Nâng cao nhận thức của người dân về đầu tư tài chính

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân lừa đảo tài chính qua internet đã sử dụng các thủ đoạn như: Mạo danh sàn chứng khoán, quỹ đầu tư có uy tín, gọi điện chào mời, dụ dỗ tham gia đầu tư tiền ảo, chứng khoán. Chúng giả danh sàn thương mại điện tử cần tuyển cộng tác viên bán hàng online mà không cần đầu tư vốn, không phải cọc tiền, hoa hồng và lợi nhuận sẽ tăng lên nếu lôi kéo được nhiều người khác tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Tội phạm lừa đảo tài chính qua mạng rất tinh vi, bài bản.
Tội phạm lừa đảo tài chính qua mạng rất tinh vi, bài bản.

Tinh vi hơn, tội phạm lừa đảo còn giả danh cơ quan công an, gọi điện đe dọa các bị hại đang liên đới đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ, chúng còn gửi cả lệnh bắt giữ của viện kiểm sát qua Zalo (đáng nói, trên lệnh bắt giữ có đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân của nạn nhân, khiến nhiều người tin là thật và vội vã làm theo yêu cầu).

Một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho biết, ông cũng là nạn nhân của thủ đoạn này khi đối tượng lừa đảo đã yêu cầu trong một giờ đồng hồ phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản để phục vụ điều tra, nếu không sẽ đến tận nơi làm việc để bắt giữ.

Thủ đoạn gần đây nhất hay được sử dụng là giả danh công ty điện lực, yêu cầu cập nhật hóa đơn tiền điện lên hệ thống, nếu không sẽ cắt điện sau một giờ đồng hồ. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo còn sử dụng công nghệ Deepfake để chỉnh sửa video, hình ảnh, làm giả giọng nói, nhằm mạo danh người thân của nạn nhân hoặc cơ quan chức năng để lừa đảo.

“Khi nhận cuộc gọi video qua Facebook của con gái bên Đức gọi về, nói chuyển ngay vào tài khoản 1 tỷ đồng để xử lý công việc gấp, cuộc gọi được 10 giây thì tắt luôn. Lúc này tôi chợt nhớ đến các cảnh báo lừa đảo gần đây trên báo chí, tôi đã gọi điện lại cho con gái thì được biết con gái đã bị lấy mất tài khoản Facebook cách đây một ngày”, bà Trần Hoài Thu, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.

Trước thực trạng này, cơ quan công an, cơ quan báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, thậm chí gửi tin nhắn đến điện thoại di động để nhắc nhở người dân cảnh giác, nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng.

Một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho biết, ông cũng là nạn nhân của thủ đoạn này khi đối tượng lừa đảo đã yêu cầu trong một giờ đồng hồ phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản để phục vụ điều tra, nếu không sẽ đến tận nơi làm việc để bắt giữ.

Luật sư Nguyễn Xuân Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, “nguyên nhân khiến nhiều người bị lừa đảo tài chính qua mạng là do thủ đoạn của tội phạm tinh vi, bài bản, đặc biệt “ứng phó rất nhanh” với các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan chức năng. Lỗ hổng trong công tác bảo mật thông tin cá nhân bị lộ, lọt. Tội phạm lừa đảo thường hoạt động theo tổ chức, xuyên quốc gia, giao dịch với nạn nhân qua internet nên rất khó khăn trong công tác phát hiện và truy vết.

Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng, đó là sự chủ quan, thiếu cảnh giác, tâm lý cả tin, ham lợi nhuận của người dân nên dễ dàng bị dụ dỗ bởi lãi suất cao, cũng như khoản hoa hồng mà các đối tượng hứa hẹn. Người dân cũng chưa có kiến thức cơ bản về tài chính, nên không quản lý được rủi ro, trong khi đó tại Việt Nam công tác giáo dục tài chính chưa được coi trọng và còn khá mới mẻ”, luật sư Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý cần coi việc nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính cho người dân là nhiệm vụ cần thiết. Đại úy Trình Quốc Hưng, Giảng viên Học viện An ninh nhân dân đề nghị, Nhà nước cần xây dựng chiến lược cấp quốc gia về giáo dục tài chính toàn dân một cách bài bản, có lộ trình tiến tới đưa kiến thức tài chính cơ bản vào các chương trình giảng dạy tại nhà trường, thậm chí trở thành môn học xuyên suốt từ cấp tiểu học đến đại học, giúp học sinh sớm hình thành hệ thống tư duy tài chính vững chắc và nhạy bén với rủi ro.

Đẩy mạnh chương trình giáo dục tài chính ở các cấp độ, quy mô khác nhau, với từng đối tượng cụ thể, từng khu vực, thí dụ như: Học sinh, sinh viên, người trưởng thành, cán bộ cơ quan nhà nước, công nhân lao động, người nghỉ hưu; vùng nông thôn, miền núi, thành thị... Có thể thông qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại di động, cổng thông tin điện tử, đặc biệt có hỗ trợ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao nhận biết, khả năng đánh giá, phân tích rủi ro hoặc lừa đảo tài chính.

Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, quỹ tín dụng, lực lượng chức năng tại địa phương để tổ chức các buổi tập huấn về quản lý rủi ro tài chính. Chú trọng tuyên truyền tại các khu dân cư, tổ dân phố để mọi người dân có thể nắm bắt được các thủ đoạn lừa đảo và nâng cao tinh thần cảnh giác.

Là chuyên gia kinh tế nhiều năm, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, “chúng ta đang thiếu những sân chơi an toàn. Cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu để người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ được tham gia trên những sân chơi chính thức, qua đó hạn chế tình trạng lừa đảo tài chính qua các nền tảng xã hội”.

Tuy vậy, thực hiện chiến lược giáo dục tài chính toàn dân cần có sự phối hợp của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng... Nguồn kinh phí thực hiện có thể một phần từ ngân sách nhà nước, các ngân hàng, bộ, ngành liên quan, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế, thậm chí là sự tham gia của các ngân hàng quốc tế (vì họ cũng có các sản phẩm tài chính dành cho người tiêu dùng).

Để bảo đảm tính ổn định khi thực hiện, chiến lược giáo dục tài chính toàn dân cần được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước, bởi vì ngoài câu chuyện bảo vệ người dân, ổn định xã hội, về lâu dài còn là hướng tới phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam trong tương lai, tiến tới thúc đẩy tài chính toàn diện, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về tài chính và cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, ông Hiếu nhấn mạnh