Đất nước gọi tên mình
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong căn gác nhỏ trên phố Hào Nam (Hà Nội), các cựu chiến binh từng một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường miền nam lại tụ họp bên nhau. Mái tóc đã bạc mầu sương gió nhưng ký ức về đạn bom, đồng đội và những ước mơ tuổi trẻ vẫn vẹn nguyên.
Ngày ấy, cũng như bao thanh niên thế hệ mình, vừa tròn 18 tuổi, ông Vũ Trung Tú đã gác lại giấc mơ giảng đường, tình nguyện khoác ba-lô ra trận. Dấn thân vào binh chủng đặc công - lực lượng được mệnh danh là "đặc biệt tinh nhuệ" trong các trận đánh then chốt, ông nhanh chóng trưởng thành trong khói lửa. Từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trận đánh cầu Cửa Việt, giữ Thành cổ Quảng Trị đến mũi tiến công ở Quảng Nam - Đà Nẵng, dấu chân ông in trên nhiều mặt trận ác liệt. “Trận đánh ở Đại Lộc ngày 14/1/1975, trung đội tôi hy sinh 5 người, nhưng tiêu diệt được 268 quân địch. Đặc công chỉ vài người nhưng có thể làm nên chiến công mà nếu điều bộ binh phải trả giá bằng hàng trăm sinh mạng”, ông Tú kể.
Từ Hà Nội đến khắp các miền quê, lớp lớp thanh niên thời ấy lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong dòng người ra trận năm xưa, có ông Lại Cao Bình, chàng trai tuổi 17 hai lần viết đơn bằng máu xin được góp mặt nơi tuyến lửa. “Đảng không chỉ lãnh đạo bằng nghị quyết, mà bằng cả một cuộc cách mạng trong lòng dân. Thế hệ chúng tôi coi việc ra trận, chiến đấu cho độc lập, tự do là lẽ sống”, ông Lại Cao Bình, cựu chiến binh C1, Đoàn 200 - đơn vị đặc công bảo vệ Cục Tham mưu miền Đông Nam Bộ, xúc động nhớ lại.
Những đêm hành quân bí mật, ngụy trang vượt hàng rào thép gai, luồn sâu vào căn cứ địch đã trở thành chuyện thường ngày với người lính đặc công. Trong suốt những năm tháng đó, ông Bình đã có mặt trong nhiều trận đánh lớn, khốc liệt như trận đánh căn cứ Tống Lê Chân - nơi quân địch lập phòng tuyến then chốt, án ngữ tuyến đường tiếp vận chiến lược. Năm 1974, trong trận đánh ác liệt tại Cầu Khởi (Tây Ninh), ông bị mảnh đạn xuyên vào phổi. May mắn được cứu chữa nhưng nằm điều trị chưa kịp bình phục hẳn, ông đã xung phong trở lại chiến trường.
Khi giấc mơ thành sứ mệnh
Tháng 1/1975, trong trận đánh sân bay Téc-Ních (Bình Long), ông Bình được kết nạp Đảng. Và rồi, lịch sử gọi tên những người lính vào tháng 4 năm ấy. Trong đội hình tiến quân thần tốc, ông có mặt trong mũi tấn công tiến vào nội đô Sài Gòn. “Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi đã vào tới Quận 8. Không ai nghĩ hòa bình lại đến nhanh như vậy. Toàn đơn vị òa lên sung sướng", ông Bình kể.
Tháng 9/1975, khi vừa tròn 21 tuổi, ông Bình trở về miền bắc trên đôi nạng gỗ. Hai tay còn run vì sốt rét nhưng ông quyết tâm ôn thi đại học. Thi đỗ vào Trường đại học Thủy lợi, rồi Trường cao đẳng Kiểm sát Hà Nội, suốt 9 năm ông vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu với di chứng chiến tranh. Sau này, ông Lại Cao Bình trở thành Phó Vụ trưởng Công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đến khi nghỉ hưu, ông tiếp tục hành nghề luật sư, vẫn giữ trọn vẹn lời thề của người lính sống là để cống hiến. “Có những đồng đội ngã xuống ngay trong ngày chiến thắng. Tôi trở về, mang theo nỗi day dứt không nguôi bởi sống và cống hiến còn thay phần đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường”, ông Bình xúc động chia sẻ.
Còn với ông Vũ Trung Tú, hòa bình là cơ hội được trở về nối tiếp giấc mơ giảng đường dang dở. Sau ngày giải phóng, ông ra Hà Nội, theo học tại Trường đại học Giao thông vận tải rồi ra trường, góp phần vào công cuộc hồi sinh đất nước sau chiến tranh.
“Bộ đội đặc công trước khi đi làm nhiệm vụ là đã xác định không có ngày trở về. Nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt”, ông Tú nghẹn ngào. Những vết thương ấy, những mất mát ấy, chưa bao giờ thôi nhức nhối trong ký ức người ở lại. Bởi hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu xương, bằng những giấc mơ dang dở và khát vọng cháy bỏng của cả một thế hệ.