Những người tiếp lửa cho tình yêu tiếng Việt

Trong tiết trời dịu nhẹ của mùa thu, đoàn cựu giáo viên gồm 40 thầy giáo, cô giáo từng nhiều năm giảng dạy Tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào ta tại Thái-lan đã về thăm quê cha, đất Tổ, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái-lan.

Đoàn cựu giáo viên thăm Khu di tích Kim Liên tại tỉnh Nghệ An.
Đoàn cựu giáo viên thăm Khu di tích Kim Liên tại tỉnh Nghệ An.

Trong chuyến trở về lần này, những cựu giáo viên từng miệt mài thắp sáng ngọn lửa yêu thương cho ngôn ngữ mẹ đẻ nơi xứ người, không giấu nổi niềm xúc động và tự hào trước sự đổi thay của quê hương.

Là một trong những hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tri ân những thầy giáo, cô giáo có nhiều thành tích trong việc giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào ở Thái-lan, chuyến trở về quê hương lần này của đoàn cựu giáo viên gồm nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.

Trong suốt hành trình tại Việt Nam, đoàn cựu giáo viên đã đi qua nhiều tỉnh, thành phố, đến thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những mảnh đất địa linh, nhân kiệt, như Khu di tích Phủ Chủ tịch, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tham quan vịnh Hạ Long, cố đô Hoa Lư…

Trong các hoạt động này, chuyến thăm Khu di tích Kim Liên tại tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thành viên trong đoàn nhiều xúc cảm. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật về thời niên thiếu của Bác Hồ. Các cựu giáo viên được nghe những câu chuyện cảm động về tình yêu thương cao cả mà Người dành cho quê hương, cho dân tộc.

Trong niềm xúc động dạt dào, cô Nguyễn Thị Lan, cựu giáo viên ở tỉnh Xa-con Na-khon chia sẻ: “Đã từng trở về quê hương nhiều lần nhưng đây là lần đầu tôi về cùng những người bạn đồng hành là các thầy giáo, cô giáo dạy tiếng Việt ở Thái-lan. Chúng tôi xúc động khi chứng kiến bộ mặt quê hương đổi thay từng ngày. Tôi được thăm quê Bác, được nghe các bạn hướng dẫn viên kể những câu chuyện cảm động về Người. Trong tâm trí kiều bào Thái-lan chúng tôi, hình ảnh Bác Hồ hết sức gần gũi, thân thương bởi Người từng hoạt động cách mạng tại Thái-lan, từng hết lời kêu gọi, dặn dò bà con kiều bào Thái-lan phải yêu thương, đoàn kết và một lòng hướng về quê cha, đất Tổ”.

Bà Lê Tuyết Thế, cựu giáo viên tại tỉnh U-đon Tha-ni chia sẻ, ở U-đon Tha-ni có Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chính những người Việt Nam sinh sống tại Thái-lan chung tay góp sức xây dựng. Công trình này mang nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử, bởi U-đon Tha-ni là nơi Người từng lưu lại trên hành trình tìm đường cứu nước trước khi về Việt Nam.

Những năm gần đây, việc dạy tiếng Việt ở Thái-lan được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi quan hệ giữa hai nước phát triển, cũng như mối giao lưu trong cộng đồng các nước ASEAN ngày càng rộng mở. Thế hệ người Việt Nam trẻ sinh ra và lớn lên ở Thái-lan luôn mong muốn được tìm hiểu về nguồn cội, về đất nước mà ông bà, cha mẹ họ đã lớn lên, cũng như tạo cơ hội để mở rộng cơ hội kinh doanh, tìm kiếm việc làm trong bối cảnh Thái-lan thuộc tốp đầu các bạn hàng thương mại của Việt Nam ở khu vực. Những yếu tố nêu trên khiến tiếng Việt trở thành nhịp cầu quan trọng, kết nối và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Thái-lan.

Chia sẻ về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào Việt Nam ở Thái-lan, bà Lê Thanh Hằng, cựu giáo viên với thâm niên 15 năm dạy tiếng Việt tại tỉnh U-đon Tha-ni khẳng định, phong trào nói tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào hiện nay ngày càng được phổ biến rộng rãi, nhất là đối với thế hệ trẻ. “Mặc dù trong nhà trường vẫn học và giao tiếp bằng tiếng Thái, song các em rất ý thức việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Số lượng các lớp học tiếng Việt dành riêng cho con em kiều bào luôn được duy trì ổn định và ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh U-đon Tha-ni”.

Những người truyền lửa cho tiếng Việt tại tỉnh U-đon Tha-ni đặt nhiều hy vọng sẽ xây dựng được một ngôi trường dạy tiếng Việt cho kiều bào và cả những người yêu mến tiếng Việt, ngôi trường được xây dựng từ chính tấm lòng của bà con với mong muốn ngôn ngữ thiêng liêng của dân tộc không bị phai nhạt tại nước ngoài. Các cựu giáo viên tâm niệm, sẽ cố gắng hết sức mình để thế hệ con cháu tại Thái-lan luôn trân trọng tiếng Việt và gìn giữ văn hóa Việt Nam.