Nhân rộng mô hình đưa rác vào bờ

Trong khuôn khổ dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2022-2024, từ cuối năm 2023, tỉnh Bình Định đã triển khai mô hình “thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ”.
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân thu gom chai nhựa sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trở về.
Ngư dân thu gom chai nhựa sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày trở về.

1/Từ khi mô hình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ được triển khai, ngư dân Ngô Đức Tấn, trú tại thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát đã dần hình thành thói quen mang những túi rác thải nhựa thu gom được trên biển sau những chuyến vươn khơi khai thác thủy sản dài ngày. Các chủ tàu thực hiện mô hình phải cam kết không xả rác thải nhựa xuống biển và thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá để đưa vào bờ. Tại cuối mỗi thành tàu, họ lắp đặt túi lưới chứa rác thải nhựa; khai báo các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì trong chuyến biển thông qua tờ khai khi làm thủ tục xuất bến tại cảng cá, xác nhận lượng rác thải nhựa mang về khi cập cảng.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã tổ chức thí điểm hơn 200 tàu cá ra khơi thu gom, mang rác nhựa về tập kết tại cảng cá Quy Nhơn để phục vụ tái chế. Rác nhựa do ngư dân mang từ biển về sẽ được cảng cá cân, trả tiền theo giá thị trường, sau đó chuyển đến khu nhà phân loại để ép bằng máy hiện đại. Cảng cá kết nối với các công ty môi trường để bán rác tái chế phục vụ lại thị trường, nối dài vòng đời rác. Về lâu dài, Bình Định sẽ áp dụng các quy định mới để ràng buộc trách nhiệm chống rác thải nhựa đại dương đến tất cả các ngư dân và sản lượng hải sản đánh bắt.

Chị Nguyễn Thị Minh Lệ, Đội trưởng thu gom rác thải nhựa tại cảng cá Quy Nhơn cho biết, khi rác thải được thu gom về bờ thì sẽ có đội xử lý rác thải xuống thu gom, tiến hành phân loại rác thải nhựa và rác thải kim loại rồi cho tiến hành ép kiện rồi đưa về cho Công ty môi trường đô thị để tái chế thành những sản phẩm hữu ích khác. Theo thống kê, sau hơn 4 tháng đưa mô hình vào hoạt động, nhà thu gom rác thải nhựa từ tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn đã thu gom được khoảng 1 tấn rác các loại, trong đó, có khoảng 600 kg rác tái chế được. “Điều này đã góp phần đáng kể vào việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, làm “sạch hóa” đại dương, giúp ngư dân giữ được nguồn sống bền vững cho chính mình”, chị Lệ cho biết.

2/Tỉnh Bình Định đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2024-2025 có 70% ngư dân tỉnh được tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng quản lý, hành động giảm thiểu rác nhựa đại dương. Đồng thời, 50% tàu cá khai thác thủy sản sẽ thu gom rác thải nhựa trong chuyến đánh bắt trên biển mang về bờ để tái chế. Đến năm 2030, mục tiêu là 100% tàu cá, ngư dân đánh bắt trên biển tổ chức thu gom rác nhựa mang về bờ tập trung tại các điểm thu gom rác ở cảng cá để tái chế. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tàu cá. Trước mắt, Bình Định sẽ áp dụng mô hình thu gom, mang rác thải nhựa trên biển về bờ tại các cảng cá như Quy Nhơn, Tam Quan Nam, Đề Gi (tỉnh Bình Định) đối với các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá có chiều dài 15 m trở lên. Đặc biệt, trong thời gian tới, các cảng cá sẽ phát triển hạ tầng, nhân lực thu gom, tái chế rác nhựa.

Do vậy, dù mới chỉ thực hiện thí điểm ở cảng cá Quy Nhơn và cảng Đề Gi nhưng mô hình này đã thu hút sự tham gia của hàng trăm tàu cá và ngư dân, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản. Có thể thấy, sự thay đổi này không chỉ giúp giảm lượng rác thải nhựa đại dương mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường biển, bảo đảm sự bền vững cho nguồn lợi thủy sản - nguồn thu nhập chính của ngư dân.

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, mô hình này sẽ giảm được lượng rác thải khó phân hủy ra môi trường biển và đại dương, góp phần bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái, các động vật thủy sinh trong môi trường biển. Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết mô hình sẽ có hướng nhân rộng ra các cảng cá trên địa bàn tỉnh và mở rộng phạm vi. Tỉnh Bình Định cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất) của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương. Ngoài ra, mô hình này cũng mở ra hướng đi mới cho việc quản lý rác thải nhựa tại các cảng cá và trên các tàu khai thác thủy sản, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và xanh của Việt Nam.

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…