Nâng cao giá trị nông sản địa phương là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp người dân tăng giá trị hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng thương hiệu cho cây ớt
Từ lâu, ớt A Riêu là một trong những loại gia vị quan trọng trong các món ăn và trở thành một phần văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn. A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là con chim chào mào. Loại ớt A Riêu ở vùng Đông Giang được đặt tên này với huyền tích loài chim chào mào ăn những trái ớt mọc ở rừng, từ đó phát tán hạt giống khắp núi rừng. Cũng nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng đã tạo ra sự khác biệt của giống ớt rất đặc trưng với kích thước khá nhỏ, có vị cay, thơm nồng vừa phải, khác hẳn với các giống ớt ở nơi khác. Đây là sản vật có giá trị về mặt thương mại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Hốih Ting, ở xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) chia sẻ, trước đây, đồng bào Cơ Tu chủ yếu lên rẫy đốn củi, trồng ngô, quanh năm đối diện với nghèo đói. Nhưng từ khi phát hiện cây ớt A Riêu là loại gia vị rất ngon cho các món ăn, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã tập trung trồng và phát triển giống ớt này. Giờ đây, ớt A Riêu là sản vật có giá trị về mặt thương mại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và mang lại thu nhập cao cho đồng bào Cơ Tu.
Nhiều năm qua nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt A Riêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, huyện Đông Giang đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022-2025 với diện tích trên địa bàn huyện đạt 50 ha. Giống ớt này thu hoạch quanh năm. Hiện nay, khoảng 100 hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang trồng loại ớt này. Sản lượng ước tính trên địa bàn đạt hơn 10 tấn/năm. Ớt A Riêu khi sơ chế sẽ được bảo quản, chế biến thành nhiều loại thực phẩm đặc trưng của địa phương như: ớt A Riêu muối, tương ớt A Riêu, muối ớt A Riêu, ớt A Riêu muối chua...
Ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Giang cho biết: “Giống ớt này được công nhận là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên và gắn nhãn OCOP 4 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học”.
Từ một loại cây hoang dã, ớt A Riêu đã trở thành đặc sản OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Nam, đã có mặt ở nhiều hội chợ nông sản trong nước và hướng đến xuất khẩu. Với những thành công này, sắp tới Quảng Nam sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, kích cầu tiêu thụ, để phát huy hơn nữa thương hiệu ớt A Riêu ra thị trường thế giới, giúp đồng bào Cơ Tu mở ra hướng làm ăn mới.
Tìm đường xuất ngoại cho nông sản
Năm 2021, Hợp tác xã Bà Ba Hội được Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hỗ trợ gần 400 triệu đồng để ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, hợp tác xã đã có những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường quốc tế như: Hoa Kỳ, Canada, Newzeland. Trong đó, tiêu biểu nhất là sản phẩm: bánh chưng, cá nục rim, bánh tét, bánh ú tro, mỳ Quảng ếch tươi...
Theo người sáng lập Hợp tác xã Bà Ba Hội Huỳnh Thị Thu Thủy, Quảng Nam có bờ biển dài và hệ thống sông suối dày đặc trải dài từ miền núi xuống đồng bằng, qua nhiều địa hình khác nhau đã tạo ra nguồn thủy sản rất dồi dào, phong phú, có giá trị dinh dưỡng cao. Cùng với cách chế biến đặc trưng của người xứ Quảng tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn. Với mong muốn giới thiệu những món ngon đặc trưng xứ Quảng đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, hợp tác xã đã tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất để phát triển nhiều sản phẩm mới, đặc trưng.
Với nhiều sản phẩm đặc trưng khác, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến sâu các đặc sản của địa phương. Nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp xứ Quảng như: sâm Ngọc Linh, yến sào Cù Lao Chàm, trầm hương, tiêu Tiên Phước, nấm Linh chi, đẳng sâm, ba kích... đã lần lượt xuất hiện và ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước. Với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đã và đang khẳng định giá trị và thương hiệu, các doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ thể OCOP và người nông dân rất cần được hỗ trợ để tiếp cận và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc này cần sự hỗ trợ từ chính quyền và cơ quan chức năng bằng những giải pháp cụ thể. Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, tỉnh hiện có gần 500 sản phẩm OCOP cùng hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp. Trong đó, nhiều sản phẩm đã đủ khả năng vươn ra thế giới trong thời gian tới, nhất là những thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các chủ thể, đơn vị, doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại ra thị trường thế giới. Thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh đã chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm Quảng Nam ra thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... “Việc ngày càng nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của xứ Quảng có mặt trên thị trường quốc tế là điều đáng mừng của địa phương. Đây là động lực để phấn đấu, đưa hàng hóa Quảng Nam vươn xa trong thời gian tới”, đồng chí Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.