Đây cũng là những vướng mắc, khó khăn mà nhiều địa phương trong cả nước gặp phải, trong đó nổi bật là loại gỗ nghiến ở các tỉnh phía bắc…
Quay vòng hồ sơ trúng thầu
Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được các nguồn tin từ người dân sinh sống tại các khu vực giáp ranh hai tỉnh Sơn La và Điện Biên phản ánh tình trạng khai thác, buôn bán và vận chuyển gỗ nghiến dạng thớt từ rừng tập kết lên các thuyền tại những khu vực hiểm trở trên sông Đà. Sau khi tập kết đủ với số lượng từ 1.500 đến 2.000 chiếc, các đối tượng sẽ dùng thuyền chở về nơi đã ấn định rồi tập kết lên ô-tô, tiếp tục vận chuyển về các kho được đặt hàng trước.
![]() |
718 chiếc thớt nghiến tròn có đường kính từ 30cm đến 45cm nhìn còn mới nguyên, nồng mùi đặc trưng của gỗ nghiến. |
Các đối tượng dùng thủ đoạn lợi dụng những bộ hồ sơ trúng thầu gỗ để hợp thức hóa hành vi vận chuyển, buôn bán các loại gỗ quý, khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán lâm sản trái phép gặp nhiều khó khăn…Do vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng phát hiện cũng chỉ phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển do không có bảng kê lâm sản theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Giả mạo hồ sơ vận chuyển lâm sản trái phép
Gần đây, chúng tôi tiếp tục nhận được tin báo của người dân về việc có một nhóm người khai thác và vận chuyển hơn 1.000 chiếc thớt nghiến tròn, đường kính từ 30 đến 45 cm. Toàn bộ số này được tập kết lên thuyền neo đậu ở khu vực xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và được chuyển bằng thuyền lên ô-tô và đi đâu không rõ.
Đến đầu tháng 4, người dân tiếp tục phản ánh có khoảng 700 thớt nghiến tròn, đường kính từ 30 đến 45cm được vận chuyển lên một chiếc thuyền thường xuyên neo đậu ở khu vực xã Chiềng Ơn, giáp ranh với huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên). Một người dân (xin giấu tên) sống tại xã Chiềng Ơn thông tin: Lực lượng công an, kiểm lâm phải phối hợp, bắt quả tang vận chuyển gỗ từ rừng về hoặc đang vận chuyển lên thuyền mới xử lý được, nếu chỉ kiểm tra tại thuyền thì rất khó, bởi họ luôn có mấy bộ hồ sơ phát mại gỗ từ mấy năm trước nhằm hợp thức hóa số lượng gỗ lậu,…
![]() |
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ thuyền và chủ gỗ đã trình 3 bộ hồ sơ phát mại gỗ từ năm 2016 và 2021. |
Khi chúng tôi đi cùng lực lượng Công an tỉnh Sơn La, Công an xã Chiềng Ơn, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai kiểm tra đã phát hiện có 718 chiếc thớt nghiến trên thuyền. Tuy nhiên, sau khi kiểm đếm, làm việc với lái thuyền và chủ số thớt nghiến, những người này đã đưa ra 3 bộ hồ sơ phát mại gỗ đứng tên những người khác nhau từ năm 2016 và 2021 với số lượng hơn 2.400 chiếc. Do vậy, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, do không có bảng kê lâm sản và phương tiện chở lâm sản không có đăng kiểm, giấy phép theo quy định…
Cần xử lý dứt điểm vi phạm
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai cho biết: Bằng mắt thường có thể thấy toàn bộ số thớt nghiến đều còn rất mới, nhưng họ có mấy bộ hồ sơ phát mại gỗ khớp từ số lượng gỗ cho đến kích cỡ, nên không thể xử lý về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép được. Trước mắt, đơn vị chỉ có thể phối hợp cùng các lực lượng tạm giữ phương tiện cùng số gỗ nêu trên trong thời gian 7 ngày để điều tra, xác minh. Gặp trường hợp này, dù không làm gì được, nhưng anh em vẫn phải bỏ tiền túi ra thuê thuyền, thuê người cùng kiểm đếm, kiểm tra kích cỡ của từng chiếc thớt nghiến xem có khớp với những bộ hồ sơ chủ gỗ đưa ra không…!?
Một người nhiều năm buôn bán thớt nghiến ở khu vực giáp ranh 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên (xin được giấu tên) chia sẻ: Để khớp hồ sơ trúng đấu giá gỗ tang vật vi phạm mà cơ quan chức năng phát mại trước đó, sau khi mua một lần, họ sẽ dùng hồ sơ đó hợp thức hóa cho việc tàng trữ, sử dụng, chế tác, vận chuyển gỗ cho những lần sau. Đây chính là “bùa hộ mệnh” cho các chuyến xe chở gỗ lậu về xuôi hoặc “hợp lý hóa” trong quá trình vận chuyển gỗ lậu được lấy từ rừng về. Chỉ có cách siết chặt quy định trong thời gian bao lâu, những bộ hồ sơ đó không còn giá trị thì cách thức hợp lý hóa như vậy mới xử lý dứt điểm được. Những người dùng bộ hồ sơ như vậy luôn chấp nhận lỗi xử phạt “không có bảng kê lâm sản”, cao nhất là 2 triệu đồng…?
Việc sử dụng hồ sơ lâm sản để quay vòng nhiều lần là vướng mắc không chỉ đối với tỉnh Sơn La mà còn là vướng mắc chung của các tỉnh có gỗ nghiến ở các tỉnh miền núi phía bắc. Chi cục Kiểm lâm tiếp tục kiến nghị tăng chế tài xử phạt hành vi chế biến, mua bán lâm sản không ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản để bảo đảm tính răn đe. Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi này rất thấp, chỉ 1-2 triệu đồng theo Điều 24, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La
Làm việc với Đội Cơ động Kiểm lâm tỉnh Sơn La và Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi được biết: Chủ của 718 chiếc thớt nghiến với 3 bộ hồ sơ từ năm 2016 và 2021 nêu trên cũng từng bị kiểm tra vào tháng 7/2024. Vẫn chiếc thuyền đó, chủ gỗ đó với 459 chiếc thớt nghiến, mắt thường cũng thấy đều là gỗ mới xẻ, nhưng chủ gỗ vẫn chỉ bị xử phạt “không có bảng kê lâm sản”, khi đó, chủ gỗ vẫn đưa ra đúng 3 bộ hồ sơ trúng đấu giá gỗ tang vật vi phạm năm 2016 và 2021.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Việc sử dụng hồ sơ lâm sản để quay vòng nhiều lần là vướng mắc không chỉ đối với tỉnh Sơn La mà còn là vướng mắc chung của các tỉnh có gỗ nghiến ở các tỉnh miền núi phía bắc. Chi cục Kiểm lâm tiếp tục kiến nghị tăng chế tài xử phạt hành vi chế biến, mua bán lâm sản không ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản để bảo đảm tính răn đe. Hiện nay, chế tài xử phạt hành vi này rất thấp, chỉ 1-2 triệu đồng theo Điều 24, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP.
Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai trong giai đoạn 2010-2020 cũng đã mất nhiều công sức theo dõi, đấu tranh với một đối tượng “có tiếng” trong việc buôn bán lâm sản. Nhiều lần kiểm tra xe ô-tô vận chuyển thớt nghiến của đối tượng này, nhưng đối tượng vẫn không bị xử lý bởi đã có những bộ hồ sơ lâm sản quay vòng làm “bùa hộ mệnh”. Chỉ đến năm 2020, khi lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên và Lào Cai điều tra, xác minh lại 5 bộ hồ sơ đối tượng này cung cấp tại nhiều tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Thái Bình, Lào Cai mới phát hiện đều không khớp, số gỗ vận chuyển còn tươi mới, không có cơ sở pháp lý với lô gỗ bị tạm giữ.
![]() |
Số thớt nghiến do phóng viên Báo Nhân Dân thâm nhập trực tiếp trong rừng chụp được vào cuối tháng 12/2023. |
Trước những vướng mắc nêu trên, lực lượng chức năng, kiểm lâm cần tập trung bám rừng để bảo vệ rừng tận gốc, thường xuyên tổ chức tuần tra, rà soát, xác định các khu rừng trọng điểm hay xảy ra khai thác gỗ nghiến, các khu vực trọng điểm vận chuyển, kinh doanh, cất giữ lâm sản trái phép trên địa bàn; phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng chuyên án đấu tranh xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra “điểm nóng” về mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhất là gỗ nghiến dạng thớt, gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh, chế biến, tàng trữ lâm sản mở sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản; ghi đầy đủ nội dung vào sổ ngay sau khi nhập, xuất lâm sản; kiểm tra thường xuyên việc ghi chép theo quy định. Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến, kinh doanh để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Đồng thời, đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm, thành lập không đúng quy định của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật.