Ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, nhiều ngân hàng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị tiên phong hiện thực hóa nghị quyết bằng loạt giải pháp ưu đãi, hướng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, khẳng định: “Nếu thể chế là trận địa, thì doanh nghiệp là lực lượng tác chiến; ACB sẽ là nơi cung cấp nguồn lực và giải pháp tài chính để họ bứt phá”. ACB triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng: 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Gói hỗ trợ này đi kèm lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường từ 2% trở lên, cho vay không cần tài sản thế chấp, tài trợ tín dụng theo chuỗi cung ứng, thấu chi tín chấp và tín dụng dài hạn để gia tăng năng lực cạnh tranh.
ACB còn tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thị trường và hướng tới tăng trưởng xanh. Trong hoạt động chuyển đổi số, ACB cung cấp miễn phí loạt giải pháp thanh toán hiện đại như QR thanh toán, Smart POS, Open API, giúp doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh dễ dàng quản lý dòng tiền, tối ưu vận hành.
Ở trụ cột phát triển thị trường, ACB đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hơn 8 triệu khách hàng thông qua các sự kiện kết nối và quảng bá miễn phí trên nền tảng ngân hàng số; đồng thời, ngân hàng còn đẩy mạnh tư vấn, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp triển khai chiến lược ESG, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Với vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết: Hiện tổng dư nợ của Agribank đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 60% tập trung vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân - nhóm khách hàng chủ yếu là các hộ kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, trong gần 500.000 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân, có tới 90% thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao trong năm 2025, Agribank được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13% (tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng). Trong số vốn này, Agribank xác định chủ yếu sẽ cho vay với khách hàng là khối kinh tế tư nhân.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, trong đó đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024.
Đây được đánh giá là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang nỗ lực đồng hành cùng chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025.
Song song với đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, Nam A Bank tiếp tục dành nguồn lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông-lâm-thủy sản và nhà ở xã hội. Cụ thể, Nam A Bank đang triển khai chương trình cho vay theo chuỗi giá trị ngành thủy sản với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,25%/năm.
Đây là sản phẩm thuộc gói tín dụng 60.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động. Hiện ngân hàng này đã nâng quy mô gói tín dụng từ 6.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn từ 1-2% so với mức thông thường.
Theo chuyên gia và đại diện ngân hàng, để các gói tín dụng đi vào thực tiễn và đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp tư nhân, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về tín dụng cho khu vực này.
Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát nhấn mạnh: Việc định hướng “ưu tiên một phần tín dụng thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” là bước tiến tích cực, nhưng vẫn cần chính sách cụ thể và khung pháp lý rõ ràng; trong đó, việc hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ rủi ro với ngân hàng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tiềm năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, nhất là sổ sách kế toán; củng cố năng lực quản trị.