Điều đáng nói là đây là một bảo tàng tư nhân do một cá nhân đứng ra thành lập và hiện là bảo tàng công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam.
Sinh năm 1949 trong một gia đình trí thức ở đất Thăng Long, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, tức “cụ cử Đông Tác”, một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Thân sinh ông là Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo, là một trong những người có công với nền giáo dục ở Việt Nam.
Từ nhỏ Nguyễn Chí Công đã được biết đến là cậu bé thông minh, sáng dạ. Kế thừa truyền thống của gia đình nho học, Nguyễn Chí Công đam mê lịch sử, văn hóa từ nhỏ. Tuy nhiên, chàng trai Nguyễn Chí Công lại đến với chuyên ngành công nghệ thông tin qua sự định hướng có tầm nhìn của người cha từ năm 1964.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công chia sẻ: “Khi ấy, bố tôi ngồi nói chuyện với cụ Đào Duy Anh, nói về tương lai của tôi, bố tôi mới bảo rằng thế hệ của bố là học văn, học toán. Còn tương lai sẽ là kỹ thuật. Do vậy sang phương tây, con hãy học về kỹ thuật và cái gì mới nhất thì con chọn. Thế là tôi chọn học luôn tin học, nhưng lúc ấy chưa gọi là tin học, mà chỉ gọi là máy tính”.
Năm 1976, với vốn ngoại ngữ và những kiến thức đúc rút trong suốt thời gian du học cùng khát khao chinh phục của tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công và những cộng sự tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam và châu Á mang tên VT80.
Sự kiện này đánh dấu Việt Nam trở thành nước thứ 3, chỉ sau hai cường quốc là Pháp và Mỹ, chế tạo thành công máy vi tính lần lượt vào năm 1973 và 1975.
Từ thành công này, ông và các đồng nghiệp có thêm động lực viết những phần mềm, hệ điều hành và các chương trình ứng dụng đầu tiên của người Việt.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công trò chuyện cùng sinh viên ngành công nghệ thông tin khi các em đến tham quan bảo tàng. |
Năm 1978, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công có cơ hội làm việc trong một công ty điện lực uy tín tại Pháp. Trong thời gian ấy, thay vì mua những thiết bị, linh kiện nước ngoài mang về nước bán lại làm giàu, ông chỉ gom góp mang về một va-li đầy tài liệu và linh kiện điện tử để góp phần vào việc nghiên cứu ứng dụng.
Bên cạnh đó, với tính cách yêu quý những gì thuộc về lịch sử, văn hóa nên ngay từ những thập niên 70 đó, ông đã ấp ủ dự định về một bảo tàng công nghệ thông tin.
Sau hơn 40 năm thai nghén và lên ý tưởng cùng sự ủng hộ đắc lực từ người vợ tào khang, ông quyết định thiết kế căn phòng khách tầng 1 thành nơi trưng bày hiện vật. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội về ý tưởng của mình, ông nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng tin học.

Vấn đề sưu tầm và trưng bày hiện vật tại các Bảo tàng tư nhân
Nhờ tâm huyết của Tiến sĩ Nguyễn Chí Công cùng sự góp sức của các chuyên gia, người yêu công nghệ trong và ngoài nước, Bảo tàng Công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên chính thức ra mắt ngày 27/1/2020.
Tuy thành lập trong thời gian ngắn nhưng đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu công nghệ Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, một người thường xuyên ghé thăm bảo tàng, cho biết: Bảo tàng có giá trị và dành cho tất cả đối tượng. Từ những nhà khoa học đến cả những em bé từ 7 đến 8 tuổi trở lên cũng có thể tham quan và học được rất nhiều điều bổ ích.
Trong số gần 1.000 hiện vật mà ông đang lưu giữ, bảo tàng trưng bày khoảng 300 hiện vật khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghệ thông tin thế giới và Việt Nam.
Trong số những hiện vật tại đây, có những thiết bị, linh kiện được sử dụng để tạo nên những bước ngoặt lớn tại Việt Nam như: Xây dựng mạng hay ứng dụng công nghệ chế bản điện tử vào in ấn, xuất bản.
Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều cuốn sách tin học, tài liệu giáo dục quý có tuổi đời khá lâu. Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ lịch sử đầy sống động của Việt Nam cũng như quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Đồng là một trong những thành viên đã tham gia lắp chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam vào năm 1977 cùng ông Nguyễn Chí Công. Tuy nhiên sau đó, do thay đổi đơn vị công tác nên họ đã hoàn toàn mất liên lạc. Song nhờ sự ra đời của Bảo tàng Công nghệ thông tin đã kết nối ông Đồng và những người đồng nghiệp khi xưa với nhau.
Họ gặp lại nhau, ôn lại những chuyện xưa cũ và đặc biệt hơn họ được trực tiếp cầm nắm, chiêm ngưỡng những hiện vật đã gắn bó một thời với mình.
“Tôi xúc động vô cùng bởi anh Công đã giữ được những hiện vật rất quý giá. Đó không chỉ là những thứ để nhìn ngắm mà anh ấy đã giữ được cả một quãng thời gian chúng tôi đã sống và làm việc như thế nào”, ông Đồng xúc động chia sẻ.
Không chỉ phục vụ du khách tham quan, bảo tàng còn là nơi diễn ra các buổi hội thảo, nghiên cứu chuyên đề về tin học, lịch sử để những người chung sở thích có thể giao lưu và chia sẻ. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, bảo tàng còn trở thành địa điểm học ngoại khóa lý tưởng của sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin của các trường đại học.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhận thấy lợi ích thiết thực của bảo tàng, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công và gia đình tiếp tục mở rộng không gian của bảo tàng. Căn phòng khách tầng 2 đã được ông dọn dẹp ngăn nắp và trở thành không gian trưng bày với nhiều tài liệu sách báo quý hiếm về công nghệ thông tin cũng như những hiện vật có giá trị.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công cũng có ý định sẽ mô hình hóa 3D toàn diện tất cả hiện vật trong bảo tàng để để giúp mọi người có thể tham quan bảo tàng trên mạng mà không cần phải đến tận nơi.
Ở tuổi 75, nhiều người đã cho phép mình nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng với Tiến sĩ Nguyễn Chí Công thì ngược lại.
Ông chia sẻ có những ngày ông chỉ dành 1-2 tiếng đồng hồ để ngủ, còn toàn bộ thời gian ông dành để viết sách, nghiên cứu.
Tuổi có thể cao, nhưng ông không cho phép đầu óc mình được già. Vì thế ông luôn bận bịu với công việc, vẫn hào hứng với những chuyến đi, vẫn ngổn ngang với bao dự định và vẫn đau đáu với bao nỗi niềm. Một con người trọn tấm lòng say mê, trọn một đời cống hiến.