50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Những người phụ nữ đã viết nên câu chuyện hòa bình

Từ mái tóc dài xanh mướt tuổi đôi mươi, những người phụ nữ ấy đã tết lại thành niềm tin son sắt: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong lời Bác dạy, họ tìm thấy lý tưởng để sống, để chiến đấu, để hy sinh vì độc lập, tự do và sự lớn mạnh của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh tư liệu)
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh tư liệu)

Người bước vào bàn đàm phán quốc tế, mang theo khí phách của một dân tộc anh hùng; người âm thầm vận động thanh niên giữa lòng đô thị bị kiểm soát; chỉ huy lực lượng trong lòng địch; người gài mìn hẹn giờ, tiêu diệt và gieo kinh hoàng vào sào huyệt quân thù. Họ là những tượng đài sống - hiện thân của lòng kiên trung, bản lĩnh, sự thông minh và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Cùng với đồng chí, đồng đội của mình, họ đã viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, góp phần mở ra cánh cửa và đặt nền móng để thế hệ hôm nay có thể viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Đó là: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài. Ba con người, ba cuộc đời - đều tỏa sáng bằng những công việc, thành tích mang đậm dấu ấn riêng, nhưng tất cả cùng được soi rọi bởi một ngọn nguồn: Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bài 1: Mang dáng hình đất nước đến Hội nghị Paris

“Chúng tôi không chỉ đi theo cách mạng bằng trái tim của người yêu nước, mà còn bằng lý trí của người tin vào chân lý” là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ký tên vào bản hiệp định Paris lịch sử chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã kiên định với lý tưởng cách mạng từ những ngày đầu tham gia kháng chiến. Người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang trong mình khí phách và tầm vóc của cả thế hệ: Đoàn kết, bản lĩnh và đầy trí tuệ.

Ở tuổi 99, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn toát lên thần thái điềm tĩnh, minh triết với bản lĩnh thép, như trong những thước phim tư liệu khi bà đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris (1968-1973). Khi đó, truyền thông phương tây ví khả năng đàm phán của bà như “khiêu vũ giữa bầy sói” và trân trọng gọi bà là Madame Bình.

Ánh sáng cách mạng giữa đêm đen đô thị

Trong căn phòng yên tĩnh, chúng tôi xin phép được ngồi cạnh bà để phỏng vấn. Mặc áo vest trắng ngà, môi tô son đỏ, ánh mắt kiên định, giọng ấm và vang, đôi bàn tay nồng ấm của bà đã nắm tay tôi trong suốt cuộc trò chuyện rất lâu, vừa trân trọng lại thật gần gũi. Với sự hỗ trợ của cô con dâu - nhà giáo Mai Thục Trinh (vì có lúc bà nghe không rõ), chúng tôi đã trò chuyện với Madame Bình về những dấu mốc không quên trong cuộc đời cách mạng của bà.

Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1927 tại Sa Đéc (cũ), nay là tỉnh Đồng Tháp, tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ bà là cụ Phan Thị Châu Lan - con gái của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Cha bà là cụ Nguyễn Đông Hợi, từng là viên chức trong ngành trắc địa, được điều qua Campuchia làm việc cho nên cả gia đình cũng chuyển đến sống tại thủ đô Phnôm Pênh.

Thời niên thiếu, bà theo học tại Trường Lycée Sisowath - ngôi trường trung học danh tiếng bậc nhất ở xứ sở Chùa tháp, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Châu Sa đã thể hiện tư chất thông minh, học rất giỏi, nhất là môn Toán và cũng đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, lòng tự trọng dân tộc mỗi khi tranh luận, thậm chí sẵn sàng ẩu đả với bạn học nếu nghe thấy họ nói xấu người giúp việc là “Annamite” (An Nam-mít, hàm ý kỳ thị, khinh miệt).

Năm 1945, cụ Hợi đưa gia đình trở về nước rồi vào chiến khu D tham gia kháng chiến; được phân công làm Trưởng ban Công binh Nam Bộ, đơn vị chuyên sản xuất vũ khí cho quân đội. Cha bận việc nước, mẹ lại mất khi Châu Sa mới 16 tuổi, là chị cả trong gia đình, cô gái nhỏ đã sớm thay cha mẹ chăm lo cho các em, gánh vác việc nhà. Chính những năm tháng sớm trưởng thành ấy đã gieo vào tâm hồn Châu Sa hạt giống của nghị lực, tinh thần tự lập và bản lĩnh kiên cường - tiền đề để hình thành nên một “bông hồng thép” của cách mạng Việt Nam sau này.

Tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào sinh viên, học sinh từ cuối những năm 1940 với bí danh là Yến Sa, đến năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong vỏ bọc một giáo viên dạy Toán và tiếng Pháp với tên mới là Nguyễn Thị Xuân, bà đã có thời gian vừa dạy học ở Sài Gòn vừa hoạt động cách mạng. Khi tổ chức điều ra bắc, bà đổi tên thành Nguyễn Thị Bình (để giữ bí mật và thể hiện khát vọng hòa bình); được giao phụ trách công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, sau đó giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và là Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy

Xem những thước phim về Madame Bình ở Hội nghị Paris, có lẽ tất cả mọi người, nhất là những thế hệ sinh ra khi đất nước đã hòa bình như chúng tôi đều thật sự tự hào và xúc động. Xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài truyền thống màu hồng sậm, tóc búi gọn gàng, phong thái lịch thiệp, thái độ tự tin nhưng chừng mực, bà đã gây ấn tượng mạnh với dư luận quốc tế ngay khi bước xuống máy bay. Bà kể, đoàn đàm phán không mang theo những bài diễn văn hoa mỹ, mà mang trong tim tinh thần đoàn kết và quyết tâm sắt đá: Nhất định giành thắng lợi.

Thuộc nằm lòng các chỉ thị của Đảng, của tổ chức; với lợi thế ngoại ngữ giỏi, luôn giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo và thể hiện bản lĩnh khi đối diện thách thức mà không nao núng; giữa bủa vây các câu hỏi hóc búa mà không rối trí; trước sự châm biếm vẫn linh hoạt ứng phó; bà đã thuyết phục được hầu hết những nhà báo khó tính bằng khả năng đối thoại thông minh và năng lực ngoại giao kiệt xuất. Trong rất nhiều cuộc họp báo tại Paris, Madame Bình thể hiện xuất sắc bản lĩnh và sự nhanh trí, thậm chí có lúc khiến các nhà báo quốc tế bất ngờ khi bà chất vấn ngược lại trước những câu hỏi hóc búa.

Khi chúng tôi thắc mắc “Câu hỏi nào bà thấy khó nhất trong quá trình đàm phán?”, bà bật cười rồi nhẹ nhàng kể lại: “Không có câu hỏi nào có thể làm khó chúng tôi. Bác Hồ đã căn dặn đoàn đàm phán là dĩ bất biến, ứng vạn biến, nghĩa là kiên định mục tiêu nhưng trong mọi tình huống cần linh hoạt, mềm dẻo, và quan trọng nhất là phải giữ vững niềm tin rằng ta nhất định sẽ chiến thắng. Thí dụ khi họ hỏi Có quân đội miền bắc ở miền nam hay không?, thì chúng tôi đã trả lời: Dân tộc Việt Nam là một, cho nên người Việt Nam cho dù ở bắc hay nam nhưng khi đứng trước quân xâm lược đều sẽ có trách nhiệm chiến đấu. Có những câu, họ cố tình hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng chúng tôi chỉ trả lời: Điều tôi nói đã rõ rồi, không có gì phải nói thêm”.

Bà Nguyễn Thị Bình vẫn khắc ghi những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. “Bác căn dặn chúng tôi phải hết sức quan tâm đến công tác vận động quốc tế, bởi hầu hết người dân đều ủng hộ hòa bình và công lý. Vì vậy, ngoài chuyện đàm phán, chúng tôi cố gắng mỗi tuần một lần sang các nước để vận động. Nhờ đó, chúng ta đã xây dựng được một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử - một yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của dân tộc”, bà hồi tưởng.

Gần 5 năm kiên trì đấu trí, Hội nghị Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn cuộc mít-tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Những con số ấy là minh chứng cho một cuộc đấu tranh ngoại giao khốc liệt nhưng đầy chính nghĩa, chúng ta đã giành thắng lợi bằng sự đoàn kết, ý chí, bản lĩnh và niềm tin vào chân lý hòa bình.

Học Bác suốt đời phụng sự dân tộc

Khi chúng tôi hỏi về tư tưởng và tinh thần ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng tới bà như thế nào trên con đường hoạt động cách mạng, Madame Bình phấn khởi nói về sự tự hào khi được gặp Bác Hồ nhiều lần, trong đó có lần được ăn cơm với Bác. Bà vẫn nhớ rõ lần đầu được gặp Người: “Tôi được gặp Bác Hồ lần đầu tiên sau khi tập kết ra bắc năm 1955. Khi ở Pháp, Bác có quen ông ngoại của tôi là cụ Phan Chu Trinh vì đều hoạt động trong giới kiều bào; khi biết tôi là cháu cụ Phan, lại ở miền nam ra, cho nên Bác đã ưu tiên cho gọi tôi tới gặp. Mặc dù đã nghe nhiều về Bác nhưng khi được gặp Người, tôi đã rất xúc động. Bác ân cần hỏi thăm về gia đình, về hoạt động của tôi”.

Trước khi lên đường sang Pháp tham dự Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình và các thành viên trong đoàn đàm phán được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong ký ức của bà, từng lời căn dặn của Bác hôm ấy vẫn còn nguyên vẹn: Phải kiên định lập trường, giữ vững tư tưởng, yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân đội và lực lượng đồng minh; nhất quyết phải giành cho được độc lập dân tộc. “Câu nói Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Bác là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Tôi học được từ Bác trong công tác ngoại giao nhà nước phải luôn kết hợp ngoại giao nhân dân, phải biết hy sinh vì đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình xúc động nhớ lại.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chỉ một giây phút thoáng qua, âm giọng của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có chút chùng xuống: “Vì hoạt động cách mạng cho nên tôi không có thời gian chăm lo cho gia đình, có lúc không làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ. Các con vì thế cũng thiệt thòi nhiều… Nhưng tôi cho rằng đó là sự hy sinh cần thiết”. Nói đến đây, bà khẽ đưa ánh mắt về phía con dâu - nhà giáo Mai Thục Trinh, như tìm kiếm một sự sẻ chia, thông cảm.

Tự nhận mình không phải tuýp người lãng mạn, chỉ làm những việc có ích cho đất nước, cho những người yếu thế, bà Nguyễn Thị Bình đã làm việc đến tận năm 90 tuổi trong vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam. “Hiện nay sức khỏe không cho phép để đi làm nữa nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn đọc sách báo, xem ti-vi để theo dõi tin tức và luôn cố gắng duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày”, nhà giáo Mai Thục Trinh chia sẻ.

Đến giờ, tư duy của bà vẫn mẫn tiệp lạ thường, nhớ rõ từng dấu mốc lịch sử của đất nước và những chặng đường hoạt động cách mạng của chính mình. Trước khi chào bà để ra về, Madame Bình nhìn tôi trìu mến và nói: “Năm 42 tuổi, bà trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và lúc bằng tuổi Ngọc là bà ký Hiệp định Paris đấy”. Rồi bà gửi gắm một lời nhắn nhủ mộc mạc mà thấm thía đến thế hệ trẻ: “Bây giờ điều kiện thuận lợi hơn nhưng sự cạnh tranh lại rất khốc liệt cho nên chuyên môn, nghề nghiệp phải giỏi, và nhớ là phải luôn đặt đạo đức lên hàng đầu”.

Với nhiều thế hệ người Việt Nam, nữ tướng Nguyễn Thị Bình không chỉ là một nhà ngoại giao kiệt xuất, mà còn là biểu tượng cho khí phách và trí tuệ Việt Nam, người cộng sản kiên định với lý tưởng Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc. Trên con đường ấy, ngọn lửa cách mạng tiếp tục được truyền trao, trong đó có bà Trương Mỹ Hoa, người đã dành trọn cuộc đời để cống hiến cho lý tưởng cao cả, tiếp nối và thắp sáng khát vọng hòa bình.