Ở nhiều chuyên ngành, các bác sĩ ở các bệnh viện đầu ngành thành phố không những tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành khu vực phía nam mà còn chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ các nước bạn trên thế giới như đào tạo kỹ thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi robot… Các bệnh viện cũng không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh theo hướng đạt các chuẩn quốc tế.
Nhiều dấu ấn phát triển kỹ thuật chuyên sâu
Đánh giá về sự phát triển ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết: “Đến nay, một số kỹ thuật chuyên sâu đã được ngành y tế thành phố thực hiện thành công, bao gồm: Các kỹ thuật chuyên sâu trong hồi sức cấp cứu, tim mạch, nội tiết, hô hấp, thần kinh, nội soi chẩn đoán và điều trị, lọc thận, lọc máu, can thiệp tim mạch chuyên sâu… Việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu vừa chẩn đoán vừa điều trị đã giảm tỷ lệ tử vong đáng kể, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Nhiều chuyên khoa khác đều phát triển mạnh các kỹ thuật chuyên sâu, không hề thua kém các nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN”.
Sự kiện đáng chú ý nhất là năm 2024, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ. Đây là kỹ thuật chuyên sâu lần đầu tiên được thực hiện thành công ở khu vực ASEAN. Thành tựu nổi bật tiếp theo là việc triển khai ứng dụng AI trong nội soi cổ tử cung giúp tầm soát ung thư cổ tử cung tại trạm y tế xã đảo Thạnh An. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một kỹ thuật soi cổ tử cung có AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung được triển khai ngay tại trạm y tế xã và cũng là ứng dụng AI thứ hai trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được triển khai tại xã đảo. Kỹ thuật này có tên là CerviCare AI, có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%.
Một trong những thành tựu nổi bật khác của ngành y tế thành phố trong lĩnh vực sản phụ khoa là tỷ lệ tử vong mẹ rất thấp: 2,02/100.000 sinh sống. Kết quả này nhờ quản lý thai kỳ nguy cơ cao tốt; đầu tư cho hồi sức cấp cứu, nhất là khả năng phối hợp liên chuyên khoa. Chương trình tầm soát và chẩn đoán tiền sản đã phát triển với nhiều kỹ thuật hiện đại; nội soi 3D được ứng dụng trong bệnh lý ung thư phụ khoa giúp việc điều trị hiệu quả và an toàn. Tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm tại thành phố đạt 50%-60%, ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: “Trong năm 2024, dấu ấn nổi bật của bệnh viện là phát triển mạnh mẽ Trung tâm Can thiệp Bào thai. Trung tâm đã triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc thai kỳ cho các trường hợp phức tạp. “Trong lĩnh vực chăm sóc trẻ sơ sinh, Trung tâm Hồi sức Sơ sinh của bệnh viện đã được Hội đồng Hồi sức châu Âu công nhận đạt chuẩn châu Âu. Ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện tiếp tục cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu, góp phần tăng tỷ lệ nuôi sống trẻ sinh non qua từng năm. Với năng lực xử lý khoảng 220 trường hợp mỗi ngày, trong đó 30-40% cần hồi sức sơ sinh, trung tâm này đã trở thành một điểm sáng trong hệ thống y tế Việt Nam”, bác sĩ Trần Ngọc Hải nhấn mạnh.
Về chữa trị đột quỵ, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị hơn 15.000 ca đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ thế giới, Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ và hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và phát triển mạng lưới đột quỵ của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có 96 đơn vị/trung tâm đột quỵ.
Ngành y tế thành phố cũng tự hào về những thành tựu trong phẫu thuật tim mạch giúp chữa bệnh cứu người. Sau 30 năm hoạt động, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã phẫu thuật được 36.963 ca với tỷ lệ tử vong 2,2%, thực hiện 47.463 ca thông tim can thiệp, chuyển giao kỹ thuật trong nước cho hơn 30 bệnh viện, một số nước châu Á, Senegal và Burkina Faso… Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa được Tổ chức Children’s HeartLink (Mỹ) công nhận là Trung tâm Tim mạch xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam và trở thành trung tâm thứ bảy trên thế giới…
Kỳ vọng vươn tầm thế giới...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025) và đón nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng cấp nhà nước của ngành y tế thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khẳng định, từ khi đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, ngành y tế thành phố đã tiên phong, nhanh chóng vươn lên bắt kịp xu thế phát triển và hội nhập. Từ một hệ thống còn nhỏ lẻ, bất cập, ngày nay ngành y tế thành phố đã xây dựng được một mạng lưới y tế đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn của cả nước. Đội ngũ nhân lực y tế thành phố không chỉ phát triển nhanh số lượng mà đã có những thành công vượt trội trong nghiên cứu, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ một số nước tiên tiến trên thế giới, như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản…
Để hướng tới mục tiêu xa hơn, trở thành trung tâm y tế của khu vực, năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn hiện thực hóa mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chiến lược phát triển bền vững và sự quyết tâm của cả hệ thống, thành phố đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực ASEAN; không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu y tế của người dân trong nước mà còn thu hút bệnh nhân quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới ■