Nghề nuôi cá lồng mang lại thu nhập ổn định

Tỉnh Tuyên Quang có lợi thế hơn 12.600 ha mặt nước, thuận lợi nuôi trồng thủy sản. Riêng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 11.789 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản đạt 1.875 tấn. Những năm qua, nghề nuôi cá lồng đặc sản trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các hộ nuôi cá lồng đặc sản đã mạnh dạn chuyển đổi từ lồng kích thước nhỏ sang lồng nuôi kích thước lớn.
Các hộ nuôi cá lồng đặc sản đã mạnh dạn chuyển đổi từ lồng kích thước nhỏ sang lồng nuôi kích thước lớn.

ĐIỂM SÁNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN

Huyện Na Hang là điểm sáng phát triển thủy sản của tỉnh, với gần 4.600 ha mặt nước nuôi thả các loại thủy sản; tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt hơn 500 tấn/năm. Hiện nghề nuôi cá đặc sản là một trong những ngành phát triển nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 1.288 lồng cá của 96 hộ gia đình, ba doanh nghiệp, hai hợp tác xã làm nghề cá. Tại các xã Sơn Phú, Yên Hoa, Đà Vị, thị trấn Na Hang, người dân tận dụng nguồn nước ở hồ thủy điện Tuyên Quang để phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá tầm, cá chiên, cá dầm xanh, anh vũ… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từng làm nhiều nghề khác nhau và có quãng thời gian lênh đênh trên sông nước với nghề đánh cá, thả rọ tôm, nhưng thu nhập bấp bênh; hơn bảy năm nay, nhờ phát triển nghề nuôi cá lồng mà gia đình Đỗ Thế Anh ở tổ dân phố 6, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang đã có của ăn, của để và nuôi các con ăn học đầy đủ. Anh Đỗ Thế Anh cho biết: Mới đầu khi chọn nghề nuôi cá rất khó khăn, một mặt do chưa có vốn, ngoài ra chưa am hiểu kỹ thuật chăn nuôi cho nên chuyện cá bị bệnh chết là không thể tránh khỏi.

Với tinh thần quyết tâm học hỏi, anh tìm đến những hộ nuôi cá đi trước và tìm người quen đang nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình để học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, anh còn đăng ký học lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản do các đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện Na Hang tổ chức. Được tập huấn kỹ thuật, những lồng nuôi cá đúng cách đã được nhân rộng. Hiện gia đình anh có 60 lồng cá nuôi cá lăng và cá trắm, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 40 tấn cá. Với giá bán cá lăng, trắm hiện nay dao động từ 80 nghìn đồng đến hơn 100 nghìn đồng/kg, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Đầu tư nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên, Phạm Anh Toàn cho rằng, để phát triển chăn nuôi cá đặc sản, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch, bệnh thì diện tích nuôi rộng, nguồn nước sạch là yếu tố quyết định để nuôi cá, đặc biệt đối với các loại cá đặc sản được coi là khó tính nhất như cá bỗng, lăng chấm, chiên... Gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản, năm nào cá của công ty nuôi cũng sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi con cá chiên, lăng chấm sau ba năm nuôi đạt trọng lượng từ 2,5-3 kg, với giá từ 480- 600 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu bền vững cho công ty.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH KHUYẾN NGƯ HIỆU QUẢ

Khi đến du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách sẽ được tham quan những lồng nuôi cá đặc sản; nghiên cứu tập tính sinh trưởng và phát triển của từng loài thủy sản như cá lăng, chiên, bỗng, tầm… Được tự tay câu cá, chế biến và thưởng thức ngay tại lồng nuôi, du khách cảm thấy rất thú vị. Nhờ có nguồn nước sạch và được nuôi theo quy trình VietGAP cho nên cá có mầu sắc sáng, mình dày, thịt rất thơm ngon, vì vậy khách hàng tìm đến mua tại lồng nuôi.

Anh Đặng Ngọc Trưởng, khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi và gia đình đã có dịp đến khu du lịch sinh thái Na Hang. Giờ quay trở lại, tôi thấy có rất nhiều dịch vụ hấp dẫn, đặc biệt các nhà hàng ở đây tạo cho du khách được trải nghiệm, tự mình câu cá, tự tay chế biến”...

Những năm gần đây, các hộ nuôi cá lồng đặc sản đã mạnh dạn chuyển đổi từ lồng kích thước nhỏ sang lồng nuôi kích thước lớn hơn hoặc bằng 108 m3 và nâng cao mức đầu tư về con giống, thức ăn cũng như trang thiết bị và trình độ kỹ thuật ngày càng được quan tâm. Ngoài ra, có sự chuyển dịch mạnh từ nuôi cá truyền thống sang nuôi các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, một số mô hình khuyến ngư hiệu quả được nhân rộng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết: Những năm qua, công tác kiểm soát, phòng chống dịch, bệnh cho cá đã được người dân quan tâm, các mô hình thực hành nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP được các tổ chức, cá nhân duy trì. Công tác quan trắc môi trường, dịch bệnh luôn được quan tâm thực hiện để khuyến cáo các tác động môi trường và tình hình dịch bệnh để người nuôi chủ động phòng, chống.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hiện có để khuyến khích phát triển nuôi thủy sản hồ chứa nhằm tăng về quy mô sản xuất, chuyển dịch từ nuôi các loài cá có giá trị kinh tế thấp sang nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, xúc tiến thương mại, lập website bán hàng; mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm thủy sản đặc sản; kiểm soát chặt chẽ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.