Chiếc gùi gắn bó mật thiết với đời sống là vậy nhưng ít ai biết rằng, để có một chiếc gùi bền, đẹp đòi hỏi người thợ đan ở Kgiang phải rèn giũa cho mình đức tính kiên trì, chịu khó và cả óc sáng tạo.
Người làng Kgiang thường nói Nghệ nhân Ưu tú Đinh Bi là người có đôi bàn tay vàng, bởi đôi bàn tay đó đã làm nên những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Ba Na. Nghệ nhân Đinh Bi sinh năm 1954, ông bắt đầu đan gùi từ năm 22 tuổi.
Lần đó, chàng trai Đinh Bi tình cờ qua thăm chú ruột đúng lúc người chú đang tỉ mẩn cài nan tạo họa tiết hoa văn trên chiếc gùi Ba Na. Lặng thầm quan sát và tình yêu bắt đầu nhen nhóm, từ đó Đinh Bi quyết định thử. Giai đoạn đầu mới học đan, mỗi chiếc gùi Đinh Bi thực hiện mất từ 2 đến 3 tháng.
Để có chiếc gùi ưng ý đầu tiên, trước đó ông đã làm hỏng đến bốn chiếc gùi. Từ một người thợ học việc, dần qua thời gian ông tự mày mò cải tiến, tay nghề ngày càng cao. Giờ đây, đôi bàn tay ông cứ chuốt đều đặn, trăm sợi nan như một, sợi nào cũng mỏng, bóng và chắc chắn, sản phẩm làm ra luôn có nét đẹp đặc trưng dễ nhận biết.
Ghi nhận, tôn vinh những cá nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2022, Nhà nước đã phong tặng nghệ nhân Đinh Bi danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội xã Kông Lơng Khơng cho biết, người nắm giữ được kỹ thuật đan gùi thường dùng hằng ngày trên địa bàn xã còn nhiều, nhưng đan có hoa văn thì chỉ còn hai nghệ nhân.
Tháng 4 vừa qua, tại Hội thi Nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cả hai nghệ nhân của làng là nghệ nhân Đinh Văn Rinh và Nghệ nhân Ưu tú Đinh Bi xuất sắc đoạt giải nhất và giải nhì.
Để tạo điểm nhấn, nghệ nhân làng Kgiang sử dụng cây đoác, một loài cây họ dừa mọc ở vùng núi cao Sơn Lang, cách làng khoảng 60 km. Cây đoác sau khi phơi nắng khoảng một tuần thì đem chuốt mỏng, lấy phần cật có màu nâu đậm.
Nghệ nhân dùng sợi đoác màu nâu đậm làm nan dọc phối với sợi giang màu trắng nhạt làm nan ngang, hình thành nên cấu trúc họa tiết Brưng (họa tiết có dạng hình thoi, thường trang trí trên thổ cẩm, nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na) hài hòa, nổi bật.
Tiến sĩ Vũ Huyền Trang, Chủ nhiệm đề tài Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm người Ba Na ở xã Kông Lơng Khơng cho biết, họa tiết Brưng theo tiếng bản địa có nghĩa là đôi mắt, trong đan lát, dệt thổ cẩm, nghệ nhân tài tình lồng vào các yếu tố đời sống trở thành hình tượng cách điệu đối xứng gồm tổ hợp: viền mang dáng dấp bậc thang nhà sàn, hình vuông, chữ nhật biểu thị ô cửa, điểm xuyết ở trung tâm là hình tượng đôi mắt (Brưng)…
Để có một chiếc gùi cân đối, mỗi nghệ nhân có một bí quyết. Nghệ nhân Đinh Văn Rinh chia sẻ, một chiếc gùi cân đối dựa trên tỷ lệ chiều cao và diện tích đáy gùi, thường chiều cao bằng 2 + 1/3 lần chiều dài của cạnh đáy là bảo đảm tiêu chuẩn về kích thước.
Bằng đôi tay tài hoa, óc sáng tạo, người nghệ nhân chân chất của buôn làng biến vật thể khô khan trở nên mềm mại và có hồn. Vẫn trên nền chất liệu, hoa văn truyền thống, mới đây, nghệ nhân Đinh Bi tiếp tục cho ra sản phẩm bình hoa độc lạ, đây là sản phẩm mang tính sáng tạo, có độ khó và tính thẩm mỹ cao.
Nghệ nhân Đinh Bi chia sẻ, khó nhất là công đoạn khóa nan, chiết eo tiếp nối từ thân đến miệng bình, kỹ thuật này đòi hỏi sự cẩn thận, chi li từng mắt khóa, công đoạn quan trọng này mất khoảng 3 ngày để làm xong...
Sáng sớm, nhịp sống ngày mới ở làng Kgiang trôi chậm chậm, ngõ xóm trẻ em ríu rít gọi nhau đến trường, máy cày, máy kéo rộn ràng trên đường làng, những người phụ nữ lưng đeo gùi hối hả rảo bước.
Ở một góc hiên nhà sàn, trên nương rẫy hay bên bếp lửa hồng, nghệ nhân làng Kgiang đang mải miết chuốt, vót từng sợi nan, đan dệt nên những nét đẹp cho đời. Tuổi xưa nay hiếm, mắt không còn tinh anh, đôi bàn tay không còn dẻo dai như trước nhưng nghệ nhân làng Kgiang vẫn vững tâm, bền bỉ dành trọn tình yêu với nghề đan, phần vì mưu sinh, phần vì trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nghề xưa của cha ông để lại.