Đến thời điểm hiện tại, Bình Phước đã làm sạch hơn 1,1 triệu dữ liệu dân cư và số hóa dữ liệu bốn loại sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này giúp kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh tích hợp, kết nối 1.769 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 1.067 dịch vụ công trực tuyến ở mức toàn trình và 374 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ cung cấp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 80,26%, xếp thứ tư cả nước.
Đại tá Nguyễn Duy Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Khi triển khai đề án, toàn tỉnh có tất cả 26 đơn vị cấp sở, toàn bộ 11 đơn vị cấp huyện và 111 đơn vị cấp xã đã ban hành kế hoạch thực hiện. Đến nay, trong số 46 nhiệm vụ được đề ra trong năm 2025, Tổ công tác Đề án 06 đã hoàn thành và thực hiện thường xuyên 21 nhiệm vụ, đang triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ. Nổi bật là tỉnh đã hoàn thành xong các bước kết nối hệ thống phần mềm tài nguyên và môi trường của tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đồng bộ dữ liệu đất đai, làm sạch và tái sử dụng dữ liệu; số hóa và cập nhật hơn 1,3 triệu dữ liệu hộ tịch vào phần mềm 158 của Bộ Tư pháp; kết nối hệ thống IOC tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính và đánh giá kết quả bộ chỉ số 766 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước đã cắt giảm 5.052,5 ngày, đạt tỷ lệ 19% (tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính do bộ, ngành công bố là 26.914,5 ngày; tổng thời gian do địa phương công bố là 21.862 ngày). Bình Phước đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 21 thủ tục hành chính, về thời gian đã cắt giảm được 53,5 ngày, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về mở đợt cao điểm 90 ngày, đêm hỗ trợ người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID, đến nay có 146 trong số 148 đơn vị các cấp đã ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện. Qua theo dõi trên hệ thống phần mềm báo cáo tiến độ đợt cao điểm, đến ngày cuối tháng 4/2025, các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã hỗ trợ gần 47.000 trường hợp kích hoạt tài khoản VNeID; hơn 85 nghìn trường hợp tích hợp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 120 nghìn giấy phép lái xe; khoảng 66 nghìn giấy chứng nhận, đăng ký xe và khoảng 24 nghìn mã số thuế... Bình Phước được Cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 Chính phủ đánh giá nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố sử dụng sổ sức khỏe điện tử hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ hiệu quả. Phong trào sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, phổ cập tới người dân các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; tổ chức các khóa học trực tuyến về kỹ năng số thiết yếu; hướng dẫn, phổ cập sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số… Từ đó, thực hiện mục tiêu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.
Tuổi trẻ Bình Phước đã thành lập 91 đội hình thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số” để cùng 111 tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã với 1.080 thành viên; 845 tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai Đề án 06 thôn, ấp, khu phố với 5.426 thành viên đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh thành thạo, an toàn.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước Lê Thị Hồng Phấn chia sẻ: “Tuổi trẻ Bình Phước xác định phong trào “Bình dân học vụ số” là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động của các đội hình tập trung vào việc tuyên truyền cho người dân kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin; hướng dẫn người dân sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị thông tin, truy cập internet, sử dụng phần mềm, mạng xã hội. Thanh niên sẽ trực tiếp đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ năng số, giúp người dân, nhất là người lớn tuổi và những người chưa quen sử dụng công nghệ dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày”.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song trong quá trình triển khai, Bình Phước cũng gặp phải một số khó khăn như số hồ sơ hành chính liên thông còn thấp, một số dịch vụ công chưa được số hóa hoàn toàn và thiếu nguồn lực hỗ trợ. Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm thực hiện nhiệm vụ Đề án 06, ưu tiên các mô hình có thể thực hiện ngay, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Tỉnh sẽ tập trung hoàn thành tất cả nhiệm vụ của Đề án 06 vào năm 2025, nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong việc xây dựng chính quyền số, công dân số tại địa phương.