Sáng 16/5, hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập”.
![]() |
Tiến sĩ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh :PV) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của khoa học, công nghệ, mỗi một thắng lợi của cách mạng và nhân dân ta đều gắn liền với sự đóng góp rất đáng trân trọng của khoa học, công nghệ nước nhà, góp phần xứng đáng vào uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Đó là, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong thời kỳ mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/ĐULHHVN để triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Những văn bản nêu trên quan trọng làm cơ sở, điểm tựa để đưa khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam với 42 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, tư vấn, phản biện, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Theo ông Phan Xuân Dũng, để hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập" với mục tiêu để các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày càng phát triển.
Đóng góp ý kiến về giải pháp nâng cao năng lực về tổ chức, bộ máy và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Khoa học và công nghệ ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Theo số liệu thống kê sơ bộ đến năm 2020 từ Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có hơn 3.000 tổ chức khoa học, công nghệ trong đó có hơn 2.000 tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, trong số đó có 30% tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Các tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam là một thành tố quan trọng, tập hợp được số lượng khá lớn lực lượng người lao động ngoài xã hội và chủ yếu là lực lượng trí thức, trong đó có đông đảo lực lượng chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều độ tuổi và môi trường hoạt động.
Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp về ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được các cơ quan chức năng và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế..
![]() |
Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Từ thực tế trên, nhằm nâng cao năng lực về tổ chức, bộ máy và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dịch vụ công, về xây dựng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện để các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập có điều kiện tiếp cận được nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho khoa học, công nghệ đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển các hoạt động này từ các cơ quan Nhà nước sang các tổ chức ngoài xã hội thực hiện.
Đồng thời, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hệ thống chính trị, làm chỗ dựa chính trị tin cậy cho cho đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ nói chung và cho các tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc nói riêng.
Với vị thế là tổ chức chính trị-xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và với vai trò là cơ quan chủ quản, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần hỗ trợ các tổ chức khoa học, công nghệ trực thuộc trong việc kết nối và bảo lãnh với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương nhằm tạo điều kiện để các tổ chức khoa học, công nghệ tìm kiếm các đối tác hợp tác và mở rộng thị trường trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ...
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Trung tâm con người và thiên nhiên, trong thời kỳ phát triển dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ giữ vai trò trung tâm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết các thách thức xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.
Bên cạnh hệ thống các viện, trường và tổ chức công lập, các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, đặc biệt là các tổ chức phi lợi nhuận, đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hóa chủ thể nghiên cứu, kết nối cộng đồng với khoa học, chuyển giao tri thức và huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này vẫn gặp nhiều cản trở thể chế, xuất phát từ những lỗ hổng pháp lý và tư duy quản lý hành chính hóa.
Một trong những bất cập lớn nhất là sự thiếu vắng khung pháp lý công nhận và phân loại rõ ràng các tổ chức khoa học, công nghệ phi lợi nhuận. Các tổ chức này hiện không được định danh cụ thể trong Luật Khoa học, công nghệ hay các luật liên quan, dẫn đến việc bị xếp chung với nhóm doanh nghiệp vì lợi nhuận. Do đó, họ không thể tiếp cận các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, không được miễn thuế nhập khẩu thiết bị nghiên cứu, và không được hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Thêm vào đó, việc tiếp cận các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Nhà nước còn gặp nhiều rào cản từ điều kiện năng lực, thủ tục đăng ký nhiệm vụ, đến cơ chế quản lý tài chính. Phần lớn các chương trình nghiên cứu công được phân bổ thông qua hình thức chỉ định hoặc qua các quy trình mang tính hành chính, thiếu công khai và chưa dựa vào năng lực thực tế.
Từ những thực tiễn nêu trên, cần sửa đổi Luật Khoa học, công nghệ và các văn bản dưới luật để định danh rõ tổ chức khoa học, công nghệ phi lợi nhuận, phân biệt với doanh nghiệp khoa học, công nghệ vì lợi nhuận. Từ đó, xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tiếp cận đất đai và nhiệm vụ nghiên cứu…
Cần xây dựng cơ chế hợp tác doanh nghiệp, tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập với các chính sách khuyến khích cụ thể, như khấu trừ thuế cho các khoản tài trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới vì mục đích chung của xã hội. Cần tăng cường đối thoại chính sách, lấy ý kiến thường xuyên từ tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập trong quá trình xây dựng luật, quy hoạch nghiên cứu, cũng như ban hành văn bản điều hành. Cần có kênh tham vấn chính thức và cơ chế phản biện chính sách khoa học độc lập.
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng nhấn mạnh vai trò của khoa học, đổi mới sáng tạo và tri thức cộng đồng trong giải quyết các vấn đề phát triển, việc tạo điều kiện để các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập hoạt động hiệu quả không nên chỉ được xem là một lựa chọn chính sách, mà là một phần thiết yếu trong cấu trúc hệ thống khoa học quốc gia.
Khi được công nhận đầy đủ và hỗ trợ đúng mức, các tổ chức này có thể đóng vai trò bổ sung đáng kể cho khu vực công lập, góp phần mở rộng phạm vi nghiên cứu ứng dụng, kết nối cộng đồng với khoa học và gia tăng năng lực phản biện chính sách từ góc độ xã hội.