Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Kết quả rà soát cuối năm 2024, toàn tỉnh có 4.321 hộ nghèo, chiếm 1,51% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 0,6% so với năm 2023; có 5.120 hộ cận nghèo, chiếm 1,79% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 0,42% so với năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng tham gia hỗ trợ ngày công để giúp hộ nghèo xóa nhà dột nát tại huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Các lực lượng tham gia hỗ trợ ngày công để giúp hộ nghèo xóa nhà dột nát tại huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hà Nam tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, mục tiêu về giảm nghèo đến các tầng lớp nhân dân... Tỉnh cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Với hơn 100.000 hội viên phụ nữ đang là lực lượng lao động chính của các gia đình, những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên tổ chức khảo sát nắm bắt điều kiện, nhu cầu của hội viên về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp để tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, thực hiện tốt chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình và đăng ký với hội cấp trên thực hiện các mô hình Dân vận khéo trong phát triển kinh tế…

Chị Nguyễn Thị Thúy, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên chia sẻ: Tôi và gia đình mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi vịt trên cạn ứng dụng công nghệ chuồng lạnh với diện tích gần 0,5 ha. Nhờ ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi giúp vịt phát triển tốt và cho năng suất cao. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình tôi đạt khoảng 700- 800 triệu đồng mỗi năm.

Từ thành công bước đầu, chị Thúy mở thêm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm cho 5 lao động, trong đó có 3 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện, chị Thúy đảm nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm mô hình “Nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” của xã với 28 thành viên.

Việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam tích cực tham gia. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh - cơ quan thường trực Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Hà Nam đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ Quỹ, tạo thêm nguồn lực góp phần cùng Đảng và Nhà nước từng bước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Từ ngày 1/1/2024- 28/2/2025, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm với tổng số tiền là hơn 11,9 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, toàn tỉnh đã hỗ trợ tặng quà Tết cho các hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với tổng số tiền 4 tỷ đồng; đồng thời phối hợp xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn 2.602 hộ nghèo thuộc nhóm hộ có tất cả các thành viên trong hộ là đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc có thành viên trong hộ là đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, thành viên còn lại ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động, nhưng mất khả năng lao động. Đây là những hộ không có khả năng thoát nghèo nếu không có chính sách hỗ trợ trực tiếp.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ nhằm giúp các hộ này được hỗ trợ thoát nghèo, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống. Sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 0,73% (giảm 55,7% so với tỷ lệ hộ nghèo khi chưa thực hiện chính sách hỗ trợ).

Để giữ vững thành quả đã đạt được và tiếp tục phát huy, tỉnh đã mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động giảm nghèo; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung...; tăng cường lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo, bảo đảm các hộ nông dân nghèo đều được hỗ trợ, tạo điều kiện trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1% .