Người Giáy làm du lịch

Khai thác lợi thế tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Giáy, ở xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Múa xòe quạt của dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa).
Múa xòe quạt của dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa).

Ngôi nhà sàn của ông Lý Văn Thành, ở thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai), bằng gỗ rộng rãi, lọt giữa vườn cây xanh đủ các loại, nhìn mát mắt và trong lành. Ông Mậu cho biết: “Mình vay Ngân hàng Chính sách xã hội Sa Pa hơn 200 triệu đồng, đầu tư quy hoạch vườn cây; cải tạo và nâng cấp nhà ở, nhà vệ sinh; mua thêm đồ dùng, vật dụng để kinh doanh nhà nghỉ homestay theo chủ trương của UBND huyện, xã. Sau ba năm, gia đình đã thu hồi đủ tiền trả hết nợ vay ngân hàng”. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu gần 70 triệu đồng từ ngôi nhà, vườn cây của mình, đó là một khoản tiền lớn đối với người nông dân ở đây, nếu chỉ làm nương rẫy như trước thì không thể có được.

Trước mắt chúng tôi là xã Tả Van nằm bên suối Mường Hoa, dưới chân núi Hoàng Liên hùng vĩ, có địa thế đẹp, lưng dựa vào núi, trước mặt là cánh đồng lúa và con suối ôm làng. Địa hình đa dạng gồm những dãy núi cao xen lẫn thung lũng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ… thuận lợi cho du lịch leo núi, mạo hiểm, nghỉ mát, ngắm cảnh. Trưởng ban quản lý du lịch cộng đồng xã Tả Van Nông Văn Mậu cho biết: Cách làm du lịch cộng đồng ở Sa Pa theo phương châm nhà nước và người dân cùng làm. Tỉnh, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, thông tin liên lạc; cấp xi-măng cho các hộ dân làm đường liên thôn, liên gia sạch sẽ, đi lại thuận tiện, tạo cho thôn, bản vùng cao một bộ mặt mới phong quang... Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tập huấn nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, đón khách cho dân bản. Ông Thành cho biết: "Giá nghỉ mỗi đêm là 80 nghìn đồng, còn ăn uống thì tùy nhu cầu, cơm lam, cá suối, gà đen gói lá dong nướng, thịt lợn cắp nách, rau cải nương, ngồng su su... đủ cả. Tất cả đều do dân bản làm ra, không phải đem ở nơi khác đến đâu".

Ở đây, mỗi nhà mỗi việc, những gia đình không có nhà sàn trực tiếp đón khách thì làm “hậu cần”, nghĩa là quây khu nuôi gà đen, vịt cỏ, nuôi lợn cắp nách, trồng rau cung cấp thực phẩm; hoặc nhận dệt lanh, thêu thổ cẩm, làm đồ lưu niệm bán cho khách; một số hộ khác thì luyện tập tại bốn đội văn nghệ thôn để biểu diễn hát then, hát lượn, múa sạp, xòe quạt phục vụ du khách. Nhờ làm du lịch cộng đồng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Tả Van được cải thiện rõ rệt, số hộ giàu tăng lên, trẻ em được tới trường học, khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Xã có hơn 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Có thể bạn quan tâm

back to top