Nâng cao điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy
Nhu cầu thuê trọ tại Hà Nội là rất cao, đặc biệt với nhóm sinh viên và người lao động ngoại tỉnh. Giá thuê thường có xu hướng tăng nên nhiều người phải chọn phòng nhỏ, tiện nghi hạn chế để tiết kiệm chi phí. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở nói trên cần phải hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp, an toàn.
Đại úy Nghiêm Xuân Bách, Cán bộ Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Ba Đình, PC07 - Công an Thành phố Hà Nội, đánh giá: “Nhằm bảo đảm quyền lợi của người cho thuê nhà và người lưu trú, lực lượng công an đã hướng dẫn cụ thể, thực tế nhằm nâng cao điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Các biện pháp bao gồm tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra định kỳ và hướng dẫn cải tạo hệ thống điện, lối thoát nạn…”.
Để bảo đảm an toàn, đáp ứng với thực tế xã hội và nhu cầu cuộc sống, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg, trong đó có nêu về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Trong đó yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát, sửa đổi quy định pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và hướng dẫn giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, với các mốc thời gian cụ thể hoàn thành trong năm 2024-2025.
![]() |
Các hội nghị tập huấn, trao đổi với các chủ cơ sở kinh doanh được tổ chức. Những khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn, đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ, tạo thuận lợi nhất cho cơ sở. |
Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tham mưu cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận ra nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy. Ủy ban nhân dân các phường đã thành lập các tổ công tác, kiểm tra các cơ sở nhà nhiều căn hộ cho thuê, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chỉ ra các tồn tại, vi phạm các quy định bảo đảm về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý đối với các cơ sở không khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy mà không dừng hoạt động.
Giải pháp tăng cường an toàn cho các cơ sở cho thuê
Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Ba Đình, Phòng PC07 - Công an Thành phố Hà Nội đã có buổi phổ biến tới các chủ nhà trọ, quản lý các cơ sở lưu trú các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (bao gồm cả nhà cho thuê trọ).
![]() |
Các giải pháp tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. |
Trong đó, các giải pháp được lực lượng chức năng lưu ý thực hiện đối với các cơ sở bao gồm:
Thứ nhất, tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2. Trường hợp chỉ có 1 lối thoát nạn tại tầng 1 và không ngăn cách với khu vực chung quanh thì phải có khu vực lánh nạn tạm thời và lối thoát nạn khẩn cấp (sân thượng/ mái nhà/ ban công, lôgia ngăn cháy với khu vực tầng dưới, không bố trí đồ đạc cản trở thoát nạn...).
Thứ hai, giải pháp ngăn cháy: Khu vực nguy hiểm cháy (khu vực để xe, khu vực kinh doanh hàng hóa nguy hiểm cháy) phải được ngăn cách với sảnh và thang bằng vách ngăn loại 1 (thí dụ: tường xây; tường bê-tông; vách ngăn xương thép ốp bằng các tấm vật liệu không cháy...).
Khi nhà có sử dụng cầu thang bộ hở (không nằm trong buồng thang) thì các gian phòng ở của nhà cần được ngăn cách với hành lang, sảnh chung trên đường thoát nạn bằng tường kín; các vị trí cửa thông với hành lang cần được lắp cánh bằng gỗ đặc, kim loại, hoặc có lõi bằng tấm silicate, tấm thạch cao hoặc từ vật liệu khó cháy khác.
Thứ ba, trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy: Trang bị báo cháy tự động thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn TCVN 3890:2023. Trường hợp nhà hoặc tầng không thuộc diện trang bị báo cháy tự động theo TCVN 3890:2023 nhưng không đủ số lối ra thoát nạn theo yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn thì cần xem xét trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc báo cháy cục bộ tại các khu vực nguy hiểm cháy, hành lang chung và mỗi căn hộ, gian phòng ở.
Đồng thời cần có thiết bị cảnh báo cháy bằng chuông, còi, đèn hoặc loa âm thanh… đến các căn hộ, gian phòng ở, tầng nhà để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.
Thứ tư, rà soát công suất của hệ thống điện trong nhà phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Bố trí lắp đặt aptomat làm thiết bị đóng cắt nguồn điện bảo đảm ngắt điện khi có sự cố cháy.
Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đôn đốc chủ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của Chỉ thị số 19/CT-TTg.; Phối hợp Ủy ban nhân dân các phường tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho các chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh, người tổ chức hoạt động cho thuê nhà trọ.