Dịch giả Thái-lan Montira Rato:

Nhật ký Đặng Thùy Trâm khơi gợi giá trị nhân văn

Dịch giả Montira Rato.
Dịch giả Montira Rato.

Căn phòng nhỏ chỉ chừng sáu mét vuông bộn bề sách vở, tài liệu ở tầng 10 khoa Ngữ Văn trường đại học Chulalongkorn là nơi làm việc của Tiến sĩ Montira Rato và cũng là nơi chị đón tiếp chúng tôi.

“Là một phụ nữ, có lẽ mối đồng cảm với nhân vật chính, cũng là tác giả của cuốn sách đã thôi thúc tôi phải chuyển ngữ tác phẩm này”, Tiến sĩ Montira Rato nói khi trao cho chúng tôi xem cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Thái còn thơm mùi mực.

Vào khoảng cuối năm 2005, Tiến sĩ Montira Rato được một sinh viên người Việt đang học thạc sĩ tại Thái-lan gửi cho cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cùng lời giới thiệu đây là hiện tượng văn học đáng chú ý, một kỷ lục của ngành xuất bản năm 2005 tại Việt Nam. Với bản tính cẩn trọng của một nhà nghiên cứu, chị định sẽ đọc cuốn sách thật chậm rãi. 

Thế nhưng, trái ngược với dự tính ban đầu, lời văn giản dị mà chân thành, trong sáng mà cảm động của cuốn nhật ký thật sự cuốn hút, khiến chị  thức trắng đêm để đọc. Tới những trang cuối cùng của cuốn nhật ký cũng là lúc chị quyết định sẽ bằng mọi giá để chuyển ngữ tác phẩm quý giá này để giới thiệu với người dân Thái-lan.

Vạn sự khởi đầu nan, khi những trang dịch thử đầu tiên gửi đi, chị nhận được phản hồi của nhà xuất bản cần phải  lược bỏ những đoạn viết nhạy cảm. Dẫu hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng khi đề cập quãng thời gian diễn ra chiến tranh ở Việt Nam, những người làm biên tập ở nhà xuất bản đó vẫn còn e ngại.

Không đồng tình với việc cắt xén dù chỉ một vài phần trong tác phẩm, chị Montira Rato đã tìm tới Dự án Kobfai, một cơ sở xuất bản thuộc Quỹ Dân chủ và nghiên cứu phát triển của Thái-lan (FDDS). Nhận được tín hiệu tích cực từ cơ sở này, chị đã nhờ Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, một người thầy của chị ở Việt Nam, giúp đỡ liên lạc với gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm để xin phép xuất bản.

Đến lúc này, mọi chuyện đã suôn sẻ hơn. Nhà xuất bản Kobfai sau khi xem xét bản dịch thử chấp thuận ký hợp đồng xuất bản “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Thái, đồng thời trực tiếp liên lạc với đối tác Việt Nam và người nhà của tác giả cuốn nhật ký để thảo luận về bản quyền. Khi yên tâm về thủ tục, chị mới chính thức bắt tay vào công việc của một dịch giả.

 
Dịch giả Montira Rato.

Cuốn nhật ký đã để lại trong Tiến sĩ Montira Rato những ấn tượng sâu sắc. Ở lời mở đầu cuốn sách, chị viết: “Trong những năm qua, chưa có cuốn sách nào  trở thành một hiện tượng trong thị trường sách xuất bản tại Việt Nam như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” với số lượng lên tới 400 nghìn bản. Ngôn từ trong sáng và trung thực của cuốn nhật ký đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc, từ những người dân bình thường tới các nhà lãnh đạo”.

Chị cho biết, với người những trải qua chiến tranh, những điều bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi lại trong nhật ký là hình ảnh phản chiếu quá khứ cũng như tuổi thanh xuân của họ, với thế hệ trẻ Việt Nam, cuốn sách sẽ giúp họ hiểu thêm về quá khứ hào hùng và tự xác lập lý tưởng sống cho riêng mình, đối với những người nước ngoài, cuốn sách để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Trên tất cả, dẫu viết về chiến tranh, nhưng cuốn nhật ký đã khơi gợi những giá trị nhân văn, đề cao ý nghĩa hoà bình trong lòng độc giả ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Cuốn sách đã đưa người dịch đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đã có lúc, thử đặt mình vào vị trí bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chị Montira Rato không thể hình dung nổi liệu mình có đủ dũng cảm hay không để ngồi viết nhật ký khi chiến tranh đang xảy ra hằng ngày, khi bom đạn nổ cách hầm trú ẩn chỉ khoảng mười mét. Cuộc chiến tàn khốc ấy đã không thể hủy diệt mà trái lại càng làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam - bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Đã có những đánh giá của các sử gia về thương vong trong chiến tranh Việt Nam, rằng phía Mỹ thiệt hại bao nhiêu, Việt Nam mất đi bao nhiêu người, nhưng số liệu đôi khi không giúp người đọc hình dung thật sự một cuộc chiến tranh diễn ra thế nào.

Chiến tranh Việt Nam đối với dịch giả - nhà nghiên cứu Montira Rato không đơn thuần là những con số thống kê thiệt hại, thương vong mà qua cuốn nhật ký này đã hiển lộ với những gì khốc liệt nhất. Chị nhận thấy rằng, một người hy sinh không chỉ là bản thân người ấy ngã xuống mà là sự mất mát, niềm đau xót, tiếc thương của gia đình, người yêu, bạn bè. Chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân tươi đẹp của biết bao người.

Đọc cuốn nhật ký, chị Montira Rato cũng hiểu hơn về  sức chịu đựng đáng ngạc nhiên của người Việt Nam khi họ đối mặt với chiến tranh, với những áp lực từ chính bản thân mình… Đó là những  gì chị muốn chia sẻ với người dân Thái-lan khi dịch cuốn sách.

Tâm sự với chúng tôi, Tiến sĩ Montira Rato cho biết, chị đã “được” quá nhiều khi đọc cuốn nhật ký. Cuốn sách không chỉ  giúp chị có thêm kiến thức về con người, cuộc sống ở Việt Nam thời chiến tranh mà còn có tác dụng thanh lọc tâm hồn, giúp chị nhìn lại cuộc sống của mình. Chị coi việc dịch cuốn sách là một “bài tập quan trọng trong cuộc đời mình”.

Chị thường dành những ngày cuối tuần cho cuốn nhật ký. Quãng thời gian thư thái ấy khiến chị dễ dàng chuyên tâm hơn. Khác với nhiều lần dịch khác, thay vì gõ trên máy tính, bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm được chị trực tiếp viết tay. Mỗi phần dịch xong, chị lại nhờ người đánh máy lại. Chị tâm niệm, phải viết tay mới thật sự hoà mình vào bầu không khí mà tác giả miêu tả, đồng thời khi nhận lại bản đánh máy, chị sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc chỉnh lý, sửa chữa. Hoàn tất mỗi phần dịch là một niềm vui đối với chị vì chị đã thực hiện được tâm nguyện của chính mình.

 
Sinh viên Thái-lan tìm đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tại một hiệu sách
ở Băng-cốc.

Một trong những khó khăn đối với chị đó là những địa danh được nêu lên trong cuốn sách. Có nhiều địa danh Việt Nam mang trong nó ý nghĩa lịch sử mà một dịch giả nước ngoài như chị chưa thể hiểu thấu đáo. Với những vướng mắc  ấy, chị  lại nhận được sự giúp đỡ của Việt kiều, đồng nghiệp, bạn bè tại Thái-lan hoặc các thầy, cô giáo tại Việt Nam.

 “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Thái ra đời thực sự gây chú ý đối với các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, văn hoá Thái-lan. Nhiều sinh viên  học tại các trường đại học Thái-lan cũng đã tìm mua hoặc chuyền tay nhau cuốn sách này. Một diễn đàn dành cho các độc giả Thái-lan thảo luận về “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được mở ra trên mạng internet cũng thu hút sự tham gia của nhiều người.  

Theo chị Montira, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm" sẽ giúp cho bạn đọc Thái-lan hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam bởi nhiều người Thái mới chỉ biết về cuộc chiến tranh này một cách chưa đầy đủ, qua phản ảnh của các tác giả người Mỹ hoặc phương Tây. Điểm khác biệt so với nhiều cuốn sách khác là tác phẩm được viết bởi một người sống trong chiến tranh và người ấy hoàn toàn không biết rằng những điều mình viết sẽ được in thành sách để công bố rộng rãi.

Tiến sĩ Montira Rato thật sự cảm động khi những suy nghĩ của mình được nhiều người dân Thái-lan chia sẻ, đồng cảm. Nhiều sinh viên của chị tại đại học Chulalongkorn khi đọc xong cuốn sách đã bày tỏ lòng cảm phục người nữ bác sĩ anh hùng. Có những người  Thái bày tỏ mong muốn bác sĩ Đặng Thùy Trâm sống lại để viết tiếp những trang nhật ký còn dang dở, để được nhìn thấy và phản ánh ngày Việt Nam thống nhất.

Trong tháng 3 này, khi trở lại Việt Nam, một trong những điểm đi thăm đầu tiên của Tiến sĩ Montira Rato sẽ là gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Suốt  một năm qua, khi làm công tác dịch thuật, chị chỉ gặp những người thân của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua điện thoại. Lần này, chị sẽ về Việt Nam để gặp gỡ và trao tặng gia đình bác sĩ  Đặng Thùy Trâm công trình của mình. Riêng khoản nhuận bút ít ỏi của mình, chị đã đóng góp vào quỹ  xây dựng bệnh viện Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ, Quảng Ngãi vào đầu năm nay.

Tiến sĩ Montira Rato gắn bó với văn học Việt Nam từ khá lâu. Là giảng viên tiếng Việt bộ môn Ngôn ngữ phương Đông thuộc khoa Ngữ văn Đại học Chulalongkorn (một trong số các trường đại học nổi tiếng của Thái-lan), lại thường xuyên sang Việt Nam công tác, chị có điều kiện tìm hiểu khá nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam. Chị bảo vệ xuất sắc luận văn Tiến sĩ về “Nông dân và nông thôn trong văn học Việt Nam sau năm 1975” tại trường Đại học hoàng gia Luân Đôn (Anh) vào năm 2003. Ngoài việc dịch sách, chị tham gia viết sách và nhiều bài nghiên cứu về văn học Việt Nam như: Cải cách ruộng đất trong văn học Việt Nam, Người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tìm hiểu tác phẩm Tố Tâm, Nỗi khổ của con người  và của tác giả trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Sự hiện diện của người nông dân trong văn học Việt Nam, Giai cấp, giới tính và người phụ nữ nông thôn  Việt Nam trong văn học, Phụ nữ và người mẹ trong văn học Việt Nam, Vai trò của văn học Việt Nam trong việc cân bằng xã hội… Trong thời gian tới,  Tiến sĩ Montira Rato dự định sẽ viết giáo trình về văn học và văn hoá Việt Nam dành cho sinh viên bậc đại học ở Thái-lan.

Có thể bạn quan tâm

back to top