Những mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện, hiệu quả

Đắk Nông đang hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa tầng, đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nhằm tăng cường khả năng đối phó các thách thức, bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông ngày càng được nâng cao.
Nhờ chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông ngày càng được nâng cao.

Với 4 ha đất sản xuất, ông Đinh Quốc Cử, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xen canh kết hợp giữa cây cà-phê và sầu riêng. Tổng thu nhập niên vụ 2024-2025 vừa qua của gia đình ông từ 700 cây sầu riêng trồng xen canh 4.000 cây cà-phê đạt hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó khoảng 4 tỷ đồng thu nhập từ sầu riêng và 500 triệu đồng từ cà-phê.

Ông Đinh Quốc Cử cho biết, để cây trồng mang lại hiệu quả, ngoài việc vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, bản thân ông còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện và tỉnh tổ chức, nhất là các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

Từ những kiến thức thu được qua các lớp tập huấn, cùng với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất, gia đình ông đã chọn hướng sản xuất xanh kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ vào quy trình sản xuất để phát triển bền vững.

Đến nay, ngoài hình thức trồng xen, đa tầng tạo cây che bóng, gia đình ông Cử đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới hiện đại gồm 1 bộ máy bơm, 2 bộ lọc bù áp với 1.500 béc tưới.

Nhờ hệ thống tưới hiện đại mà việc tưới nước và bón phân cho cây trồng được thuận lợi, tiết kiệm nhân công, lượng nước, phân bón được kiểm soát khoa học, cây trồng phát triển, năng suất và sản lượng luôn ổn định ở mức cao.

Dù thời tiết nắng nóng trong giai đoạn cao điểm mùa khô Tây Nguyên nhưng vườn cà-phê với hơn 3 ha của gia đình ông Hồ Văn Hoan ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil vẫn xanh tốt, trong khi nhiều vườn cây trong vùng bị suy kiệt, năng suất giảm mạnh do bị ảnh hưởng của khô hạn và sâu bệnh hại.

Ông Hồ Văn Hoan cho biết, vườn cà-phê của gia đình đã trồng cách đây 30 năm nhưng đến nay vẫn duy trì được năng suất và chất lượng cây trồng. Theo ông Hoan, để duy trì được chất lượng và năng suất của vườn cây trước hết phải là kỹ thuật canh tác.

Những năm qua, gia đình ông đã chọn áp dụng mô hình canh tác hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn trái làm cây che bóng để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, đồng thời tán cây ăn trái sẽ làm giảm lượng gió, quá trình bốc hơi nước, tạo bóng mát giúp cho càphê vượt qua mùa khô hạn dễ dàng.

Để giữ được sức chống chịu cho vườn cây, khi cà-phê bước vào giai đoạn kinh doanh, ông Hoan áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như che phủ gốc bằng vỏ cà-phê ủ hoai, dùng hệ thống tưới tiên tiến để tiết kiệm nước, tạo thảm cỏ để chống thiên địch, sâu bệnh hại,…

Phương pháp che phủ đất trồng bằng vỏ cà-phê ủ hoai sẽ giúp đất vườn canh tác lâu năm thêm màu mỡ, giàu dinh dưỡng, cây trồng phát triển ổn định. Ngoài ra, vỏ cà-phê khi đem ủ với một số loại chế phẩm sinh học còn giúp chống lại một số nấm bệnh, giữ cho cây khỏe mạnh, phát triển bền vững.

Trong quá trình canh tác, ông Kiều Quang Ngọc ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong luôn để thảm cỏ, tạo sinh thái vườn bằng mô hình đa tầng, đa tán. Với hơn 3 ha đất sản xuất, ông Ngọc đã tiến hành trồng xen canh nhiều loại cây, trong đó chủ lực là càphê, hồ tiêu, sầu riêng và bơ.

Ông Kiều Quang Ngọc cho biết, mô hình xen canh cà-phê, cây ăn trái, tạo thảm cỏ sẽ tạo nên đa dạng tầng, tán với nhiều lợi ích. Vào mùa nắng nóng, khô hạn, bóng cây sẽ chống bốc hơi nước, giúp cây trồng chịu hạn tốt.

Ưu điểm lớn nhất là khi thời tiết nắng nóng thì nhiệt độ và độ ẩm của vườn cây vẫn được điều hòa, tạo thành vùng “tiểu khí hậu” xanh mát, nhu cầu tưới cũng giảm hơn nhiều so với vườn làm sạch cỏ và độc canh cây cà-phê.

Cũng theo ông Ngọc, với mô hình canh tác này, hồ tiêu, cà-phê năng suất bằng hoặc thấp hơn so với trồng chuyên canh nhưng tổng giá trị kinh tế các loại cây cộng lại nhiều hơn, ổn định hơn.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình canh tác nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài các giải pháp trồng xen cây che bóng, canh tác hữu cơ, mô hình tưới nước tiên tiến tiết kiệm cho cây cà-phê, hồ tiêu và cây ăn trái được đánh giá hiệu quả và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Qua đánh giá, việc sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp giảm hơn 30% lượng nước tưới và 70% nhân công lao động cho việc tưới nước. Theo Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc triển khai mô hình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm nước và tạo thảm cỏ đã giúp môi trường đất nông nghiệp tại Đắk Nông dần được cải thiện theo hướng có lợi.

Điều này giúp cây trồng phát triển bền vững, tăng độ phì nhiêu của đất và giảm phát thải khí nhà kính… Hiện nay, các công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông là hệ thống nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ...

Trong đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hiệu quả khoa học-công nghệ vào sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R’lấp), Hợp tác xã thương mại Công Bằng Thuận An (Đắk Mil), Hợp tác xã Buôn Choáh (Krông Nô), trang trại Gia Ân, trang trại Gia Trung (thành phố Gia Nghĩa)...

Các đơn vị này đã góp phần giải quyết việc làm, liên kết chuỗi giá trị, đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn đến với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, nông nghiệp hữu cơ vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh. Nông nghiệp hữu cơ giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính...

Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững. Từ bước đi ban đầu là thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sau 20 năm, toàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 85.000 ha cây trồng các loại ứng dụng giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất đạt quy trình chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến… với tổng sản lượng hằng năm ước đạt hơn 404.000 tấn.

Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học-công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được tăng cường; qua đó, hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Nông nghiệp Đắk Nông đang từng bước chuyển sang canh tác xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn. Thời gian tới, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được ngành nông nghiệp Đắk Nông xác định là quan trọng và cần thiết, đặc biệt phải gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, vừa hội nhập với quốc tế vừa bảo đảm nét riêng, đặc trưng của tỉnh.

Để ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan, tỉnh Đắk Nông đã triển khai các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2050.

Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi và công trình thủy lợi phù hợp với biến đổi khí hậu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, từng bước nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.