Nguyễn Ái Quốc và cuộc chiến trên báo chống chủ nghĩa đế quốc (Kỳ 2)

Kỳ 2: Người tổng biên tập của Le Paria
0:00 / 0:00
0:00
Bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc, số 5/1922.
Bức biếm họa của Nguyễn Ái Quốc, số 5/1922.

Là “linh hồn” của tờ “Người cùng khổ - Le Paria”, nhưng ít ai biết Nguyễn Ái Quốc không phải là tổng biên tập đầu tiên của tờ Le Paria. Là một trong những người đồng sáng lập hội Liên hiệp Quốc tế Thuộc địa, Samuel Stéfany1 nhận trách nhiệm phụ trách biên tập nội dung của tờ, nhưng chỉ vài tháng sau Le Paria đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn tài chính và đứng trên bờ vực của sự phá sản do lỗi của S. Stéfany, Nguyễn Ái Quốc buộc phải nhận trách nhiệm tổng biên tập để cứu tờ báo.

“Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Ái và Bloncourt2 đã họp theo lời triệu tập của Bloncourt tại nhà ông này ở đại lộ Port Royal vào tối thứ sáu ngày 23 tháng này.

Hadjali đã gửi thư xin lỗi vì không thể tham gia.

Bloncourt mong muốn cảnh báo các đồng chí của mình nâng cao cảnh giác với tổng biên tập tờ “Le Paria”, Stéfany. Theo ông ta, người này đã gian lận quỹ báo thông qua việc ăn chặn tiền của các bài quảng cáo.

Ông ta cũng đề nghị Nguyễn Ái Quốc đảm nhận những chức vụ hiện thời thay cho Stéfany và trong tương lai họ sẽ bỏ quảng cáo, giảm số lượng báo in từ 2.000 bản xuống còn 1.000 bản rồi từ từ sẽ chuyển báo thành một tờ tin đơn giản, điều này sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí một cách đáng kể.

Stéfany đã được đại diện tổ chức thông báo về những quyết định trên”

(Báo cáo mật thám của De Villier ngày 27/3/1923).

Tuy nhiên không khó để nhận ra vai trò nòng cốt của Nguyễn Ái Quốc đối với tờ báo ngay từ ngày đầu xuất bản. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc phủ hầu hết các số báo xuất bản khi còn ở Paris (Pháp) và ngay cả khi đã rời Paris sang Mát-xcơ-va (Nga) hoạt động, một cuộc chiến công khai và quyết liệt trên mặt trận báo chí ngay tại thủ đô của đế quốc. Trên số 5 của tháng tám năm 1922, dưới tiêu đề “Nền văn minh ám sát”, một trong số những bài báo viết về “nền văn minh” thực dân, Nguyễn Ái Quốc viết dưới dạng tường thuật lại những sự việc đã xảy ra, minh chứng cho hành động tàn sát người bản địa của thực dân.

“Mới đây, chúng tôi đã kể lại trong cùng diễn đàn này một loạt những sê ri các vụ giết người mà thủ phạm chính là những người “khai hóa” của chúng ta nhưng không bị xử phạt. Buồn thay, danh sách đen cứ mỗi ngày một dài thêm và đau lòng thêm.

Mới đây nhất, một người An Nam 50 tuổi, nhân viên từ 25 năm nay tại hãng đường sắt Nam Kỳ đã bị một nhân viên hành chính da trắng giết hại. Dưới đây là sự vụ:

Lê Văn Tài, dưới quyền của mình, quản lý bốn nhân viên người An Nam. Nhiệm vụ của họ là đóng cầu mỗi khi tàu sắt đi qua và mở khi có tàu thủy. Theo quy định, việc đóng cầu phải được thực hiện mười phút trước khi tàu sắt chạy tới.

Ngày 2 tháng tư, 16 giờ 30, một trong những nhân viên An Nam vừa khép cầu và hạ đèn báo hiệu. Vừa đúng lúc đó, một chiếc thuyền quan chức chở một nhân viên hãng tàu thủy trở về sau buổi đi săn lướt đến. Chiếc tàu hú còi. Nhân viên bản địa vội chạy ra giữa cầu giơ cao cờ đỏ ra hiệu giải thích với những người trên thuyền rằng tàu sắt sắp đi qua, và do đó cầu bị đóng. Và đây là câu chuyện đã xảy ra: con thuyền tấp vào chân cầu. Gã nhân viên hãng tàu nhảy lên bờ và đi về phía người An Nam vẻ giận dữ. Một cách thận trọng, nhân viên đóng cầu vội chạy về phía nhà của sếp Tài. Gã nhân viên hãng tàu ném đá và chạy đuổi theo anh ta. Nghe thấy tiếng ồn, Tài bước ra khỏi nhà và đến trước kẻ đại diện nền văn minh, gã văn minh hỏi Tài: “Quân đê tiện, tại sao mày không mở cửa?”. Trả lời làm sao được trong khi Tài không biết nói tiếng Pháp, anh ta chỉ tay về phía đèn đỏ. Hành động đơn giản này đã khiến gã cộng tác của ngài Long nhảy bổ vào Tài mà không cần một tòa án nào, và sau khi đã đánh đập Tài còn đẩy anh ta vào đống tro đỏ lửa gần đó.

Gã nhân viên hãng tàu cũng chẳng có gì mà phải lo lắng. Ở Marseille, người ta đang triển lãm sự phồn vinh của Đông Dương. Ở An Nam, người dân chết vì đói. Ở đây người ta hát vang lòng trung thành, ở nơi ấy họ giết người! Các ngài hãy nói gì đi chứ, hỡi Đức ngài Khải Định ngàn lần cao quý và quý ngài Sarraut.

Nguyễn Ái Quốc

Tái bút: trong khi cuộc sống của một con chó An Nam không đáng giá một xu thì để trả cho một vết xước ở cánh tay, ngài tổng thanh tra Reinhart nhận được 120.000 phờ răng tiền đền bù. Công bằng! Công bằng yêu quý!”

(Nền văn minh ám sát - Le Paria, số 5, tháng 8/1922).

Có thể thấy việc tàn sát của những kẻ khai hóa đã trở thành chuyện thường ngày, họ chẳng cần một nguyên nhân bất kỳ nào hay một tòa án quyền hạn nào, họ thích họ giết thôi. Tệ hại hơn, trong một nền văn minh đúng nghĩa, khi đã giết người thì phải đền tội, nhưng ở nền văn minh thực dân, họ còn chẳng thèm “lo lắng” thậm chí là có thể ăn mừng vì rồi đây “công lao” của họ sẽ được đền đáp xứng đáng bằng tiền hoặc bằng cả danh chức. Những người bản địa cứ chết dần chết mòn và những nhà thực dân thì vẫn tiếp tục bài ca “văn minh” và “nhân đạo”.

Nhưng đáng chú ý nhất trên Le Paria vẫn phải kể tới văn phong trào phúng bậc thầy trong nghệ thuật châm biếm của nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Những bài “Động vật học”, “Nền văn minh ám sát”, “Gu đặc biệt”… không thiếu những câu văn hài hước mà sâu cay. Nguyễn Ái Quốc chẳng hề ngần ngại “mổ xẻ” những “loài động vật”, những người bản địa chấp nhận sống dưới ách thống trị mà không tìm cách phản kháng thì sẽ chẳng khác nào kiếp động vật buông xuôi để thực dân dắt mũi.

Rồi một lần khác, Nguyễn Ái Quốc lại đặt ra câu hỏi dành cho “nền văn minh thuộc địa”. “Rộng lượng” đối với đế quốc là gì? Rộng lượng là vơ vét tất cả những gì mà các thuộc địa có được từ nhân lực đến tài nguyên để phát triển nền kinh tế của nước bảo hộ và đổi lại là các nước bảo hộ sẽ giữ lại tất cả mà chẳng sẻ chia cho thuộc địa những sản phẩm đạt được từ sự vơ vét bóc lột ấy. Công bằng ư? Công bằng là khi những kẻ tội phạm thực dân, dù là đã phạm bất cứ tội gì thậm chí là tội danh ám sát, giết người hay ăn cắp thì đều được xử trắng án và rộng đường sự nghiệp để một ngày nào đó một trong số những tên tội phạm này sẽ trở thành những nhà bảo hộ của đám người bản địa.

Khi không viết báo trào phúng, Nguyễn Ái Quốc còn tự vẽ tranh biếm họa. Cũng tại trang nhất của Le Paria, số 3, tháng 8/1922, phía cuối trang có một bức minh họa với một quý ngài to béo, đội trên đầu chiếc mũ quen thuộc của giới thực dân, miệng phì phèo mẩu thuốc, nằm ngả ngớn trên chiếc xe tay lôi và được một người An Nam gầy còm, rách rưới kéo đi. Người đàn ông to béo nói: “Mau-lên (từ này viết bằng chữ quốc ngữ), kẻ vô danh tiểu tốt! Hãy cho ta thấy người là một kẻ trung thành!! Thay mặt Chúa!!!”. Chưa hết, trên sáu nan của bánh xe, chúng ta có thể đọc những chữ sau: “Văn minh, Đàn áp, Hội đoàn, Đồng hóa, Bảo hộ, Bóc lột”. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đủ để thay một bài báo dài phản ánh tình hình các nước thuộc địa dưới ách thống trị của đế quốc và đủ để cho thấy rõ phong cách báo chí cũng như mục đích viết báo của Nguyễn Ái Quốc.

1. S. Stéfany (1890 - 1939), người Madagascar, giảng viên, luật sư; thành viên của Liên đoàn Nhân quyền, nhà cách mạng với tư tưởng chống thực dân, đảng viên cộng sản và sau này là đảng viên đảng Xã Hội. Ông chính là người gầy dựng phong trào chống thực dân tại Madagascar. Cùng với Nguyễn Ái Quốc, S. Stéfany đã tham dự Đại hội Tours vào tháng mười hai năm 1920 và trở thành một trong những đảng viên đảng cộng sản Pháp đầu tiên. Với vai trò này, S. Stéfany cùng Nguyễn Ái Quốc và một vài đồng chí khác đứng ra sáng lập Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa, Stéfany giữ vai trò phó tổng thư ký. Tiếp sau đó, họ cùng nhau tham gia vào Liên hiệp Quốc tế Cộng sản.

2. Bloncourt Max hay còn gọi Bloncourt Marie, Edmond, CLAINVILLE Max (1887- ???) sinh tại Pointe-à-Pitre ở Guadeloupe, luật sư tại Tòa phúc thẩm Paris, nhà hoạt động cho Liên minh Nhân quyền; ủy viên ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa, người đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu Thuộc địa. Năm 1924, ông tham gia vào việc thành lập Ủy ban thuộc địa trung ương bao gồm cả Nguyễn Ái Quốc người phụ trách các vấn đề liên quan đến Đông Dương, Stephany Samuel phụ trách các vấn đề Madagascar, Monnerville Louis phụ trách các vấn đề của Martinique...

Là người gần gũi với Nguyễn Ái Quốc, họ cùng là những cây bút chủ chốt của tờ Le Paria. Năm 1922, ông đi dự đại hội của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức tại Paris.