Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tăng dần qua các năm. Dự kiến năm 2025, tỷ lệ đạt 40%, phù hợp với định hướng phân luồng mạnh mẽ trong giáo dục phổ thông, vượt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/ĐH của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ 16.
Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp
Thành công bước đầu này là kết quả sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Nhiều trường trung học trên địa bàn đã chủ động đổi mới hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo hướng gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Đặc biệt, mô hình giáo dục 9+ (học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp học nghề trình độ trung cấp) được triển khai tích cực, trở thành điểm sáng trong việc giúp học sinh sớm định hình con đường nghề nghiệp phù hợp.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và Quản lý đào tạo (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Đình Vinh cho biết: Phân luồng học sinh không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà còn là giải pháp chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình 9+ là hướng đi thiết thực, vừa giúp học sinh có tay nghề, vừa tạo điều kiện cho học sinh học lên cao nếu có nhu cầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tỉnh đoàn Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum… tổ chức các đợt tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Phối hợp với tổ chức Plan tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả mô hình giáo dục hướng nghiệp cấp trung học cơ sở thuộc “Chương trình cải thiện điều kiện sống cho trẻ em khó khăn và thanh niên nghèo tại huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum” cho 36 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường trung học cơ sở.
Trường cao đẳng Kon Tum triển khai nhiều biện pháp để giải quyết việc làm cho người học như: tổ chức ba chương trình tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên; tăng cường hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp để học sinh, sinh viên tự tạo được việc làm; thu thập thông tin tuyển dụng với hơn 8.000 vị trí việc làm để cung cấp và giới thiệu cho học sinh, sinh viên. Kết quả, hơn 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp năm học 2023-2024 có việc làm và có mức thu nhập ổn định.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ, xây dựng hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với các cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh, học sinh về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn hướng nghiệp; đổi mới nội dung giáo dục nghề nghiệp theo hướng giáo dục STEM; tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp đa dạng, linh hoạt và hiện đại, tận dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tăng hiệu quả.
Cùng với đó, việc kết nối giữa các trường học với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và làng nghề truyền thống sẽ được đẩy mạnh nhằm tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, giới thiệu ngành nghề, tuyển sinh, đào tạo và bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho học sinh học nghề.
Giải pháp căn cơ phát triển nguồn nhân lực địa phương
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025”, mục tiêu không chỉ tăng tỉ lệ học sinh học nghề, mà quan trọng hơn là bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo việc làm ổn định sau tốt nghiệp và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Vì vậy, tỉnh Kon Tum chú trọng cải thiện hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, gắn với thực tiễn; rà soát, cập nhật ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên làm công tác giáo dục nghề nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ; cung cấp thông tin đầy đủ về các cơ sở đào tạo nghề, chính sách ưu đãi, cơ hội khởi nghiệp, nhu cầu lao động… để học sinh và phụ huynh có cơ sở lựa chọn hướng đi phù hợp.
Đến cuối năm 2024, khoảng 80% số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Kon Tum xây dựng các nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. 100% số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông bố trí giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp.
Năm học 2023- 2024, tỉnh có 4.719 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó số học sinh vào học trình độ đại học chiếm khoảng 50%; 23,97% số học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng; số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề chiếm 35,03%, đạt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 16.
Một trong những giải pháp chiến lược là gắn giáo dục hướng nghiệp với cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Việc vận động học sinh dân tộc thiểu số đi học, hạn chế bỏ học, tăng cường phụ đạo, dạy học 2 buổi/ngày tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân luồng.
Đồng chí Thạch Xuân Hào, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai, một trong những huyện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phân luồng cho biết: Chúng tôi đã bắt đầu triển khai mô hình phối hợp giữa nhà trường, chính quyền xã và doanh nghiệp địa phương để tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 9. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều em đã có định hướng rõ ràng hơn và lựa chọn học nghề phù hợp với điều kiện thực tế.
Công tác đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm. Học sinh học nghề nhưng không có việc làm sau khi tốt nghiệp thì công tác phân luồng sẽ không bền vững. Do đó, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cam kết đầu ra cho học sinh.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các ngành nghề phù hợp tiềm năng địa phương như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, du lịch cộng đồng, lâm nghiệp bền vững…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh tại Kon Tum đang từng bước chuyển biến tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập.