Từ đôi bàn tay trắng, họ gây dựng nên những mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển quê hương.
Mỗi buổi sớm, ông Tống Anh Đệ, Giám đốc Khách sạn Ninh Bình Legend, đều đặn đi một vòng kiểm tra khuôn viên khách sạn: Từ khu lễ tân, các sảnh tiệc, đến nhà bếp, khu kỹ thuật. Hình ảnh của ông là một doanh nhân thành đạt trong bộ vest lịch lãm, nhưng trước đó, ông từng là người lính trên chiến trường, góp phần bảo vệ đất nước.
Nhập ngũ năm 1973, ông Đệ đã trải qua chiến trường khốc liệt, phục vụ quân ngũ đến năm 1980 rồi chuyển ngành, sang Đông Âu học tập và lao động. Trở về quê hương giữa thời kỳ kinh tế còn chật vật, ông bắt tay mở khách sạn tư nhân đầu tiên tại Ninh Bình và từ đó bắt đầu hành trình doanh nhân.
Với hơn 260 phòng nghỉ, 6 sảnh hội nghị, tiệc cưới, khu nhà hàng cao cấp, bể bơi ngoài trời và hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp, Ninh Bình Legend Hotel là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn khách quốc tế, sự kiện cấp quốc gia, hội nghị các bộ, ngành. Trong năm 2023, khách sạn được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc gia.
Cũng mang trong mình tinh thần “không lùi bước”, ông Phạm Công Chất, Tổng Giám đốc Khu du lịch sinh thái Thung Nham đã có quyết định táo bạo vào đầu những năm 2000: Chọn khai phá vùng đất hoang vu nằm sâu giữa rừng đá vôi xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Thung Nham ngày ấy chỉ là bãi lau sậy, đường vào mấp mô, nước ngập quanh năm. Nhưng ông Chất đã ở lại, dựng lán, mở đường, đắp bờ giữ nước, tỉ mẩn trồng cây, xây dựng từng hạng mục. Giờ đây, Thung Nham đã trở thành điểm đến sinh thái nổi tiếng với khu rừng chim rộng 18 ha, hệ thống nhà nghỉ sinh thái, vườn cây ăn quả, hang động tự nhiên và dịch vụ nhà hàng đạt chuẩn.
Chị Trần Thị Lan, nhân viên khu lưu trú Thung Nham bày tỏ: “Bác Chất là người nghiêm khắc nhưng rất tình cảm. Bác không chỉ tạo việc làm cho hàng trăm lao động mà còn dạy chúng tôi, cách sống giản dị, không đầu hàng trước khó khăn. Mỗi khi có phản ánh của khách hàng, bác đều là người xuống tận nơi xử lý”.
Không nổi tiếng như ông Đệ hay ông Chất, nhưng ở vùng quê Yên Mô, ông Nguyễn Văn Thứ, thương binh 69%, vẫn miệt mài chăm đàn lợn, ao cá, ruộng rau của mình. Từ mô hình kinh tế nhỏ, ông mở rộng lên 4,5 ha với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông là người truyền lửa cho nhiều hội viên trong Hội Cựu chiến binh xã, thường xuyên hỗ trợ giống, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng.
Theo ông Lương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có hàng trăm mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ. Nhiều người đã trở thành doanh nhân, chủ trang trại, giám đốc, người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Họ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, tổng doanh thu của các doanh nghiệp của cựu chiến binh toàn tỉnh ước đạt 1.900 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước trên 76 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10.000-12.000 lao động, trong đó phần lớn lao động là con em cựu chiến binh, gia đình chính sách, thu nhập bình quân của người lao động từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các cựu chiến binh đã đóng góp tích cực với địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Một số công ty, doanh nghiệp cựu chiến binh tiêu biểu trong việc đổi mới và mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Xây dựng Việt Thành; Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Doanh Sinh; Công ty TNHH Xây dựng một thành viên Huy Hoàng; Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn; Công ty Xây dựng Xuân Quyền, Công ty TNHH Dược phẩm Vũ Duyên...
Từ những người lính năm xưa trở thành những doanh nhân trong thời bình, không phô trương, không ồn ào, họ chọn cách cống hiến lặng lẽ. Người phát triển dịch vụ cao cấp, người mở cửa rừng hoang thành khu sinh thái, người giữ đất ruộng bằng trang trại nông thôn. Tất cả đều là minh chứng sống động cho một thế hệ “chiến thắng trên cả hai mặt trận”, chiến trường và thương trường.