Ngày của hòa bình

Giữa trưa 30/4/1975, ngồi trong khu biệt giam B8 thuộc Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, Đoàn trưởng Đoàn Học sinh Sài Gòn Lê Hoàng nghe nhiều tiếng la lớn phát ra từ các phòng giam. Chờ thêm vài phút không nghe tiếng súng mà tiếng hò reo vẫn còn, ông bèn mở hé ô cửa ra thì thấy thấp thoáng chiếc mũ tai bèo và ba-lô con cóc của quân giải phóng. Ông nói vọng ra: “Bộ đội phải không?”. Bên ngoài có tiếng đáp: “Đúng rồi! Các đồng chí ơi, chúng ta giải phóng Dinh Độc Lập rồi”.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in ngày 30/4 lịch sử.
Nguyên Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in ngày 30/4 lịch sử.

Như chim sổ lồng

Nghe bộ đội báo tin vui, ông Hoàng ngồi bệt xuống. Trong giây phút biết Sài Gòn giải phóng, biết mình sắp được trả tự do, trái tim người thanh niên vừa tròn 20 tuổi như vỡ òa. Không tìm ra chìa khóa tại khu biệt giam, ông Hoàng đứng nép vào một góc đợi bộ đội dùng súng phá cửa. Lần đầu tiên trong đời, âm thanh chát chúa ấy lại khiến người ta hạnh phúc. “Có lẽ tôi là người cuối cùng được đưa ra khỏi Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn vào trưa 30/4/1975. Cảm giác lúc đó như con chim sổ lồng, chẳng từ nào tả hết niềm vui khi ấy”, ông Lê Hoàng nhớ lại kỷ niệm của 50 năm trước.

Năm 1974, trong khi đang tích cực kết nối các lực lượng học sinh, sinh viên tham gia hàng loạt chương trình đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn, ông Hoàng bị bắt. Suốt một tuần sau đó, các đòn tra tấn dã man của những tên thẩm vấn viên liên tục giáng xuống thân thể chàng sinh viên Văn khoa Sài Gòn hòng khai thác thông tin về tổ chức. Làm đủ cách vẫn chẳng moi móc được gì, chúng chuyển ông sang giam giữ tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, nơi khét tiếng bởi những đòn nhục hình. Đưa bàn tay còn in hằn những vết sẹo do bị tra tấn, cựu tù Lê Hoàng chậm rãi kể: “Đến nơi giam giữ mới cũng là lúc chân tôi bị bại. Chúng cho tôi vào bệnh xá bồi dưỡng, điều trị cho khỏe lại để tiếp tục khai thác. Tiếp đó lại là những màn tra tấn không ngừng nghỉ. Chúng muốn tôi khai ra những tin tức về đồng đội mình. Tôi là người của cách mạng, với lý tưởng của chàng trai trẻ dấn thân yêu nước và thương mến đồng đội, những người cùng chí hướng, tôi vượt qua nỗi đau của đòn roi để bảo vệ họ”.

Cùng gia đình sum họp và ăn bữa cơm ấm cúng trong ngày giải phóng, tối đó, ông Hoàng trở về trụ sở Thành đoàn trình diện tổ chức. Sáng hôm sau, ông tiếp tục nhận các nhiệm vụ mới do tổ chức phân công. Từ ngày đầu hòa bình, ông được bố trí làm ở Ban Tuyên huấn Thành đoàn, rồi về làm Thường trực Ban điều hành Câu lạc bộ Thanh niên. Từ năm 1975 đến lúc về hưu, ông phụ trách nhiều vị trí quan trọng, gắn liền với giới trẻ, thanh niên và hoạt động xuất bản, báo chí. Trước khi nghỉ hưu, ông đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ông cùng các cộng sự đã đề xuất ý tưởng thành lập Đường sách TP Hồ Chí Minh, một điểm hẹn văn hóa quen thuộc của người dân và du khách suốt nhiều năm qua.

Ngày của hòa bình ảnh 1

Các chiến sĩ giải phóng kể chuyện chiến đấu cho sinh viên, thanh niên Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Chiến thắng cuối cùng

Từ cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Thành đoàn nhận được chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa trong nội thành, tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động nhằm phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực trọng yếu. Tháng 3/1975, Bí thư Thành đoàn Phạm Chánh Trực được Thành ủy điều động về làm Bí thư Ban Cán sự Quận 11, cùng anh em tại cơ sở chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, làm địa bàn cho mũi tiến công của Bộ Chỉ huy Tiền phương vào trung tâm thành phố.

Sau khi nắm rõ tình hình cơ sở, ông Trực phân công anh em, bố trí lực lượng, chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm các địa điểm quan trọng. Từ cuối tháng 4, tin chiến thắng khắp nơi đổ về, Sài Gòn mong ngóng quân giải phóng. Vào thời điểm gần đến ngày 30/4, ông Trực cùng anh em trong đơn vị đã có mặt tại huyện Bình Chánh, chuẩn bị tiến quân vào nội thành. Lúc này, các cánh quân đã tập trung về ven đô rất đông. Sáng 30/4/1975, sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu “án binh bất động” qua sóng phát thanh, nhóm ông Trực khoảng 20 người có trang bị vũ trang tiến thẳng về Ty Cảnh sát rồi tràn sang dinh Quận 11. Ông nhắc anh em phải bố trí ngay lực lượng phòng trường hợp phản kích rồi tiến hành lục soát khu vực chung quanh.

Ngày của hòa bình ảnh 2

Với Giám đốc Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng, ngày 30/4 là thời khắc quan trọng của hòa bình, tự do.

Người dân bắt đầu ào tới, tràn hết vào dinh quận, ông Trực lập tức bàn với các đồng chí trong Ban Cán sự quận chia nhau đi giành chính quyền ở các phường. Tới chiều 30/4, cả Quận 11 đều được chiếm lĩnh. “Ngay lập tức, chúng tôi mở kho gạo phân phối cho dân coi như đỡ cái đói trước mắt cho bà con nhưng còn rất nhiều việc phải làm”, nguyên Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh kể lại.