Ngành kinh tế xanh, thân thiện, bền vững

Hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân người Ba Na tham gia trình diễn, bảo tồn nghề truyền thống.
Nghệ nhân người Ba Na tham gia trình diễn, bảo tồn nghề truyền thống.

Gia Lai từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.

Xác định hoạt động phục dựng lễ hội là yếu tố quan trọng để định hình các sản phẩm du lịch, là đòn bẩy để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đã tập trung triển khai hoạt động phục dựng, làm hồi sinh hàng chục lễ hội đặc sắc trước nguy cơ mai một, biến mất trong đời sống cộng đồng.

Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phục dựng hàng chục lễ hội của người Ba Na, Gia Rai. Những lễ hội đã được nhà hát phục dựng như: cúng bến nước, cúng giọt nước, cúng cầu mưa, mừng lúa mới,...

Một số địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực cho hoạt động phục dựng, khuyến khích cộng đồng bảo tồn di sản. Điển hình như huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ đặc trưng của dân tộc Ba Na, Gia Rai sinh sống trên địa bàn.

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Nguyễn Ngọc Long cho biết, hầu hết các nghi lễ sau phục dựng đều được dân làng duy trì hằng năm và bước đầu phát huy hiệu quả về mặt văn hóa tinh thần cũng như thu hút khách du lịch.

Bên cạnh lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng, phục dựng các nghi lễ văn hóa truyền thống còn là dịp để nhân dân, du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị bản sắc từ nghìn đời của cha ông để lại.

Trong nhiều năm nay, các cấp ban, ngành tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các đoàn nghệ nhân bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống. Tại huyện Ia Grai, nhiều lễ hội được huyện duy trì tổ chức thường niên như: Hội đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng bên dòng Pô Cô. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ nhân đến từ các xã trình diễn cồng chiêng trong Lễ mừng lúa mới, bỏ mả...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai Đỗ Văn Đông cho biết, Lễ cúng nhà rông mới là một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào Gia Rai được huyện giữ gìn và phát huy. Cùng với các lễ hội khác, huyện Ia Grai mong muốn, thông qua các nghi lễ truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân làng.

Đồng thời, từ việc giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa sẽ tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhằm khuyến khích các địa phương khôi phục lễ hội, phát triển văn hóa, hằng năm tỉnh Gia Lai đều tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc” trên địa bàn.

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai nhiều năm nay đã trở thành ngày hội sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em cùng chung sống, là ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, quy tụ các nghệ nhân, các nhà quản lý văn hóa cùng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, của vùng đất bản làng mình.

Ngoài ra, từ năm 2023, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đã tổ chức chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển”. Chương trình được tổ chức vào sáng chủ nhật hằng tuần nhằm mục đích lan tỏa không gian văn hóa các dân tộc từ làng về phố.

Theo đó, mỗi tuần, Ban tổ chức sẽ mời một đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc mình, tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết: “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” là mô hình đưa không gian làng về phố nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Gia Lai, đồng thời tạo nên không gian để người dân và du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh thì hoạt động lễ hội được xem là linh hồn của sự trải nghiệm. Đi liền với hoạt động phục dựng, cơ quan quản lý, địa phương cần giúp người dân hiểu được giá trị, ý nghĩa, tiềm năng to lớn của việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống.