cháy trong Chiến dịch Gio An.
Chiến tranh đã lùi xa sau gần nửa thế kỷ, xã Gio An cùng các xã: Gio Bình, Trung Sơn, Gio Sơn, Hải Thái, bờ nam vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải của huyện Gio Linh, đã thay da đổi thịt rất nhiều. Bí thư Đảng ủy xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, Đảng bộ và nhân dân xã Gio An vượt qua muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, thiên tai khắc nghiệt từng bước vươn lên xây dựng lại quê hương từ trong tro tàn đổ nát. Trong câu chuyện hậu chiến tranh, ông Nguyễn Văn Song tự hào chia sẻ: Đảng bộ xã Gio An xác định, thế mạnh tạo đột phá phát triển kinh tế của xã là trồng hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu, trồng rau sạch trên đá, phát triển mô hình du lịch cộng đồng với hệ thống 13 giếng cổ, trồng cao-su và chăn nuôi.
Kể về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình làm kinh tế, ông Trần Quốc Toàn ở thôn Hảo Sơn cho biết, tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ, người nông dân yên tâm về giá cả đầu ra của sản phẩm. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2018, các hộ dân trong xã bán gần 20 tấn hồ tiêu hữu cơ cho một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang châu Âu, với giá bán 78 nghìn đồng/kg, cao hơn trồng hồ tiêu truyền thống 20 nghìn đồng/kg. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2019 này, người dân của xã hy vọng sẽ bán được khối lượng hồ tiêu lớn hơn năm trước. Xã Gio An khuyến khích người dân liên kết sản xuất, nâng cao hơn nữa diện tích trồng hồ tiêu bằng phương pháp canh tác hữu cơ, xem đây là hướng đi phù hợp thị trường hội nhập.
Một nông sản độc đáo nữa của xã Gio An đó là cây rau liệt được trồng trên ruộng đá. Nguồn nước tự nhiên nhiều năm qua cung cấp cho hệ thống giếng cổ ở Gio An, đã nuôi dưỡng cây rau liệt sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Lê Thanh Tân ở thôn An Hướng, ngoài công việc chính là nghề xây dựng, trồng cao-su, mỗi vụ anh trồng thêm 1.500 mét vuông ruộng rau liệt, thu về bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng, có giá trị cao gấp chục lần trồng lúa. Anh Tân cho biết, cây rau liệt, trồng đơn giản, không tốn nhiều công sức lao động, không cần tất cả các loại phân bón hữu cơ, vô cơ, chỉ sống ở đầu nguồn nước sạch sẽ, thiên nhiên trong lành. Nhờ trồng rau liệt mang lại thu nhập cao, nhiều hộ gia đình có cuộc sống tốt hơn, có thêm tiền xây mới nhà cửa khang trang. Để khẳng định thương hiệu và bảo đảm an toàn chất lượng rau sạch, xã Gio An đã thành lập hợp tác xã dịch vụ rau sạch Hảo Sơn, nhằm kịp thời cung cấp sản phẩm rau liệt cho thị trường. Một tin vui cho nhân dân Gio An đó là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hệ thống giếng cổ Gio An là di tích quốc gia đặc biệt; tiến tới làm hồ sơ trình UNESCO công nhận hệ thống giếng cổ này là kiệt tác kiến trúc nghệ thuật của nhân loại.
Đồng chí Trương Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, cho biết: Là vùng đất anh hùng trong chiến tranh, sau gần nửa thế kỷ xây dựng, phát triển, Gio An hiện là xã nông thôn mới, luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, biết cách vượt qua khó khăn từng thời kỳ để xây dựng địa phương trở thành địa chỉ nổi tiếng, khiến du khách luôn muốn đến tìm hiểu, khám phá. Từ những ruộng rau liệt đẹp như một bức tranh thiên nhiên, huyện Gio Linh đã chọn xã Gio An để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng với tua du lịch thăm ruộng rau liệt và hệ thống giếng cổ, nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho Gio An, tạo thêm việc làm, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Từ những năm tháng cùng nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân xã Gio An chưa bao giờ khuất phục trước các thế lực ngoại xâm. Truyền thống bảo vệ, kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước của Đảng bộ và nhân dân Gio An là tấm gương sáng, góp phần giáo dục các thế hệ tiếp nối học tập và phát huy.