Barista là thuật ngữ có nguồn gốc từ Ý dùng để chỉ những người làm công việc pha chế cà-phê chủ yếu là Espresso, Cappuccino, Latte Art và các loại thức uống hiện đại không cồn khác. Một barista chuyên nghiệp có thể biến một nước uống bình dân trở nên đẳng cấp. Barista thuần tính sáng tạo và sự tập trung cao độ, họ được xem như nghệ sĩ và thức uống giống như tác phẩm nghệ thuật. Khi điều kiện kinh tế khá lên, nhu cầu sử dụng nông sản sạch, chất lượng cao như cà-phê đặc sản cũng tăng. Giới Barista đánh giá, người tiêu dùng đang quan tâm đến hưởng thụ và trải nghiệm thức uống hơn trước đây.
Tham dự Gia Lai Coffee Festival 2025, nhóm “Không giới hạn điểm chạm” đến từ Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh mang đến phần thi Barista Teamwork với thông điệp ý nghĩa. Anh Vũ Thành Công, trưởng nhóm chia sẻ, đội muốn chuyển tải nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên cũng như Việt Nam nói chung. Cụ thể, từ hình ảnh cây tre thân thuộc, biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt, các bạn trẻ chế tác ống tre thành vật dụng để đựng thức uống mà nhóm pha chế. Ngoài hình ảnh cây tre, nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, nhóm dùng lá cờ đỏ sao vàng để trang trí, như lời tri ân của tuổi trẻ với thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Nhóm còn đưa hai nguyên liệu truyền thống là sen và cốm lên sân chơi quy mô toàn quốc, kết hợp cùng nhau để tạo ra ly cà-phê với lớp nền bên dưới có tỷ lệ cân đối giữa vị ngọt, béo của sen và hương cốm bổ trợ cho vị cà-phê Robusta tại vùng trồng Gia Lai.
Cà-phê khi kết hợp hài hòa hương liệu sẽ dậy mùi tối đa, tạo ra ly nước uống thơm ngon, đẹp mắt và hấp dẫn. Đó là cách một nhóm Barista kể câu chuyện trong hành trình đưa thương hiệu cà-phê cao nguyên đi khắp ba miền tại Gia Lai Coffee Festival 2025. Đây là cơ hội dành cho những nghệ nhân pha chế đam mê, muốn thử thách bản thân và thể hiện sự am hiểu về các kỹ năng pha chế cà-phê.
Anh Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Mộc Gia Lai cho biết, nếu như tại Đắk Lắk và Lâm Đồng những sự kiện quy mô thế này được tổ chức đều đặn thì tại tỉnh Gia Lai, đây mới là lần thứ hai. Sự kiện có nhiều nội dung hữu ích với bà con nông dân, hầu như các mẫu cà-phê mang đến đây đều được trồng theo tiêu chuẩn cà-phê đặc sản, bảo đảm chất lượng xuất khẩu chứ không phải phương pháp đại trà. Vì vậy, sân chơi này giúp người trồng cà-phê “mở mang tầm mắt”.
Sự kiện Gia Lai Coffee Festival đã góp phần truyền cảm hứng cho những người trẻ đam mê và nhiệt huyết vì sự phát triển của cà-phê chất lượng cao Gia Lai. Sau lần đầu tổ chức thành công vào năm 2023, năm nay Gia Lai Coffee Festival có hoạt động đa dạng hơn và là nơi để người tiêu dùng tìm hiểu về hạt cà-phê với những câu chuyện chung quanh sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng nghìn du khách và cộng đồng thuộc hệ sinh thái ngành cà-phê tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: cupping tuyển chọn cà-phê chất lượng cao; trình diễn kỹ thuật rang và chiết xuất; cuộc thi Barista Teamwork; tọa đàm giao lưu-kết nối chuyên gia quốc tế; đêm nhạc Tây Nguyên…
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ BaristaBrewingCoffee, Trưởng ban Tổ chức sự kiện thông tin: Gia Lai Coffee Festival là sự kiện cộng đồng với các hoạt động theo hành trình “từ nông trại tới ly cà-phê”. Thông qua các sự kiện, vùng nguyên liệu cà-phê chất lượng cao Gia Lai ngày càng được biết đến nhiều, đồng thời kết nối các nông hộ hơn để hệ sinh thái cà-phê tại địa phương phát triển bền vững.