Theo đó, sản phẩm, hàng hóa tùy theo mức độ rủi ro (trung bình hoặc thấp) sẽ được đơn giản hóa một số thủ tục hành chính để đưa ra thị trường trước, còn cơ quan nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra sau, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Cơ chế hậu kiểm sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm an toàn thực phẩm, không để sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.
Cơ chế hậu kiểm được xem là bước tiến lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí tuân thủ, đồng thời cũng nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp đúng theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội đã bàn nhiều về việc phải siết chặt quy định, mạnh tay xử phạt gian lận chất lượng hàng hóa để tăng hiệu quả giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên thực tế, chúng ta không hề thiếu các quy định trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, chính sự chồng chéo, lúng túng, thiếu phối hợp giữa các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ đã đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ kiểm tra và chịu trách nhiệm đến cùng?”.

Cần phát huy đúng giá trị cơ chế “hậu kiểm” trong an toàn thực phẩm
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến thuốc, sữa và thực phẩm chức năng giả bị phanh phui như vụ Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột giả, dành cho người bệnh và trẻ nhỏ; vụ án kẹo rau củ Kera… cho thấy khâu hậu kiểm vẫn chưa phát huy hiệu quả, các cơ quan liên quan còn thiếu trách nhiệm do các quy định còn nhiều kẽ hở.
Đối với những sản phẩm, hàng hóa không qua tiền kiểm, thách thức lớn nhất chính là năng lực phát hiện và xử lý rủi ro kịp thời trong khâu hậu kiểm. Trước bối cảnh số lượng sản phẩm tự công bố ngày càng nhiều, đòi hỏi lực lượng kiểm soát chất lượng cần phát triển đủ đông, đủ mạnh. Cùng với đó là việc trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ phân tích và hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu liên ngành, liên địa phương, kịp thời, thông suốt. Nhất là, để cơ chế hậu kiểm thật sự hiệu lực, hiệu quả, cần khắc phục tình trạng các đầu mối phân tán; trách nhiệm kiểm tra, giám sát bị “đùn đẩy, ỉ lại" qua nhiều cơ quan.
Cần có cơ chế phối hợp thực chất, trong đó xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và khi có vi phạm, có thể truy trách nhiệm đến cùng. Kết quả hậu kiểm phải trở thành một thước đo công khai, minh bạch về mức độ hoàn thành trách nhiệm công vụ của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây cũng chính là cách để nâng cao kỷ cương hành chính, hiệu lực quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặt nền tảng cho một cơ chế hậu kiểm gắn rõ trách nhiệm thực thi. Vì vậy cần đưa ra được những nguyên tắc chung nhất của hoạt động hậu kiểm phù hợp với từng nhóm sản phẩm hàng hóa theo cấp độ rủi ro, để Chính phủ quy định cụ thể, giúp các bộ, ngành và các địa phương thống nhất trong phối hợp triển khai, quy trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra.