Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định về việc công bố các hành trình tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Trong đó, công bố 8 hành trình tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long; 10 hành trình tham quan trên vịnh Bái Tử Long và 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Mỗi hành trình đều mang đến những trải nghiệm khác biệt, từ thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ đến tìm hiểu đời sống văn hóa của ngư dân địa phương.
Du khách không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng tại các địa danh nổi tiếng như: đảo Quan Lạn, bãi tắm Minh Châu... mà còn được tìm hiểu, khám phá những điểm đến mới hấp dẫn, như: Đảo Phất Cờ (nơi có động Phất Cờ - hang động lớn nhất nhì của vịnh Bái Tử Long), du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak, thăm trang trại nổi nuôi trồng rong sụn trên mặt biển hoặc thư giãn tại bãi tắm hoang sơ, xinh đẹp trên đảo.
Đặc biệt, khu nuôi trồng trai ngọc tại khu vực hòn Đá Đen sẽ là điểm dừng chân thú vị để du khách tìm hiểu về quá trình nuôi trồng ngọc trai. Ngọc trai nơi đây không chỉ đẹp về mầu sắc, lớn về kích thước mà còn được đánh giá là loại ngọc trai thượng hạng, có chất lượng đứng đầu thế giới.
Du khách có thể ngồi trên tàu để ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm Hòn Quạ, Cống Lão Vọng, Hòn Đũa... Vịnh Bái Tử Long đang hội tụ đầy đủ các cơ hội để phát triển du lịch như: vị trí thuận lợi, kết nối giao thông cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không, đồng thời là cửa ngõ để kết nối với Cô Tô, các tuyến đảo Đá Dựng (Đầm Hà), Cái Chiên (Hải Hà), Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Trà Cổ (Móng Cái)… Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở lưu trú với các tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Phát triển du lịch Vịnh Bái Tử Long là cơ hội để Quảng Ninh giới thiệu điểm đến mới, đồng thời làm phong phú thêm hành trình tham quan du lịch của du khách khi đến với Quảng Ninh.
Đây cũng là cơ hội quảng bá các giá trị đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long và mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch mới cho vùng biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô”. Hiện nay, các đơn vị du lịch đang khai thác hiệu quả một số điểm trên vịnh Bái Tử Long.
Khảo sát, đánh giá của đơn vị chức năng cho thấy, giá trị cảnh quan của vịnh Bái Tử Long rất phù hợp với phát triển du lịch quanh năm với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, câu cá giải trí, các loại hình du lịch sinh thái...
Vịnh Bái Tử Long khác biệt với vịnh Hạ Long bởi có hệ thống các đảo đất có người dân sinh sống, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân; một số đảo có bãi biển đẹp, phát triển nhiều rạn san hô, có khả năng xây dựng những khu bảo tồn thiên nhiên, công viên sinh thái phục vụ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt Vườn Quốc gia Bái Tử Long nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long với tổng diện tích 15.783 ha, trong đó có 6.125 ha là diện tích phần đảo nổi và 9.658 ha là diện tích mặt nước biển. Năm 2017, Vườn Quốc gia đã được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN và là một trong những điểm sáng trong công tác bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Việc đưa tuyến hành trình tham quan, du lịch trên vịnh Bái Tử Long sẽ giúp phát huy tối đa các giá trị tài nguyên du lịch, tạo động lực để ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo theo đúng chiến lược phát triển du lịch bền vững, gắn khai thác với bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Với mục tiêu mở rộng không gian du lịch, đưa vịnh Bái Tử Long trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn du khách, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện, tạo nền móng cho du lịch vịnh Bái Tử Long phát triển bền vững.
Theo đó, tỉnh sẽ đưa ra các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn các tuyến đường thủy nội địa khu vực vịnh Bái Tử Long; bổ sung các quy hoạch để phát triển hệ thống cảng bến, điểm neo đậu khu vực vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, bổ sung các loại hình phương tiện phục vụ du lịch phù hợp với việc kết nối vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Dự kiến, năm 2025 sẽ hoàn thành các điểm neo đậu nghỉ đêm để phát triển sản phẩm tàu nghỉ đêm trên vịnh Bái Tử Long”. Khai thác và phát huy giá trị của vịnh Bái Tử Long được coi là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình đạt mục tiêu đón 20 triệu khách du lịch trong năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
Chiến lược này gắn liền với sự gia tăng các sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách của ngành Du lịch. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh ■