TÔ THẮM SẮC MÀU VĂN HÓA
Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là trung tâm văn hóa của cộng đồng người Khmer. Tại Bình Phước, một trong những biểu tượng rõ nét nhất của văn hóa Khmer là các ngôi chùa, trong đó phải kể đến chùa Sóc Lớn ở huyện Lộc Ninh với lối kiến trúc mang đậm phong cách Khmer-mái cao nhiều tầng, đầu đao cong vút, hoa văn rồng rắn tỉ mỉ. Tại đây, trẻ em Khmer còn được học chữ viết và tiếng mẹ đẻ, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của người Khmer cũng mang màu sắc riêng biệt, tiêu biểu là lễ Chôl Chnăm Thmây (Tết cổ truyền), lễ Sen Dolta (lễ báo hiếu ông bà) và lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng).
Thông qua các lễ hội, người dân thể hiện các phong tục, tập quán, tín ngưỡng phong phú và là nơi để cộng đồng gắn kết, thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn tổ tiên. Ngoài ra, văn hóa Khmer còn được thể hiện qua trang phục truyền thống như sampot, hay các món ăn đặc trưng như bún num bò chóc, xôi ngũ sắc, và phong tục ứng xử giàu tính cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập, những nét văn hóa độc đáo ấy không chỉ tạo nên sự phong phú cho đời sống tinh thần ở Bình Phước, mà còn là nguồn tài sản quý báu cần được bảo tồn và phát huy
Ông Lâm Phết, đại diện Ban trị sự chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, chia sẻ: “Trong các lễ, hội thì Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer. Giữa tiếng trống lâm thôn rộn ràng, tiếng cười giòn tan vang khắp thôn sóc, các trò chơi dân gian như kéo co, giấu khăn, bịt mắt đập quà, bó ongkunh (ném trái tràm) hay chồ chhung (ném còn Khmer) được tái hiện đầy sinh động, gắn kết cộng đồng và gìn giữ nét đẹp văn hóa Khmer từ đời cha ông để lại”.
Không phân biệt tuổi tác, giới tính, mỗi người dân đều tham gia các trò chơi dân gian, như bó ongkunh, chồ chhung… Chị Thị Ánh, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết, ngày cuối cùng của Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, bà con ai nấy đều ra chùa, từ trẻ em đến người già cùng nhau múa hát, tham gia trò chơi dân gian. Ai nấy đều cầu chúc cho nhau luôn mạnh khỏe, giáo dục con cháu tiếp tục gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa quý báu của người Khmer.
Bên cạnh đó, lễ hội Phá bàu ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cũng được người dân lưu giữ nhiều đời nay. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người Khmer ở xã Lộc Khánh nói riêng và cộng đồng người Khmer Bình Phước nói chung. Lễ hội Phá bàu còn thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường sống, môi trường tự nhiên của con người với cách khai thác nguồn lợi lâu dài, bền vững, là nơi bảo tồn các công cụ đánh bắt truyền thống của người Khmer. Đây cũng là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, thể hiện sự giao lưu tình cảm sâu sắc không chỉ giữa các cư dân trong sóc mà cả với các cộng đồng cư dân ở các khu vực khác.
THẾ HỆ TRẺ GIỮ LỬA TRUYỀN THỐNG
Gắn bó với công tác đoàn hơn tám năm, anh Lâm Phi Hùng (cán bộ Huyện đoàn Lộc Ninh) đã có nhiều hoạt động lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình, như: tổ chức lớp múa truyền thống, tái hiện lễ hội dân gian, gìn giữ trang phục, nhạc cụ, ẩm thực Khmer… Mỗi chương trình, hoạt động đều chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và mang hơi thở cội nguồn. Lâm Phi Hùng chia sẻ: “Hoạt động công tác đoàn không chỉ là nơi rèn luyện tuổi trẻ mà còn là cầu nối để gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc. Được góp phần tổ chức những hoạt động tôn vinh nét đẹp truyền thống của người Khmer, Xtiêng và các dân tộc thiểu số khác là niềm tự hào lớn nhất trong quá trình công tác của mình. Tôi tâm niệm, làm công tác thanh niên thì trước hết phải làm sao để các bạn trẻ thấy được giá trị của chính mình, từ đó mới yêu, gắn bó và cùng gìn giữ cội nguồn văn hóa dân tộc”.
Thời gian qua, Lâm Phi Hùng đã phối hợp với Đoàn xã tổ chức: lớp truyền dạy múa dân gian, hội thi văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số… Điều đặc biệt nhất trong hành trình công tác đoàn của anh Hùng không phải là số lượng chương trình anh từng tổ chức, mà là văn hóa Khmer đã được “hồi sinh” trong trái tim đoàn viên Khmer địa phương, qua đó, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa các dân tộc, thắp lên tinh thần đoàn kết dân tộc. Em Lâm Thị Tiên, đoàn viên trẻ tại ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh chia sẻ: “Em cảm thấy rất tự hào khi được tham gia các hoạt động đoàn. Qua đó em đã học hỏi thêm nhiều điều về truyền thống của dân tộc mình...”.
Từ những điệu múa tưởng như mai một đến những khúc nhạc bị lãng quên đã được các bạn trẻ khôi phục và truyền cảm hứng trở lại. Văn hóa Khmer vì thế không chỉ được lưu giữ mà còn được thổi hồn sống động giữa đời thường, trong từng hoạt động đoàn cơ sở.