Ngang một bến sông

Nước dâng lên rờn rợn. Gió xốn xang như nỗi niềm của con sông gác mặt mình trong năm tháng. Lão Mậu đưa thuyền vào sát bờ, tắt máy. 
Minh họa: Thu Hà
Minh họa: Thu Hà

Cẩn thận buộc dây neo xong, lão không quên ngoái lại lần nữa, điều ấy đã thành thói quen. Bỗng trên dốc có tiếng gọi: “Ông ơi, ông làm ơn đưa cháu sang bên kia với ạ!”. Ai còn sang sông vào giờ này? Lão nhìn theo tiếng người, cô gái tiến lại gần hơn. Sau khi để cô gái bước lên, lão cũng tháo dây, bước lên mũi thuyền. Con thuyền gắn động cơ nhỏ nổ vang trong bóng tối. Mùi nước hoa bỗng trở nên rờn rợn. Thuyền rẽ đêm, rẽ gió… Đôi bên bờ, chỉ cách một quãng sông thôi, mà bên phía lão, sông có gì đó cứ tù mù. Còn bên kia, đường đi vài ngả, rồi sẽ dẫn đi trăm ngả thênh thang. Sông như một thực thể, một dải lụa của tạo hóa, mà đời lão…

Gió hiu hiu nhẹ. Không gian bình yên đột nhiên bị khuấy đảo bởi một gã đầu cạo trọc hếu, phi xe máy đến. Gã nhìn quanh một hồi rồi lao đến chỗ lão Mậu đang ngồi đợi, hất hàm hỏi:

- Tối qua, lão đưa con vợ tôi sang bên kia đúng không?

- Tôi không biết ai là vợ anh. Ai muốn, tôi đều đưa sang cả.

Bất ngờ, tên đầu trọc vung tay, giáng mạnh một đòn vào mặt lão Mậu. Lão ngã vật. Tên đầu trọc còn tung lời chửi bới, làm ồn ào cả khúc sông. Những người trong xóm và hành khách thấy thế chạy đến đẩy tên côn đồ, không để hắn đến gần lão Mậu. Hắn vùng vằng mấy câu rồi bỏ đi. Lão Mậu lau qua vệt máu chảy ở mũi, rồi nổ máy. Một bên mắt lão đang tấy lên. Mấy người hỏi, lão có cần đến trạm y tế xã? Lão lắc đầu. Chuyện thường mà. Anh Viên, người trong xóm, thương lão, hỏi: “Có cần báo lên công an không, bác?”. Lão thì thào như gió: “Người ta đánh mình thì người ta bị tội thôi…”.

Đau, nhưng lão vẫn sang sông. Ba người trên thuyền im lặng. Lúc lên bờ, một người biếu lão mấy bắp ngô luộc. Lão vui vẻ nhận, nói lời cảm ơn. Khách đi rồi, lão ngẫm đời mình vẫn còn vui chán. Vẫn kiếm được miếng ăn, có người quý mến.

Trước đây, việc chính của lão Mậu là bán nước chè ở gốc gạo cổ thụ, ngay con dốc dẫn xuống bến nước. Hơn năm trước, lão Hiền, người chuyên lái thuyền về với tổ tiên. Lão Mậu giao việc bán nước cho bà May, thế chỗ lão Hiền. Bà May hay chuyện, là một trong những người lớn tuổi nhất xóm Bính, nói năng hoạt bát, hay kể chuyện tếu làm bến sông lúc nào cũng có vẻ sôi động. Cách bến nước chừng chục cây số, có cây cầu hiện đại bắc ngang sông, vì ngại xa nên nhiều người vẫn thích sang bờ bên kia qua cái bến nhỏ nhoi này.

Dù ở trên bờ hay dưới sông, lão Mậu rất hay được lộc. Chẳng là lão hay nhặt được đồ khách đi đường, sang đò đánh rơi hoặc để quên. Có khi là chiếc ví, bên trong có cọc tiền, khi là sợi dây chuyền vài chỉ vàng, lúc khác là bọc thịt, mấy mớ rau… Nhặt được đồ nhưng lão không tham. Mỗi lần như thế, lão đều chờ đợi chủ của món đồ quay lại, hoặc hỏi thăm rồi nhờ anh Viên mang đi trả. Anh Viên là tài xế xe tải chở cát, mê nước chè, thích nghe lão Mậu kể chuyện vui.

Có điều lạ, cư dân sống và qua lại khu vực đông, nhưng chẳng ai hay nhặt được đồ giống như lão Mậu. Có lần đi chợ, lão đá phải bọc tiền. Khi sang thị trấn có việc, lão nhìn thấy một vật tròn tròn, sáng sáng, nhấc lên kiểm tra, lão nhận ra là chiếc nhẫn vàng. Thật lạ.

Nhờ tính thật thà nên lão được rất nhiều người quý mến. Người ta hậu tạ lão khi thì cân thịt, lúc con gà. Cũng có khi cả số tiền lớn. Lão toàn từ chối. Nhưng có người hào phóng vẫn đòi lão phải nhận bằng được.

★★★

Một ngày mưa rả rích, khi lão chuẩn bị xuống bến, có một người phụ nữ lạ đến tìm. Nhìn ánh mắt chị ta, lão cảm nhận có điều chẳng lành. Quả nhiên, chị ta nói về thằng Mốc. Ngày đó, nghe tiếng trẻ con oe oe dưới gốc gạo, lão chạy ra, thấy thằng bé đỏ hỏn trong một cái làn cũ. Đợi mãi, không ai đến nhận, lão báo chính quyền. Người ta vận động lão nuôi thằng bé.

Thì nhận, đằng nào lão cũng cô độc. Cuộc đời lão gắn với thằng

bé từ đó. Lão đặt tên con là Vững, còn tên ở nhà là Mốc.

- Tôi và cư dân xóm Bính đã vất vả bao ngày để nuôi nó, chị không có quyền...

Người phụ nữ nước mắt đầm đìa, quỳ thụp xuống trước mặt lão Mậu. Chị xin:

- Cháu không đáng được nhận con, và cũng không dám xin mang thằng bé đi. Cháu chỉ dám xin bác thi thoảng cho được về gặp con. Cháu ở cách đây không xa.

Suy nghĩ một hồi, lão gật. Thế thì được. Cách đây chục năm, ngày lão nhặt được Mốc, không ít lời đồn đại trút lên đầu lão, rằng lão tằng tịu với mấy cô quá lứa nhỡ thì, nên người ta mang trả con. Chẳng ít người thêm mắm thêm muối, vẽ ra câu chuyện vừa mờ, vừa tỏ về những cuộc mây mưa của lão bên mép nước. Lại có người kể, nhìn thấy lão và mấy ả sồn sồn trên con thuyền lúc lão Hiền đã về nghỉ. Cứ thế, câu chuyện của lão Mậu được đẩy lên để làm quà, làm trò cười góp vui cho thiên hạ. Ai nói gì, lão cũng mặc. Lão chỉ cần biết, giờ đây, mình có một thằng con và những người dân nghèo xóm Bính ủng hộ, cùng nuôi nấng. Thằng Mốc đã lên mười, thông minh, đáo để. Lúc người phụ nữ xin số điện thoại của lão, rồi đi, thằng Mốc chạy ra ôm chầm lấy lão: “Bố ơi, con không cần mẹ nào khác, con chỉ cần bố thôi”. Lão ôm thật chặt, hôn lên trán con: “Được rồi, bố yêu Mốc mà…”.

★★★

Kẻ đầu trọc đánh lão Mậu là tên nát rượu ở xã bên. Hắn ghen vì nghi vợ hắn quan hệ bất chính với lão. Chuyện trai trên gái dưới của lão, người ta vẫn đồn thổi đấy thôi. Cách đây vài năm, chính tên đầu trọc đã giấu mặt, tìm cách đuổi lão, hòng cho đàn em chiếm quán nước, chờ nhặt lộc rơi vãi. Lão Mậu đã phải nghỉ một tuần vì bọn chúng vu vạ, đánh đập. Chiếm được quán nước, bọn chúng trơ mặt chẳng nhặt được bất cứ thứ gì, nên càng cay cú. Mấy tên bậu xậu nản, rút đi. Nhưng chúng cắt cử nhau thi thoảng lảng vảng đến thăm dò, mấy tên lại mắt tròn mắt dẹt khi nghe lão kể lại nhặt được đồ người ta đánh rơi. Chúng báo tên trọc, hắn mím chặt môi tự hỏi: “Thế là quái nào nhỉ?”.

Lão Mậu không biết dã tâm của tên đầu trọc, càng chẳng biết hắn từng sai đàn em quậy phá cuộc sống của lão, giờ còn vu vạ, đánh đập. Khổ đau, vất vả quen rồi, lão chịu được. Lão chỉ mong mình và con có sức khỏe. Lão sẽ cố làm lụng, dành tiền, sau này cho thằng Mốc ra thành phố học đại học đàng hoàng.

Sau lần mẹ thằng Mốc về tìm, lòng lão chờn chợn hằn lên nỗi lo lắng khó tả. Lão tự nhủ, mình đã chịu bao nhiêu điều tiếng để nuôi nấng con, giờ người ta định về giật nó khỏi tay ư? Không đời nào. Một đêm, lúc bố con lão sắp sửa đi ngủ, bọn nghiện cắt khóa, xộc vào, gí dao, bắt lão đưa tiền. Sau đêm ấy, lão ốm, đầu óc lởn vởn nghĩ đến tương lai thằng Mốc. Đời lão nhọc nhằn, chẳng biết giờ nào tổ tiên gọi, còn thằng Mốc phải có người chăm nom. Nó không thể sống như lão, hoặc lang thang đầu đường xó chợ. Nghĩ rồi, lão gọi mẹ thằng Mốc đến, bảo đi làm xét nghiệm, nếu đúng, sẽ giao con. Kết quả ủng hộ người đàn bà đó. Ừ thôi, lão cũng mừng lòng. Hôm mẹ nó mang hoa quả đến, thằng Mốc cứ lừng chừng không nhận, lão phải giục. Rồi từ đó, mẹ thằng Mốc chăm đến với nó hơn. Người ta lại được thể đồn đoán, rằng lão đã chấp nhận mẹ đẻ thằng Mốc, không chừng hai người về sống như gia đình. Câu chuyện của lão được người ta tô vẽ thêm. Người dân xóm Bính cũng tưởng thật, nên đi hỏi lão. Lão xua đi. Làm gì có chuyện đó. Lão là thương binh, già nua, bao năm chỉ sống nương nhờ khúc sông và tình người, chứ đâu dám mơ cao xa…

★★★

Tên trọc đầu bắt được vợ về, đánh đập tàn nhẫn. Nghe đâu hắn bị vỡ nợ, tiền bạc đội nón ra đi nên sinh hận người, hận đời. Tối đó, vợ hắn lại ra bến đò, định nhờ lão Mậu chở sang sông để trốn. Nhớ lại thảm cảnh hôm trước, lão chần chừ: “Giờ này quá muộn rồi, cô hãy về đi…”. Người phụ nữ nài nỉ: “Bác ơi, bác cứu cháu, không thì tên vũ phu đó đánh cháu chết mất”.

Lúc cô ta vừa bước xuống đò, tên đầu trọc cùng đồng bọn của hắn lao ra. Lão lại bị chúng đánh đập. Lão đổ bệnh, mẹ thằng Mốc đến nấu nướng cho bố con lão. Lúc này người ta đều tin rằng, lão đã chấp nhận người đàn bà lạ mặt. Lão chẳng muốn thanh minh, mặc người ta nói gì thì nói. Lão cũng chẳng đủ sức để xuống thuyền. Con thuyền nằm đó, buồn thiu trong cái heo may mênh mang.

Bệnh lão trở nặng hơn nên phải đến bệnh viện điều trị dài ngày. Mẹ thằng Mốc nhờ người khác đưa đón đi học, còn mình vào bệnh viện chăm lão Mậu. Người xóm Bính cũng cắt cử nhau vào thăm lão. Hôm anh Viên vào, được nhờ rửa người cho lão Mậu. Lão Mậu là thương binh thì anh biết, nhưng không biết vết thương ngày đó nặng thế. Hai bên đùi lồi lõm, thâm quầng, làm hai đùi lão cứ cong cong và biến dạng. Toàn thân anh Viên bỗng lạnh toát. Anh thấy phần giữa hai đùi lão đã thành tật, phẳng lì, chỉ có một lỗ nhỏ thoát nước tiểu. Càng nghĩ anh Viên càng ứa nước mắt. Vậy mà có lần, chính anh từng nghĩ lão có thể làm chuyện bậy bạ...

Về xóm, anh nói với ông trưởng thôn những gì mình thấy, lão Mậu là người đàng hoàng, không như đồn đoán… Hôm ấy, trưởng thôn mua hoa quả, dẫn thêm vài người trong xóm đến bệnh viện. Mắt lão Mậu long lanh vì cảm động. Ông trưởng thôn tặng quà rồi nói lời xin lỗi. Ông trưởng thôn bảo: “Bến đò xóm Bính sẽ buồn lắm nếu thiếu lão. Mong lão mau khỏe”. Lão Mậu mỉm cười. Người đàn bà chăm sóc lão cũng cười. Chị biết, người ta đã minh oan cho lão, và cả chị. Chị tin, lão Mậu sẽ về lại bến sông. Chắc chắn thế!