Bài 2: nguồn nhân lực du lịch đông nhưng chưa mạnh

Nâng cao chất lượng đào tạo để phát triển du lịch bền vững

Theo các chuyên gia về du lịch, nhân lực du lịch ở miền trung tuy đã tăng về số lượng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế, số lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái nghề còn rất lớn cho nên hoạt động thiếu hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Đáng chú ý, vào mùa cao điểm, nhân lực du lịch thiếu hụt trầm trọng.

0:00 / 0:00
0:00
Các hướng dẫn viên, sinh viên ngành lữ hành ở thành phố Đà Nẵng tham gia khóa đào tạo tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh ANH ĐÀO)
Các hướng dẫn viên, sinh viên ngành lữ hành ở thành phố Đà Nẵng tham gia khóa đào tạo tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh ANH ĐÀO)

Doanh nghiệp "khát" nhân lực chất lượng cao

Là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình và khu vực nhưng khi bước vào mùa du lịch, nhiều khách sạn, nhà hàng ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch đau đầu vì “bài toán” thiếu nhân sự. Không ít doanh nghiệp phải treo bảng tuyển dụng suốt nhiều tháng nhưng vẫn không tìm đủ người làm. Tương tự, trên các hội nhóm du lịch Phong Nha, không khó để bắt gặp hàng loạt thông tin tuyển dụng của các khách sạn, nhà hàng. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao là vậy nhưng người lao động vẫn không mặn mà, số lượng lao động tìm kiếm cơ hội làm việc ở thị trấn du lịch này không nhiều. Vì thế, ở những thời gian cao điểm, có những cơ sở lưu trú, dịch vụ phải huy động cả lao động “tay ngang” là phụ nữ, học sinh phổ thông trong các tổ dân phố, địa bàn dân cư chung quanh đến làm việc bán thời gian.

Theo số liệu của Ủy ban nhân dân thị trấn Phong Nha, trên địa bàn có gần 120 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 1.210 phòng, cùng 160 nhà hàng, quán ăn, dịch vụ cà-phê, giải khát… Vào mùa du lịch cao điểm, tình trạng khan hiếm nhân lực diễn ra trên diện rộng, khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động. Nguyên nhân chính khiến nhân lực du lịch ở Phong Nha luôn trong tình trạng thiếu hụt là do tính mùa vụ của du lịch địa phương. Mùa du lịch cao điểm tại Phong Nha chỉ kéo dài từ tháng 3-9 hằng năm, sau đó mưa lũ, mưa lạnh, lượng khách giảm mạnh. Việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến cho nhiều lao động không muốn gắn bó lâu dài với công việc nơi đây. Không chỉ du lịch Phong Nha mà ngay cả du lịch Quảng Bình vẫn mang nặng tính mùa vụ, doanh thu của doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cũng theo mùa. Khi mùa cao điểm du lịch bắt đầu cũng là lúc các doanh nghiệp loay hoay tìm kiếm nhân lực, vừa tìm người vừa tự tổ chức tập huấn cho nên kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng chưa cao.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, một bộ phận nhân viên của ngành du lịch đã chuyển nghề hoặc chuyển đến địa phương khác, không có nhu cầu quay trở lại ngành. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí lãnh đạo, quản lý, trưởng bộ phận, nhân viên có trình độ ngoại ngữ làm việc tại các vị trí như điều hành, kinh doanh... Bên cạnh đó, mức lương và chế độ ưu đãi đối với các vị trí cao cấp tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố chưa thật sự hấp dẫn, khó thu hút lao động chất lượng cao quay trở lại.

Thiếu kỹ năng, ngoại ngữ

Câu chuyện thiếu hụt hướng dẫn viên giỏi tiếng nước ngoài hiện là bài toán khó đối với ngành du lịch các tỉnh miền trung. Theo Giám đốc Điều hành của Học viện đào tạo mến khách IBH (Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An, Đà Nẵng) Nguyễn Thị Minh Tâm, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành du lịch không đồng đều. Có những ứng viên tốt thì không thiếu chỗ để làm, có thể nhận được nhiều lời mời từ doanh nghiệp cùng một lúc. Tuy nhiên lại có lực lượng lớn nguồn ứng viên đang cần việc nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp: yêu cầu về ngoại ngữ, công việc theo ca, bằng cấp…

Trình độ ngoại ngữ, nhất là đối với những khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu thông thạo tiếng Anh là bắt buộc, bởi khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, nếu không giao tiếp được tiếng Anh thì không thể nào đáp ứng được tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng. Bây giờ nói về ngoại ngữ, không chỉ đơn thuần là tiếng Anh nữa mà còn nhiều ngôn ngữ khác phụ thuộc vào nguồn khách mà khách sạn hoặc điểm đến đang tập trung phát triển như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Đức.

Trước xu hướng du lịch thường xuyên thay đổi, tỉnh Khánh Hòa liên tục mở rộng thị trường khách quốc tế, vì thế nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển của du lịch địa phương. Dễ thấy nhất chính là việc thiếu hụt các hướng dẫn viên giỏi tiếng Hàn, tiếng Nga… Trưởng bộ phận Hành chính-Nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam Nguyễn Hương Thủy cho biết, công ty rất khó khăn trong việc tìm kiếm hướng dẫn viên tiếng Nga để đón khách Nga khi nối lại các chuyến bay charter từ 11 thành phố của Nga.

Không chỉ có tiếng Nga, để đón hơn 2,4 triệu lượt khách Hàn Quốc trong năm 2024, các đơn vị lữ hành, lưu trú ở Khánh Hòa thật sự “hụt hơi” trong việc tìm kiếm hướng dẫn viên giỏi tiếng Hàn. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa đã phải tuyển dụng lao động từ Hàn Quốc sang để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tất nhiên là phải chấp nhận giá thành sản phẩm cao.

Bà Suramanathan, chuyên gia cao cấp của Công ty Gratiya, đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045 đánh giá: Một trong những hạn chế của du lịch Khánh Hòa chính là chất lượng nguồn nhân lực. Một số nguyên nhân được các công trình nghiên cứu chỉ ra như công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch vẫn còn nhiều bất cập; hoạt động đào tạo vẫn nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn; hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhân lực với cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu, chưa đi vào thực chất và hiệu quả còn thấp; đội ngũ giảng viên giảng dạy ở các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay vẫn nặng về lý thuyết mà thiếu hẳn thực tiễn quản lý và nghiệp vụ kinh doanh du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, kinh nghiệm cho thấy, nhân lực du lịch do các cơ sở giáo dục đào tạo ra thường yếu về kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Để cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ các trường trong công tác đào tạo nhân lực như tiếp nhận sinh viên thực tập; đồng thời các doanh nghiệp cần phải tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập huấn để phù hợp với những thị trường khách mới.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân, trang Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ số ra ngày 6/5/2025.