Cảnh vật quen mà sao như lạ lẫm, tươi mới với chị. Mẹ vẫn cười bảo chị ngoài bốn mươi tuổi rồi mà cứ như trẻ con. Nhìn đâu cũng thấy đẹp, thấy những điều mà ít người thấy được. Vậy mới khổ! Chị chỉ cười. Không biết đời chị có khổ không mà lần nào về với mẹ, nằm cạnh bà trên chiếc giường tre cũ kỹ trong căn buồng nhay nháy ánh sáng của cái đèn ngủ hình cây nấm bé như nắm tay, bà cũng thở dài, bảo: “Xem có ai thương thì chọn lấy một người mà làm bạn. Cái Thảo cũng lớn rồi. Nó cũng sẽ đi làm dâu nhà người ta. Nó lo đời nó. Còn mình trơ ra đấy! Đời người xuân qua nhanh lắm con ạ”. Sau tiếng thở dài, bà lại ngồi vấn lại nhúm tóc mầu cước. Chị khe khẽ đưa chiếc lược gỗ lên mái tóc mẹ rồi im lặng, mỉm cười.
Đời người, xuân qua nhanh lắm. Nhất là với những người đàn bà. Tuổi xuân chẳng biết đếm bằng mấy ngón tay gầy. Lấy chồng thì cố gắng làm chồng vui, quan tâm, nhớ tới mọi sở thích, số đo, kích cỡ giày dép của chồng. Có con lại dành tất cả những gì tốt đẹp cho con. Lấy niềm vui của con là niềm vui của mình. Cứ thế… Thời gian trôi qua như đám mây bay qua cửa sổ lúc nào chả hay. Tới khi giông bão mới biết mình đã chẳng nhìn trời, trông đất, mà chỉ nhìn mắt, tin lòng người để sống.
Ai cũng bảo chị có một gia đình hạnh phúc, chồng thành đạt, con chăm ngoan. Chị thì xinh đẹp, nghề nghiệp ổn định, có thời gian chăm lo cho con cái, chẳng phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền. Chẳng lấy làm tự hào vì mình nhưng chị cũng đã thầm mỉm cười, cảm ơn số phận đã cho chị có một cuộc sống nhẹ nhàng để có thể được làm một người đàn bà đúng chất đàn bà nhất.
Rồi cho tới cái ngày chị bắt chuyến xe cuối cùng, ôm đứa con gái mới ba tuổi và một túi quần áo của hai mẹ con về quê khi biết chồng chị đã có quan hệ như vợ chồng với người đàn bà khác hơn một năm nay mà chị không hay. Cánh cửa mùa xuân tươi đẹp như đóng sầm lại trước mặt chị, cô gái mới ngoài hai mươi. Chị gục đầu vào vai mẹ nức nở, không nói được lời nào. Đúng hơn là chị không dám kể với mẹ. Chị sợ chạm vào nỗi đau của mẹ. Nỗi đau đã liền sẹo mấy mươi năm. Kể từ khi bố chị về ở với người đàn bà trên thị xã, bỏ vợ và ba đứa con gái mắt lúc nào cũng như hòn bi ve ngơ ngác trong cái xóm núi nghèo heo hút. Kể từ ấy, chị không thấy mẹ khóc bao giờ. Bà lao vào làm như một người đàn ông lực điền, gồng gánh nuôi con. Chị sợ mẹ sẽ ngã quỵ vì thêm một lần chạm lại nỗi đau. Nhưng rồi, mẹ chỉ nhìn ra sân, chậm rãi: “Một năm có bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông. Và năm sau chẳng phải rồi lại xuân đó sao con”.
★
Chạm nhẹ vào cánh hoa đào mỏng tang, mầu phớt hồng đang khẽ lay trong gió xuân, chị nhớ tới lời người đàn ông ấy hát, trong tiếng guitare bập bùng của mùa đông năm ngoái “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng. Ru đời đi nhé, cho ta nương nhờ lúc thở than…” (Ru đời đi nhé - Trịnh Công Sơn). Chị nhớ đôi mắt đen sâu hút như đắm vào màn đêm phía trước mà qua ánh lửa nhỏ chị đã như thấy được một nỗi niềm chất chứa. Chị thấy câu hát ấy như dành cho mình. Kể từ khi trốn chạy khỏi cuộc hôn nhân có vỏ bọc mầu hồng mà bao năm chị là nàng công chúa ngây thơ, mơ mộng, chị đã chẳng còn tin vào tình yêu, tin vào hạnh phúc. Chị đi qua suốt những năm tháng chỉ với ba mùa hạ, thu, đông. Chị bỏ qua mùa xuân, như cố tình quên đi tuổi trẻ. Chị che chắn khuôn mặt mình sau lớp khẩu trang, kính râm, áo chống nắng để lao vào bụi đường, tới nơi làm việc rồi đêm về ru mình vào giấc ngủ trong tiếng mưa tí tách trên hiên nhà. Chị lặng lẽ theo bước chân con tới trường, vui với niềm vui trong nụ cười con mỗi sớm mùa thu rồi lại im lặng trước màn hình máy tính cho tới tận khuya với công việc. Mùa đông, chị cuộn tròn mình trong tấm chăn bông, quờ tay bên nào cũng trống. Chẳng bao giờ chị nhận ra một cơn gió trong lành, một tia nắng mới rọi qua cửa kính, phản chiếu những sắc mầu rực rỡ làm sao! Chị thở dài khi nhìn rãnh cười sâu nơi cánh mũi kéo vòng xuống khoé miệng, cả những nếp nhăn nơi khóe mắt.
Câu hát và ánh mắt của anh ám ảnh chị trong đêm. Chị không dám tin rằng rồi đến một ngày người đàn ông với mớ tóc loăn quăn rối bù, áo quần đơn giản, đôi môi khô nứt, đôi bàn tay thô kệch nhường kia lại có thể làm chị nhớ đến vậy. Con gái đã bước vào năm thứ hai đại học ở tận trong miền gió ấm. Căn nhà vốn đã đơn sơ nay lại càng đơn sơ hơn với những bữa ăn qua quýt. Nhớ tới lời mẹ hát trước kia “Vì chàng thiếp phải bưng mâm. Còn như mình thiếp bốc thầm cũng xong”, chị ứa nước mắt. Đã không ít lần chị vừa ăn mì tôm vừa nói chuyện với con qua điện thoại. Bảo với con, mẹ đang ăn bún chả đấy, thèm không? Con bé cười tít mít. Rồi hai mẹ con cùng cười. Con tắt máy, xin phép mẹ học bài. Chưa kịp dặn con nhớ giữ gìn sức khỏe thì cổ họng đã nghẹn ứ, sợ nói ra con biết mẹ buồn, đâm lo. Thế là lại chỉ nhắn tin. Căn nhà chẳng rộn tiếng người được lâu.
★
Nhớ mẹ, chị vội bắt xe về quê. Trời bắt đầu sang xuân, nắng ấm dần, bầy chim ríu ran gọi nhau về đậu dài trên hàng dây điện. Xe dừng ở con dốc. Đi trên con đường rải toàn đá dăm, hai bên xao xác hoa và cỏ dại. Bất chợt, chị nghe ai gọi tên mình, lẫn trong gió, trong khói đồng nghèn nghẹn:
- Lâm! Lâm phải không?
Chị đứng lại, nhìn ra. Là anh. Người đàn ông “du mục” bên những con bò vàng giữa cánh đồng thông thốc gió. Người đàn ông một thời là bạn học chung trường với chị. Người đàn ông cứ âm thầm như hòn sỏi bên lề cuộc đời chị. Mãi khi chị đi lấy chồng mới nói rằng yêu chị nhiều lắm. Anh vẫn qua nhà mẹ chị sửa lại cái cổng nhà, cửa chuồng gà khi hỏng. Lần nào chị về anh cũng qua chơi, lóng nga lóng ngóng tìm việc gì đó để làm như tránh ánh mắt của người con gái mình yêu thương nay đã là người đàn bà một con.
Chị mỉm cười, cố nói to cho anh nghe rõ:
- Lát sang nhà ăn cơm, nhé!
Vừa nói, chị vừa giơ túi thức ăn lên. Đàn bà một mình như chị còn chẳng thiết nấu nướng, nữa là đàn ông như anh.
Năm nay con gái xin phép mẹ được đón Tết ở nhà bạn thân. Nó bảo muốn xem Tết trong nam có khác gì ngoài bắc không. Vậy nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, chị về quê đón Tết với mẹ. Bữa cơm tất niên theo phong tục được mẹ chị cẩn thận chọn món từ mấy hôm trước. Chị chỉ mang về cân giò, bánh trái đặc sản Hà Nội bày lên bàn thờ và làm quà cho họ hàng, bạn bè thân.
Chiều ấy, sau khi bày cơm ra mâm, bê lên cho mẹ thắp hương chị lại cứ hết ra sân rồi lại ra ngõ, lòng bồn chồn, mong ngóng. Đến nỗi đứa cháu gái cũng tủm tỉm: Trông dì cứ như cô gái dậy thì chờ người yêu í. Hai má chị nóng bừng.
Chị ngập ngừng khi nghe tiếng bước chân anh ngoài cổng nhà. Rồi tiếng cười, giọng nói anh khiến chị ngỡ mình như cô gái bắt đầu ra mắt bạn trai với gia đình trong ngày xuân đang tới.
Mẹ cười đón anh vào nhà như người thân. Đến con chó cún nhỏ thấy anh cũng ve vẩy đuôi, ư ử mừng. Anh từ lâu đã như người thân trong mái nhà này, chỉ là chị đã không sớm nhận ra.
Ăn cơm xong, anh xin phép mời chị sang nhà chơi. Mẹ ý nhị khoác thêm cho con gái chiếc khăn lụa mầu hồng. Chị bước sau anh lòng chộn rộn. Không biết sẽ phải nói với mẹ anh câu gì cho phải. Không biết có nên nấu cho mẹ con anh bữa cơm tối nay cho căn bếp có lại hơi ấm đàn bà... Bao suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu dù chị vẫn chưa chính thức nhận lời cầu hôn của anh.
Căn nhà gỗ nhỏ có mái ngói mầu nâu đơn sơ mà gọn ghẽ. Nhưng nó giống với căn hộ nhỏ trên thành phố của chị, gió chẳng len vào mà thấy lạnh. Mẹ anh năm nay đã ngoài tám mươi, đôi mắt bà đã mù từ ngày anh còn đi học. Vậy là chỉ còn mình anh, ngẩn ngơ trong sắc xuân đang tới. Anh ngượng ngùng khoe với chị cây đào phai năm nay hoa nở rộ hơn mọi năm. Chị cười, chắc năm nay nhà anh nhiều lộc đấy. Anh nhìn chị, đôi mắt đen sâu thăm thẳm ghé sát cánh hoa đào, khe khẽ: “Anh chỉ mong xuân ấm, em ạ”. Chị thấy bàn tay mình đã nằm trong đôi bàn tay anh tự bao giờ. Một nhánh đào run rẩy trong gió xuân, rớt xuống mái tóc chị.
★
Chị đi mua mấy chậu hoa về đặt trên thềm nhà. Treo mấy bức tranh mùa xuân chị vẽ lên tường. Chị chăm chút từng góc nhỏ trong ngôi nhà gỗ nhỏ. Anh tất bật mang về mầu sơn chị thích, vội vã quét lên tường. Sắc vàng mơ đã thay cho mầu trắng lạnh lẽo bao lâu nay. Căn nhà như khoác lên tấm áo mới. Mẹ anh lần từng bước đi ra bể rửa mặt bằng nước lá mùi già. Rồi bà lận đận sơ từng nhát chổi xuống thảm lá khô đầy ngoài ngõ.
Có tiếng chim về, gọi nhau ríu ran trong vòm lá. Chim về từng đôi, làm tổ trên những cành cây cao trong vườn. Lũ chim biết trở về vào đúng mùa xuân để làm tổ, chỉ có con người đôi lúc lại chẳng biết tìm về tổ ấm. Lòng chị rưng rưng, chị đã bỏ qua mấy mùa xuân rồi mà không nhận ra. Ai cũng có quyền tìm cho mình hạnh phúc, sao cứ để những mùa xuân đi qua…
Ngước nhìn những nụ đào từ từ bật cánh mỏng tang, phơn phớt hồng, khe khẽ hát theo tiếng guitare của anh bên thềm nhà. Bài hát xuân nồng ấm, du dương. Lòng chị cũng ngập sắc xuân.