Nghề tái chế ở Yên Đồng

Xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với hai làng nghề: Thôn Đông Mẫu với nghề tái chế nhựa và thôn Gia với nghề tái chế bông, vải. Những nghề này đem lại thu nhập ổn định cho người dân, nhưng cũng gây ra nguy cơ ô nhiễm và cháy nổ. Bài toán đặt ra là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với gìn giữ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Yên Đồng đầu tư máy móc sản xuất chăn, ga, gối, đệm.
Người dân Yên Đồng đầu tư máy móc sản xuất chăn, ga, gối, đệm.

Điểm sáng kinh tế, áp lực môi trường

Nghề tái chế nhựa ở thôn Đông Mẫu những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Thôn hiện có hàng chục hộ thu mua phế liệu. Nhựa phế liệu được thu gom từ khắp các địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, các khu công nghiệp, cơ sở y tế, chợ đầu mối. Các cơ sở tái chế sẽ nghiền, xay thành hạt nhựa, mảnh nhựa để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.

Trong Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng có hơn 40 hộ chuyên làm nghề tái chế nhựa. Bình ắc-quy, vỏ ti-vi, ruột tủ lạnh, thùng sơn, can nhựa, xe máy hỏng cùng các vật liệu nhựa chất thành đống cao trong Cụm công nghiệp và sân nhà dân.

Ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng thôn Đông Mẫu cho biết: Người dân bắt đầu làm nghề này từ năm 1996. Nhờ tái chế phế liệu, kinh tế nhiều hộ trở nên khá giả. Các hộ mua máy nghiền, chuyển vào Cụm công nghiệp để kinh doanh. Mọi vật liệu bỏ đi được người dân Đông Mẫu tìm cách dùng lại hết, không tái chế được mới chuyển thành rác. Với người dân thôn Đông Mẫu, khái niệm “rác” có nghĩa là “không thể tái chế làm bất cứ việc gì”.

Cũng ở xã Yên Đồng, những năm gần đây, nghề tái chế bông từ vải vụn thôn Gia phát triển khá nhanh. Người dân thu mua vải vụn về, đem lọc, phân loại. Vải cotton được phục chế làm các sản phẩm bông, vải, sợi. Vải ni-lông sử dụng vào việc khác.

Nhiều cơ sở chuyển dần từ thủ công sang cơ giới, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Một số hộ đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất chăn, ga, gối, đệm cao cấp. Nghề tái chế bông cũng mang lại nhiều lợi ích như nghề tái chế nhựa, góp phần tận dụng nguyên liệu bỏ đi, giảm rác thải, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Cùng với hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường ở thôn Đông Mẫu trở thành áp lực lớn. Nước thải từ công đoạn rửa nhựa, chống dính, xay nghiền, xử lý vải... khiến nhiều ao hồ bị ô nhiễm. Do công việc tiếp xúc với đồ bỏ đi, bẩn, bụi, người làm nghề tái chế phế liệu ngại tiếp xúc với người lạ, không muốn nói về công việc của mình.

Bên cạnh đó, các làng nghề có nguy cơ cháy nổ rất cao. Nhựa, vải, hóa chất đều là chất dễ cháy, khi cháy thải ra khí độc. Đầu năm 2025 đã ghi nhận hai vụ cháy tại Yên Đồng, thiêu rụi nhiều nhà xưởng. Ngày 14/3, xảy ra vụ cháy tại cơ sở tái chế nhựa ở khu làng nghề thôn Đông Mẫu, sau đó lan ra hai cơ sở tái chế nhựa gần đó. Ngày 8/4, cháy kho chứa vải vụn phế liệu rộng 850m2. Tuy không gây thiệt hại về người, song an toàn cháy nổ tại các làng nghề rất đáng báo động.

Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Trước đây, các hộ kinh doanh để phế liệu tràn ra cả lối đi, bờ ruộng. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền vào cuộc, phế liệu mới được để trong sân nhà hoặc đưa vào Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng. Xã cũng thành lập các đội thu gom rác tại thôn và yêu cầu chấm dứt việc đốt rác thủ công.

Các hộ làm nghề tái chế phải ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải chuyên nghiệp. Huyện Yên Lạc đã thực hiện thống kê, lập danh mục loại hình hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã có làng nghề nhằm xây dựng, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải.

Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng rộng 3,7 ha tập trung phần lớn các hộ làm nghề tái chế nhựa. Tuy nhiên, diện tích cụm công nghiệp nhỏ, hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu về xử lý môi trường. Đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Đồng cho biết: Người dân trong xã mong muốn có một khu xử lý phế liệu, khu vực chứa sản phẩm thải có hạ tầng hiện đại, xử lý nước thải, khí thải bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường.

Để các làng nghề phát triển đúng hướng, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân thông qua các chính sách khuyến công, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ thương mại, sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, huyện Yên Lạc đang mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án mở rộng Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng, tăng quy mô, diện tích lên 18 ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 279 tỷ đồng, tập trung vào các ngành nghề: Tái chế phế liệu; công nghiệp chế biến; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may; da giày; công nghiệp điện tử…

Để các làng nghề phát triển bền vững, chính quyền tỉnh và xã Yên Đồng cần coi trọng, đánh giá đúng những đóng góp của nghề tái chế phế liệu, tạo điều kiện cho người dân làm nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần khuyến khích các hộ sản xuất đầu tư thiết bị hiện đại, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng; xây dựng khu tái chế tập trung, quy hoạch khu sản xuất cách biệt khu dân cư. Địa phương và các ngành cần đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn, miễn giảm thuế cho những cơ sở đầu tư vào công nghệ sạch.

Không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm quy định về môi trường, an toàn cháy nổ và xử lý có hiệu quả nước thải, khí thải, tiếng ồn từ hoạt động tái chế.

Thực chất, ô nhiễm môi trường chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ ở một vài thôn. Nhìn tổng thể, cả xã Yên Đồng bát ngát mầu xanh của đồng lúa với những tuyến đường làng khang trang, sạch, đẹp. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2022 và các làng nghề được định hướng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh của địa phương.