Theo đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, với những lợi thế tự nhiên và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang dần khẳng định được vai trò của mình trong chuỗi cung ứng thực phẩm Halal.
Tỉnh có tổng đàn dê, cừu lên đến 220.000 con, với sản lượng thịt hơi đạt hơn 4.000 tấn/năm. Đặc biệt, giống dê, cừu nhập khẩu từ các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào năm 2009 đã phát triển ổn định tại Ninh Thuận, góp phần tạo nên nguồn gen chất lượng cao cho ngành chăn nuôi. Tỷ lệ lai tạo giống cừu ngoại đạt đến 80%, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Bên cạnh ngành chăn nuôi, Ninh Thuận còn có những sản phẩm nông sản đặc trưng với chất lượng vượt trội, như cây điều, nho, táo, măng tây, bưởi, dưa lưới, và nha đam. Trong đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt thuộc Tập đoàn GC Food đã xuất khẩu hơn 170 tấn sản phẩm nha đam đạt chứng nhận Halal sang các thị trường Trung Đông và các khu vực khác từ năm 2018 đến nay.
Trước những cơ hội hợp mở rộng tác quốc tế trong việc phát triển ngành Halal, Ninh Thuận mong muốn kết nối với các đối tác lớn từ các quốc gia Hồi giáo và thị trường Halal toàn cầu. Cụ thể, tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó có việc hợp tác với các tập đoàn lớn từ Brunei, Malaysia và các quốc gia vùng Vịnh.
![]() |
Vùng trồng cây nha đam liên kết với doanh nghiệp của nông dân phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN) |
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại Riyadh vào tháng 9/2023 và đưa sản phẩm nha đam đạt chuẩn Halal tham gia trưng bày tại Đại sứ quán Việt Nam tại Doha, Qatar.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển là việc tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị các cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển ngành chế biến thịt cừu Halal, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Tứ giác phát triển Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines.
Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh, việc phát triển ngành Halal của địa phương không thể thiếu sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước. Tỉnh mong muốn nhận được sự hỗ trợ để tiếp cận hiệu quả thị trường Halal toàn cầu, đặc biệt là trong việc kết nối với các đối tác quốc tế, các tập đoàn lớn, quỹ đầu tư và hệ thống phân phối uy tín tại các khu vực có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal.
Một trong những ưu tiên của tỉnh là thúc đẩy quảng bá sản phẩm nông sản chế biến đạt chứng nhận Halal của Ninh Thuận, thông qua các phương tiện truyền thông và các chuyến bay quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng hy vọng các cơ quan đại diện Việt Nam ở các quốc gia thuộc thị trường Halal toàn cầu sẽ tạo điều kiện để tỉnh quảng bá các sản phẩm nông sản của mình tại các không gian trưng bày sản phẩm Việt Nam ở các Đại sứ quán.