Trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Những năm trở lại đây, các trường học tại TP Đà Nẵng chú trọng đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào trường học. Qua đó, giúp học sinh sớm tiếp cận, hình thành niềm yêu thích, góp phần bảo tồn, gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa xưa cũ.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh xem các nghệ sĩ Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn tuồng.
Học sinh xem các nghệ sĩ Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn tuồng.

Đưa tuồng cổ vào trường

Buổi sinh hoạt dưới cờ tuần vừa qua thật đáng nhớ với học sinh Trường tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ) bởi lần đầu tiên các em được thưởng thức nghệ thuật tuồng. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhằm đưa sân khấu tuồng vào học đường trong năm học 2024-2025.

Lấy sân trường làm sân khấu, khán giả là học sinh và giáo viên, trong sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, kịch nghệ và vũ đạo, các nghệ sĩ trình diễn trích đoạn tuồng “Trần Quốc Toản về mẹ”. Học sinh không khỏi trầm trồ trước những bộ trang phục lộng lẫy, lời hát luyến láy trầm bổng, động tác múa uyển chuyển, mượt mà. Sau phần trình diễn, các em được giao lưu, tìm hiểu một số hình tượng nhân vật trong nghệ thuật tuồng như lão văn, lão võ, tướng, nịnh thần, nhân vật đào, kép... Em Trần Hải Đường (học sinh lớp 5) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được xem biểu diễn hát tuồng. Em rất ấn tượng với những bộ trang phục, cách trang điểm và động tác của các nhân vật. Nhờ buổi biểu diễn này em có thêm sự hiểu biết về nghệ thuật tuồng truyền thống của miền trung nói riêng, của dân tộc nói chung”.

Mới đây, sinh viên Trường đại học FPT cũng được thưởng thức nghệ thuật tuồng ngay tại khuôn viên trường trong chương trình "Mang tuồng về nhà F". Tại đây, sinh viên được giới thiệu về nghệ thuật hóa trang và trang phục tuồng để hiểu rõ hơn về sự tinh tế, đặc sắc trong từng đường nét hóa trang và ý nghĩa của mỗi bộ phục trang trên sân khấu. Bên cạnh đó, sinh viên được xem trích đoạn tuồng “Trưng Vương đề cờ”. “Chương trình chính là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Qua đó giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và yêu quý các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể này”, em Nguyễn Thị Thanh Thư (sinh viên năm 3, Trường đại học FPT) bày tỏ.

Gìn giữ văn hóa Cơ Tu

Tại huyện Hòa Vang, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, cộng đồng người Cơ Tu đang nỗ lực gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình cho thế hệ trẻ. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang phối hợp với các trường học, nhất là các trường có học sinh Cơ Tu học tập tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dạy đánh trống, chiêng; dạy điệu múa tung tung da dá; khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường và khi tham gia các lễ hội.

Vừa qua, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang đã khai giảng lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh Cơ Tu tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Trong thời gian 2 tháng, gần 30 học sinh Cơ Tu lớp 4 và lớp 5 tại điểm trường thôn Phú Túc được các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng đánh trống, chiêng và điệu múa truyền thống tung tung da dá. Sau khi học thành thạo, các em sẽ tham gia biểu diễn trong những dịp lễ, hội tại địa phương.

Tại Trường mầm non Hòa Phú, nhiều hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống Cơ Tu cũng được giáo viên đưa vào chương trình dạy học. Trong trang phục truyền thống của người Cơ Tu, các em được hòa mình vào không gian đậm bản sắc văn hóa, sờ tận tay, nhìn tận mắt các họa tiết, hoa văn trên cột, mái nhà Gươl, tham gia các trò chơi truyền thống, qua đó mang lại niềm vui, sự yêu thích, gieo mầm tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc, việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh Cơ Tu là một trong những bước quan trọng nhằm khơi nguồn ý thức, niềm tự hào, tạo cho học sinh niềm hứng khởi về văn hóa truyền thống. Đồng thời giúp các em biết trân trọng, yêu quý, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.