Có thể coi đây là một ý kiến chung nhất của giới mỹ thuật đối với Bác Hồ, đầy yêu mến và tôn kính! Trong suốt cuộc đời hoạt động của Bác, văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có mỹ thuật, được Bác rất quan tâm.
Bác đã từng là họa sĩ. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Bác từng làm thơ, viết báo, vẽ các biếm họa, minh họa, tranh cổ động in trên các tờ báo công khai và bí mật.
Những bức tranh đả kích chủ nghĩa thực dân phong kiến vào đầu những năm 1930, hay những bức cổ động trên bìa báo Việt Nam độc lập thời kỳ Việt Minh, tuy chỉ là những nét vẽ đơn sơ nhưng đầy xúc cảm, có tác động sâu sắc đến thời kỳ đầu của cách mạng.
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, bộn bề việc nước, lo đối phó với thù trong giặc ngoài, không một phút được nghỉ ngơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến xem và thăm hỏi các tác giả tham gia triển lãm Văn hóa, đúng ra là cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Ðức 7-10-1945.
Cũng vào thời kỳ này, thể theo giới thiệu của Hội văn hóa cứu quốc, Bác đã cho phép các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Ðỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Phủ Chủ tịch vẽ và nặn tượng Bác trong bối cảnh rất bận rộn ở Bắc Bộ Phủ...
Từng bước đi của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm sau đó đều gắn với sự quan tâm của Bác, ngay cả khi Bác đã đi xa. Những lời dặn dò Bác dành cho giới họa sĩ trong bức thư ngày 10-12-1951 vẫn được nhắc lại đến ngày hôm nay, và ngày đó trở thành ngày truyền thống của giới mỹ thuật.
Mặt khác, các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiều thế hệ trong suốt những năm qua cũng không tiếc công ghi lại hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu trong tim mình.
Tuy rằng cảm nhận của từng người có khác nhau, đề tài về Bác cũng rất đa dạng và phong phú, lại không phải một đề tài dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều họa sĩ đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh Bác, thiêng liêng, tôn kính và gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân.
|
Thành công đầu tiên có thể kể đến bức sơn dầu và khắc gỗ của Tô Ngọc Vân vẽ Bác đang ngồi làm việc tại Bắc Bộ Phủ, trong bộ áo ka-ki vàng nhạt và đôi giày Nùng mầu xanh chàm, Bác - một người vừa ở chiến khu về, giản dị, sáng suốt, thân thương, đặt trong một bối cảnh trang nghiêm, tạo nên một sự hòa hợp giữa nhân vật và không gian lịch sử.
Cũng thời điểm ấy, họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung khắc họa Bác trên tranh mực nho, với một vẻ nhìn nghiêng khắc khổ, tận lo cho nước, cho dân.
Nữ điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim thể hiện tượng bán thân Bác đang chú tâm vào công việc, tác phẩm toát lên vẻ đơn giản, đầm ấm.
Có những người như họa sĩ Diệp Minh Châu dành trọn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho những tác phẩm về Bác. Từ bức vẽ bằng máu từ tay mình: Bác Hồ với ba em bé Bắc Trung Nam, năm 1947, cho đến khi mất, năm 2002, ông đã sáng tác hàng loạt tác phẩm hội họa và điêu khắc nổi tiếng có hình ảnh Bác kính yêu. Hơn 70 tuổi, Diệp Minh Châu còn hoàn thành xong bức tượng Bác Hồ làm bằng chất liệu đá quý để đặt tại thành phố mang tên Bác.
Hoạ sĩ Diệp Minh Châu không phải trường hợp duy nhất coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài lớn lao nhất, sâu đậm và mãnh liệt nhất khiến mình cần dành trọn cuộc đời.
Họa sĩ Văn Giáo cũng vẽ Bác Hồ miệt mài với một đam mê tương tự. Những năm gần đây, họa sĩ Phạm Lung say mê thể hiện hàng chục bức sơn dầu lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ khác.
Ngoài ra có thể kể thêm rất nhiều tên tuổi họa sĩ, nhà điêu khắc dành tâm sức tạo ra những tác phẩm đẹp về Bác Hồ với một số lượng tác phẩm đồ sộ.
Có thể nói rằng những tác phẩm về Bác chiếm một vị trí quan trọng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tranh chân dung về Bác được nhiều họa sĩ quan tâm, ở một góc độ nào đó là sự ghi nhận một cá tính, một nhân cách lãnh tụ ngời sáng, thể hiện cái đẹp truyền thống: vầng trán cao thanh thản, mắt sáng, mũi thẳng, chòm râu dài đậm chất Á đông.
Hình tượng Bác trong bức tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh và Hồ Chủ tịch của họa sĩ Lê Huy Trấp được ghi nhận là giống Bác ở ngoại hình và tính cách.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, các họa sĩ coi việc vẽ nên hình tượng Bác cũng là một cách động viên lớp lớp người lên đường ra tiền tuyến. Rất nhiều tác phẩm đẹp được hình thành trong thời gian này.
Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980, tác phẩm sơn mài Bác Hồ đi công tác ở Việt Bắc của họa sĩ Dương Bích Liên được giải A. Họa sĩ Trọng Kiệm thành công ở những tác phẩm sơn dầu cỡ lớn Nguồn nước (1984) và Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân (1985).
Năm 1970, một năm sau ngày Bác mất, một phòng tranh đặc biệt bày tỏ lòng tiếc thương của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam với Bác đã được tổ chức, rất nhiều tác phẩm mang xúc cảm sâu đậm như Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ của họa sĩ Quang Phòng; Ðêm nay Bác không ngủ của Ðào Ðức; Chân dung Bác trên phù điêu của Vương Học Báo, trên tranh ghép đá của Kim Bạch, trên điêu khắc của Diệp Minh Châu, Dương Ðăng Cẩn, Trần Văn Lắm, Văn Hòe, Phạm Xuân Thi, Nguyễn Thiện, Ðinh Khang... Tất cả khắc họa hình ảnh một lãnh tụ vĩ đại, nhân ái, giản dị, hết lòng vì nước, vì dân.
Tuy nhiên, cho đến nay, thật tiếc phải nói rằng dù rất nhiều tác phẩm về Bác đã có, nhưng những công trình tượng đài lớn tương xứng với tầm vóc của Người vẫn chưa nhiều và chưa thật tiêu biểu, ngay ở Thủ đô Hà Nội cũng chưa có.
Vì thế, các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam vẫn không ngừng sáng tạo về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh để có được những tác phẩm xứng đáng với Bác, những tác phẩm trường tồn cùng năm tháng, cũng như sự nghiệp của Người.