Là lực lượng đặc biệt (nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử), hoạt động ở một chiến trường đặc biệt (nội ô Sài Gòn - trong thời gian chống Mỹ là thủ đô của địch, nơi kẻ địch canh phòng cẩn mật, bố trí lực lượng dày đặc...) cho nên ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tuyệt đối chấp hành nguyên tắc bí mật tối đa. Lực lượng được tổ chức thành từng tổ, liên tổ, hoạt động đơn tuyến; cán bộ, chiến sĩ phải tinh thông nhiều nghề nghiệp trong xã hội, rất am hiểu tập quán, phong tục ở địa phương nơi mình hoạt động, phải có trình độ giao tiếp, làm tốt công tác binh địch vận. Đặc biệt là công tác vận động quần chúng, thực hiện năm bước công tác cách mạng trong xây dựng lực lượng. Mỗi chiến đấu viên biệt động phải tự xây dựng lấy cơ sở để tồn tại trong lòng địch (ở, cất giấu vũ khí, liên lạc với trên), tham gia các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Muốn tồn tại và bám lấy chiến trường thì phải ba hóa (công khai hóa, có giấy tờ hợp pháp, địa phương hóa). Muốn phát triển được lực lượng và che mắt địch thì phải ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng với quần chúng đấu tranh). Qua đấu tranh mà phát hiện được người tích cực dũng cảm và kết nạp họ vào đội ngũ chiến đấu.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cấp ủy sớm có chủ trương về tổ chức lực lượng vũ trang, bán vũ trang mở rộng đến các ban, ngành, đoàn thể (công, nông, thanh, phụ). Các lực lượng này đã kết hợp được với du kích vùng ven, tạo ra thế liên hoàn từ trong ra ngoài và đã dấy lên một phong trào du kích chiến tranh ngay trong sào huyệt địch, huy động được sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân ở các vùng ven đô thị. Với quy mô lực lượng được phát động xây dựng, đã hình thành lực lượng biệt động nhiều cấp nhằm phục vụ trực tiếp các yêu cầu về nhiệm vụ vũ trang của cấp mình đề ra. Do đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng biệt động đã tổ chức đánh địch liên tục trên đường phố, đánh vào nơi sinh hoạt ăn chơi, nơi ở của chúng (có tháng biệt động thành phố đã đánh nhỏ, lẻ 127 vụ). Các hình thức chiến thuật luôn thay đổi, mỗi trận xuất hiện một kiểu đánh mới, thay đổi một loạt vũ khí cho phù hợp hoàn cảnh và điều kiện chiến đấu. Các chiến đấu viên phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị nhằm phát huy tính năng, hiệu quả trong chiến đấu. Ngoài ra còn phải nắm vững các quy ước về ám, ký, tín hiệu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Ban công tác thành và Tự vệ thành đã tiến hành các công tác trừ gian, diệt ác, đột phá kho tàng hậu cần của địch kết hợp công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tạo dựng thanh thế của cách mạng. Qua đó, thật sự duy trì được phong trào đấu tranh cách mạng ở vùng đô thị Sài Gòn, trung tâm điều hành chiến tranh của bọn thực dân đế quốc và tay sai. Các hoạt động vũ trang đã góp phần đập tan âm mưu thành lập Nhà nước "Nam Kỳ tự trị"; đốt cháy kho tàng (vụ đốt kho đạn Thị Nghè); vụ tiêu diệt tên thực dân Ba-din khét tiếng gian ác; những tháng cuối năm 1947, các Ban công tác thành được biên chế thành ba đơn vị quyết tử nằm trong đội hình cấp tiểu đoàn, lấy phiên hiệu là tiểu đoàn quyết tử 950. Đến giữa năm 1951, Trung ương Cục điều chỉnh chiến trường Nam Bộ thành hai Phân liên khu. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được mở rộng để thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhờ có sự lãnh đạo tập trung thống nhất cả về chính trị - quân sự nên phong trào du kích chiến tranh ở nội đô và vùng ven được giữ vững và phát triển. Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, phối hợp chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng biệt động và đặc công đã tổ chức tập kích kho hậu cần liên hợp của quân Pháp nằm bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất vào đêm 31-5 rạng ngày 1-6-1954, kết quả: hơn mười nghìn tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít xăng, dầu bị thiêu hủy; hàng trăm tên lính Ấu Phi bị thương vong. Chiến thắng này làm nức lòng quần chúng nhân dân và kẻ thù phải khiếp sợ.
Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân khu, các đội biệt động thành được tổ chức xây dựng theo hướng "tinh nhuệ", tồn tại và hoạt động trong phong trào quần chúng, luồn sâu đánh hiểm, tự lực, tự cường phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, tiêu diệt địch và lập nhiều chiến công. Đó là: các đội viên "chim sắt" đánh vào trụ sở Bộ Tư lệnh viện trợ Mỹ tại Việt Nam (MACV) hai lần trong vòng một tháng, tiêu diệt hàng chục tên cố vấn Mỹ. Trong những năm 1963-1964, lực lượng biệt động đã tổ chức những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, trong đó nổi bật là trận đánh cư xá Brin, trận tập kích khách sạn Ca-ra-ven và trận đánh chìm tàu Card tải trọng 16.000 tấn tại bến Bạch Đằng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, đã chứng tỏ tài nghệ chỉ huy chiến đấu và khả năng to lớn của cách đánh biệt động tại đô thị; góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy.
Trong thời kỳ "Chiến tranh cục bộ" và các thời kỳ tiếp theo, lực lượng biệt động thành luôn đảm nhiệm vai trò đánh đòn phủ đầu quân xâm lược Mỹ và chư hầu. Ngày 30-3-1965, lực lượng biệt động đã dùng 150 kg thuốc nổ đặt trong xe hơi lao thẳng vào Đại sứ quán Mỹ trên đường Hàm Nghi, làm thương vong hàng trăm tên quan chức cấp cao. Ngày 16-8-1965, đội 5 thuộc F100 tiến công Tổng nha Cảnh sát ngụy; ngày 4-12-1965, lại tiến công khách sạn Mê-tơ-rô-pôn, diệt hàng trăm tên phi công và nhân viên kỹ thuật không lực Hoa Kỳ.
Nói về chiến công của lực lượng biệt động, không thể không nói đến công tác bảo đảm của bộ phận phục vụ. Bằng sự cống hiến thầm lặng, các gia đình cơ sở cách mạng đã không quản nguy hiểm, khó khăn để tham gia vận chuyển hàng chục tấn vũ khí vào nội thành phục vụ các đơn vị chiến đấu. Từ năm 1965 đến 1967, đã chuyển vào nội thành cất giấu an toàn khoảng bốn tấn vũ khí để trang bị trực tiếp cho chín đội biệt động chiến đấu. Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (đợt 1 và đợt 2), lực lượng biệt động được phân công đánh chiếm chín vị trí đầu não ở Sài Gòn, gồm: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Biệt khu Thủ Đô, sân bay Tân Sơn Nhất, khám Chí Hòa. Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng, cho nên địch bố trí canh phòng cẩn mật, ta rất khó tiếp cận. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, lực lượng biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nức lòng quân dân cả nước và tạo tác động rất lớn trên trường quốc tế.
Trong thời kỳ "Việt Nam hóa chiến tranh", lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định vẫn đang trong giai đoạn phục hồi cả về tổ chức, lực lượng để đến khi bước vào chiến dịch mùa xuân 1975, các chiến sĩ biệt động đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn đường cho xe tăng và bộ binh ta đánh chiếm các mục tiêu đầu não của địch, phát động quần chúng nhân dân nổi lên diệt ác, trừ gian, giành chính quyền về tay nhân dân và kết thúc vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang.
Những chiến công vang dội của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hun đúc nên truyền thống vẻ vang:
"Đoàn kết một lòng
Mưu trí vô song
Dũng cảm tuyệt vời
Trung kiên bất khuất"