Tại các địa phương triển khai chuỗi hoạt động văn hóa bản địa, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với phong tục tập quán và lịch trình di chuyển của khách du lịch như: Tại thị xã Nghĩa Lộ có hội thi “Lung linh vòng xòe”; tại huyện Văn Chấn có lễ hội Trà Shan tuyết Suối Giàng; huyện Yên Bình tổ chức ngày hội “Âm vang hồ Thác Bà”; chương trình “Chợ đêm giữa đại ngàn” gắn với khởi động mùa du lịch Nà Hẩu tại huyện Văn Yên.
![]() |
Múa xòe của đồng bào Thái trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN) |
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Non sông nối liền một dải” và các tour trải nghiệm dù lượn “Bay trên miền danh thắng”; huyện Trạm Tấu tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc xòe Thái, khèn H’Mông, nhảy sạp... Các hoạt động du lịch gắn với văn hóa bản địa, văn hóa vùng dân tộc thiểu số hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng cao Yên Bái.
![]() |
Tái hiện giã bánh dày trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN) |
Dịp này, du khách đến Yên Bái khoảng hơn 200.000 lượt người, có gần 70.000 lượt khách lưu trú; khách quốc tế chiếm hơn 36.000 lượt (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2024). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 180 tỷ đồng.
Các điểm du lịch tại Yên Bái đảm bảo công suất phục vụ, không xảy ra tình trạng quá tải về dịch vụ ăn uống, lưu trú và tham quan du lịch. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình đạt 65%, riêng các cơ sở lưu trú tại các địa phương như thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Yên Bình, Văn Chấn đạt từ 90 - 95%. Nhiều cơ sở nghỉ dưỡng kết hợp với săn mây, dù lượn, thác nước đổ... đều kín phòng, giá cả hợp lý, được du khách ưa chuộng.