Nâng tầm vị thế kinh tế Việt Nam

Hiện thực hóa khát vọng tham gia thị trường tài chính toàn cầu của Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định, việc xây dựng một lúc hai trung tâm tài chính là quyết sách tạo “cú huých” mạnh mẽ đối với nền kinh tế đất nước. Đây sẽ là cơ hội thí điểm những đột phá về thể chế, thu hút, khai phóng các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2025, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2025, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những bước khởi động đầu tiên

Ngay những ngày đầu năm mới 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận số 47-TB/TW về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Và ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, với yêu cầu thành lập và vận hành hai Trung tâm Tài chính này ngay trong năm 2025.

Là nền kinh tế hội nhập, có độ mở lớn, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất, nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển.

Dẫn những thông tin quan trọng của Báo cáo “Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu 9 tháng năm 2024”, theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Việt Nam đang có 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Cụ thể, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới. Các đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực.

Chia sẻ câu chuyện thành công của Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai và Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi, TS Andreas Baumgartner EMBS, Viện Metis cho rằng, khi Việt Nam thành lập không chỉ một mà là hai trung tâm tài chính quốc tế thì điều quan trọng là tạo ra sự khác biệt của hai trung tâm này, phải có định vị rất rõ ràng cho mỗi trung tâm tài chính để không tạo ra sự nhầm lẫn giữa thế mạnh và đặc điểm đặc trưng. Trung tâm tài chính cần mang lại môi trường vật chất hấp dẫn, và là “tấm danh thiếp đầu tiên” để kêu gọi nhà đầu tư tới, và gửi đi một thông điệp rõ ràng về một môi trường kinh doanh hấp dẫn - “thỏi nam châm” thu hút, kết nối nhà đầu tư với các chuyên gia, kết nối trung tâm tài chính Việt Nam với các nơi khác.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ, việc xây dựng trung tâm tài chính đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Sự hấp dẫn của “điểm đến lý tưởng”

Thực tế, sự cởi mở và cầu thị chính là những yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất để Việt Nam có thể tiếp tục đón dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn còn được xác định từ những nền tảng thuận lợi khác của Việt Nam như: chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ khu vực đầu tư nước ngoài, hay những thuận lợi liên quan đến các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác, trình độ lao động, sự tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư của Chính phủ…

Việc các nhà đầu tư châu Âu bày tỏ tiếp tục tin tưởng vào điểm đến đầu tư Việt Nam là một thí dụ điển hình. Cụ thể, chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) của doanh nghiệp châu Âu do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hồi đầu tháng 1/2025, đã có bước ngoặt lớn khi tăng lên tới 61,8 điểm trong quý IV/2024, sau hai năm liền chỉ số này chỉ dao động quanh mức 50 điểm. Và có tới 75% số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết, họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng.

Đánh giá về kết quả này, EuroCham cho rằng, đã phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam, đồng thời minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu. “Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam đang tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển và đầu tư trong tương lai. Đây là dấu hiệu minh chứng cho việc các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhấn mạnh.

Mới đây, bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 55, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 55), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp lớn của Cộng hòa Czech và Ba Lan - những điểm đến đầu tiên trong hành trình công du châu Âu đầu năm 2025 của Thủ tướng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Praha (Cộng hòa Czech), ông Klaus Zellmer, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Skoda, nhà sản xuất ô-tô lớn nhất Cộng hòa Czech cho biết, Skoda và Tập đoàn Thành Công (Việt Nam) đang hợp tác sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xe ô-tô tại Việt Nam.

“Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô-tô của Skoda trong khu vực ASEAN và các thị trường khác. Việt Nam chính là “cửa ngõ quan trọng” để Skoda tiếp cận thị trường ASEAN”, ông Klaus Zellmer khẳng định.

Tương tự, nhiều tập đoàn khác cũng bày tỏ mối quan tâm đến điểm đến Việt Nam. Dưới góc nhìn nhà đầu tư quốc tế, ông Ali Ijaz Ahmad, Chủ tịch Tập đoàn Makara Capital cho rằng, so với Singapore, Việt Nam có lợi thế rất lớn về thị trường. Do đó, giống như những nhà đầu tư khác, Makara Capital đến Việt Nam là để tìm kiếm tiềm năng về thị trường. Nhưng Makara Capital không chỉ mang vốn đến đầu tư mà còn quan tâm đến việc đầu tư vào các doanh nghiệp ở Việt Nam, và đưa họ ra thị trường thế giới.

Khi có khát vọng, chúng ta sẽ có lời giải tốt

Thực tế, với việc hệ thống tài chính toàn cầu đang định hình lại, thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, hiện đại phục vụ các thị trường ngách, tạo sự khác biệt với những trung tâm tài chính truyền thống, qua đó tối đa hóa không gian và cơ hội phát triển. Xu hướng chuyển dịch các trung tâm tài chính truyền thống sang mô hình trung tâm tài chính mới này đang dần trở nên thịnh hành ở nhiều quốc gia, tạo cơ hội để các trung tâm tài chính mới nổi khẳng định vị thế trên thị trường trong giai đoạn 20 năm qua.

Với Việt Nam, để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, theo các chuyên gia, Việt Nam phải có nỗ lực, quyết tâm cao trong quá trình chuẩn bị các điều kiện nền tảng cho việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính với lộ trình phù hợp.

Dẫn nội dung Báo cáo xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index - GFCI) gần nhất, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, được đánh giá là trung tâm tài chính mới nổi, Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà tăng trưởng và có sự cải thiện nổi bật về thứ hạng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, GFCI cũng chỉ rõ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn thiếu tính kết nối, đa dạng và chuyên môn hóa của các trung tâm tài chính hàng đầu. Vì vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức.

Nhận diện rõ những thách thức chính phải đối mặt trong trung hạn bao gồm thách thức về địa chính trị, sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính mới nổi, và những quy định mang tính chiến lược ở ngay trong các khuôn khổ pháp lý. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, “Trung tâm tài chính cần gắn với điều kiện cụ thể, nền kinh tế Việt Nam cần lựa chọn hướng đi hấp dẫn cho mô hình này. Với hướng đi đúng sẽ đưa trung tâm tài chính Việt Nam trở thành một phần của kinh tế toàn cầu, hấp dẫn nhà đầu tư”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, khi có khát vọng, chúng ta sẽ có lời giải tốt. Trung tâm tài chính là vấn đề mới, có vai trò quan trọng như một “cú huých” cho nền kinh tế, thúc đẩy Việt Nam vươn mình cất cánh, Việt Nam phải lựa chọn hướng đi đúng, độc đáo để xây dựng trung tâm tài chính. Khó phải vượt qua, không đi thì không thể đến, hôm nay là những bước đi đầu tiên.