VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN XỨ HUẾ

Nét tài hoa xứ Huế

Sau bảy lần tổ chức theo định kỳ hai năm một lần, Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, thể hiện được nét tài hoa của các nghệ nhân đất cố đô. Qua đó, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển và từng bước định hình, khẳng định thương hiệu thành phố festival của Huế.

Biểu diễn nghề làm nón Huế tại Festival nghề truyền thống Huế.
Biểu diễn nghề làm nón Huế tại Festival nghề truyền thống Huế.

Tôn vinh tinh hoa nghề Việt

Huế nổi tiếng với nghề thêu có từ 300 năm trước, có lẽ một phần là do nhiều nghệ nhân thêu tài hoa từ mọi miền được đưa về kinh đô phục vụ cho nhu cầu của vua quan và hoàng tộc nhà Nguyễn... Cũng từ đó, hình thành nên các phường nghề, làng nghề thủ công truyền thống, một thành tố không thể thiếu cấu thành bản sắc của vùng đất cố đô Huế. Theo nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh, toàn bộ chỉ thêu ở Huế gọi là chỉ mộc được làm từ tơ tằm, sợi bóng, sợi dày. Ban đầu chỉ là thêu trang trí trên các vật dụng, quần áo... đến nay nghề thêu tay đã nâng tầm, tạo ra những tác phẩm tranh thêu nghệ thuật với đường nét sắc sảo, cổ kính, sâu lắng như con người và hồn đất cố đô. Sản phẩm tranh thêu ở Huế không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu trực tiếp đến rất nhiều nước trên thế giới...

Hiện tại, ngoài hai làng thêu truyền thống là Kim Long và Thuận Lộc, ở Huế còn hình thành rất nhiều trung tâm dạy nghề, cơ sở thêu xuất khẩu ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Những ngày này, để chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ ngày 26-4 đến 2-5, các nghệ nhân thêu vùng đất cố đô tất bật chuẩn bị nhiều mẫu mã mới để trình làng và quảng bá thương hiệu. Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh cho biết: “Cơ sở thêu chúng tôi đang đẩy mạnh việc thêu tranh để phục vụ du khách, đồng thời góp phần giới thiệu và quảng bá thương hiệu trong dịp festival lần này”. Chứa đựng bao tâm huyết, niềm say mê, các nghệ nhân đã và đang miệt mài thể hiện nét tài hoa của mình trên rất nhiều sản phẩm trình làng ở festival thêu như tranh phong cảnh, chân dung các danh nhân, các bức thư pháp, trướng liễn, kinh phật, hoàng bào, xiêm y… Làng nghề đan lát Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là làng nghề nổi tiếng của xứ Huế với hàng trăm lao động làm việc ổn định, sản phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường. Trước thềm lễ hội, không khí lao động rộn ràng, sôi nổi ở các cơ sở của làng nghề. Vừa nhẩn nha trau chuốt hoàn thiện các sản phẩm, hai nghệ nhân gạo cội của nghề đan lát là Thái Phi Hùng và Võ Chức cho biết, họ đã từng đem tinh hoa làng nghề đi giới thiệu tại nhiều triển lãm, hội chợ trong nước. Ở festival lần này, họ sẽ cùng bảy nghệ nhân lành nghề khác của làng tham dự với nhiều sản phẩm độc đáo trong một gian hàng triển lãm chung có chủ đề “Tre” với các nghệ sĩ tạo hình Nhật Bản và các nghệ nhân diều Huế.

Festival nghề truyền thống Huế 2019 được xem là nơi hội tụ các làng nghề tiêu biểu tại Huế và một số tỉnh, thành phố trong nước với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Đây là dịp để các nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề, tạo nên những sản phẩm độc đáo để giới thiệu đến công chúng và du khách gần xa. Theo Ban tổ chức, festival lần này hội tụ hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, và những người thợ “bàn tay vàng” đến từ 60 làng nghề nổi tiếng của các địa phương trên khắp đất nước. Theo Phó Trưởng ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 Phạm Thị Quỳnh Dao, bên cạnh sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, lần đầu ngành y học cổ truyền vốn là một nghề mang nhiều đặc trưng của đất cố đô cũng sẽ được giới thiệu thông qua hình thức triển lãm và tổ chức các phòng chẩn trị để các thầy thuốc đông y nổi tiếng khám, chữa bệnh. Một số doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở nghề cũng giới thiệu đến khách hàng những ứng dụng kỹ thuật chạm khắc gỗ nghệ thuật và sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống vào ngành sản xuất giày dép thời trang... Đáng chú ý, nghề may áo dài truyền thống lâu đời của Huế và một số tỉnh, thành phố hiện đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây cũng sẽ được giới thiệu, trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh. Tính tương tác với cộng đồng cũng là điểm nhấn thú vị, hứa hẹn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và du khách. Festival đang từng bước hướng đến tính quốc tế với sự tham gia của các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đến từ một số quốc gia trên thế giới thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà Huế với uy tín của mình đã thiết lập, trong đó có khoảng 17 đoàn khách quốc tế, 70 nghệ nhân của 11 thành phố, tổ chức quốc tế tham dự như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bra-xin, Thổ Nhĩ Kỳ…

Định hình thương hiệu thành phố festival

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, đã dần hình thành những điểm giới thiệu, quảng bá mới, tạo nên nhiều điểm đến du lịch nghề và làng nghề truyền thống, thu hút đông khách du lịch, do Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Tịnh Tâm Kim Cổ của doanh nghiệp Thuận Thành Duy Mong… Từ đó, các nghề và làng nghề truyền thống có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển như trang trí pháp lam, chế tác nhà rường, may áo dài truyền thống, thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, nón lá Mỹ Lam, gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, giấy Trúc Chỉ… Hiện tại, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ nam sông Hương là nơi lý tưởng cho sự hội tụ và tôn vinh các ngành, nghề thủ công truyền thống trong dịp này. Hàng nghìn sản phẩm, mặt hàng mỹ nghệ được trưng bày và phô diễn trong một không gian mở. Qua nhiều mùa festival, con đường đi bộ này đã khẳng định giá trị của mình cho các hoạt động cộng đồng. Công viên bên cầu Trường Tiền cũng là điểm đến hấp dẫn bởi những tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh ba miền. Trước khi đến không gian ẩm thực, du khách có thể ghé xem các triển lãm, trưng bày trên đường Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám... Gần đó, Công viên Thương Bạc vẫn là nơi lý tưởng để quảng diễn, tôn vinh nghệ thuật khắp mọi miền và cả ẩm thực chay của Việt Nam.

Theo Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, sau kỳ Festival năm 2017, thành phố tiếp tục nghiên cứu giải pháp mở rộng khán đài chính ở khu vực Bia Quốc học từ 2.500 chỗ lên 3.000 chỗ, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân và du khách, phục vụ các chương trình nghệ thuật, lễ hội của thành phố; đồng thời mở rộng mặt bằng khu vực quảng trường trước Trường Quốc học. Mặt khác, tăng cường đầu tư hệ thống âm thanh phục vụ cho các lễ hội ngoài trời và nâng cấp công suất nguồn điện chiếu sáng tại các công viên, khu vực diễn ra lễ hội; đây là sự đầu tư nhằm từng bước chủ động và tiến đến việc chuyên nghiệp hóa tổ chức festival chuyên đề của thành phố.

Nét tài hoa xứ Huế ảnh 1

Sản phẩm gốm Bát Tràng tại Festival.

Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành cho rằng, Festival nghề truyền thống Huế 2019 hướng đến tổ chức một lễ hội quy mô, có chất lượng, tầm cỡ quốc gia và mang yếu tố quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh cố đô Huế; phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước. Tính xã hội hóa, chuyên nghiệp của festival ngày càng được nâng cao, mang lại mục tiêu chung đó là quốc tế hóa sự kiện festival, nơi giao lưu hội tụ của các thành phố trong nước, khu vực, châu lục và thế giới, nhất là các thành phố di sản, thành phố lịch sử. Theo thống kê của UBND thành phố Huế, kỳ Festival nghề truyền thống Huế lần thứ bảy năm 2017 đã đón hơn 170 nghìn du khách, trong đó lượng khách lưu trú đạt khoảng 70 nghìn người (tăng 13% so với kỳ lễ hội trước đó). Địa phương kỳ vọng kỳ lễ hội lần này sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia, qua đó quảng bá hình ảnh thành phố văn hóa du lịch, thành phố festival đến cộng đồng.

Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức vào năm lẻ, từ năm 2005 cũng là festival nghề truyền thống duy nhất trên cả nước, là điểm hẹn của các làng nghề, nghệ nhân không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Thương hiệu Festival của Huế đã thu hút và quy tụ những nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa, tạo nên chất lượng và tính chuyên nghiệp của mỗi kỳ lễ hội, là tiền đề để quy mô các kỳ festival sau không ngừng được mở rộng. Dẫu vẫn còn một số bất cập, nhưng qua các kỳ festival đã dần khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Thừa Thiên - Huế khi quyết định xây dựng Huế trở thành thành phố festival tiêu biểu của Việt Nam. Huế diễn ra những ngày festival thường tất bật, nhộn nhịp du khách. Đường vào các điểm lễ hội luôn đông đúc người đến xem. Dẫu chưa có số liệu thống kê, lượng du khách đến Huế những ngày qua tăng khoảng 130 đến 150% so với bình thường. Từ góc độ kinh tế, vấn đề không còn mới sau mỗi kỳ festival là các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng có nắm bắt được cơ hội để cùng nhau chung tay phát triển du lịch, dịch vụ? Đó mới là mục tiêu và hiệu quả cuối cùng của thương hiệu thành phố festival.