Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng suốt 30 năm qua, nghệ nhân ưu tú Lưu Thị Kim Liên (sinh năm 1942, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) vẫn miệt mài lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của làn điệu ca trù.
Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng suốt 30 năm qua, nghệ nhân ưu tú Lưu Thị Kim Liên (sinh năm 1942, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) vẫn miệt mài lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của làn điệu ca trù.

Nữ nghệ nhân miệt mài giữ ngọn lửa ca trù truyền thống

Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng suốt 30 năm qua, nghệ nhân ưu tú Lưu Thị Kim Liên (sinh năm 1942, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) vẫn miệt mài lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của làn điệu ca trù. Bà vinh dự được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao thưởng danh hiệu Người tốt việc tốt năm 2024.

Những ngày cuối năm cũ, nghệ nhân ưu tú Kim Liên vẫn cùng các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa mải mê luyện tập chuẩn bị cho các sự kiện diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Mối duyên "nở muộn" với ca trù

Mặc dù đã ở độ tuổi 82, nhưng bà vẫn rất hoạt bát và vui vẻ. Đặc biệt, giọng hát của bà vẫn còn "khỏe", ngân vang trong không gian diễn xướng đặc thù. Đôi tay gày guộc thì không ngừng tạo nhịp, tạo phách rành rẽ như suốt hàng chục năm qua bà vẫn thực hiện.

Thấy chúng tôi có phần ngạc nhiên, nghệ nhân ưu tú thậm chí còn rành rẽ kể: Tháng 4 vừa qua, bà cùng 20 thành viên câu lạc bộ đi biểu diễn tại Chùa Hương. Dịp đó, ca khúc Hương sơn phong cảnh và Huê tình đã gây ấn tượng mạnh với người xem ra sao.

Rồi nữa, dịp 20/10, bà cũng biểu diễn chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam ngay tại Ủy ban nhân dân phường. Tới đây, bà sẽ "giữ phách" ở Lễ mừng thọ người cao tuổi tổ chức vào mồng 4 Tết và biểu diễn trong lễ hội truyền thống đình An Định (phường Yên Nghĩa) vào mùng 7 và mùng 8 Tết.

Nghệ nhân Kim Liên (bên trái) trong trang phục truyền thống.

Nghệ nhân Kim Liên (bên trái) trong trang phục truyền thống.

Kể về cơ duyên với ca trù, bà kể, bà vốn sinh năm 1942 tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ, bà đã được tắm mình trong các làn điệu dân ca của mẹ, của bà. Năm 1959, bà thi đỗ vào trường Ca kịch Dân tộc khóa đầu tiên nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể theo học. Bà về quê và học tiếp ngành sư phạm, trở thành nhà giáo.

Giai đoạn 1960-1970, "cô giáo" Kim Liên vừa dạy học, chiến đấu, nhưng cũng nhung nhớ khôn nguôi những nhịp phách, tiếng đàn. Mãi tới khi về hưu, bà mới... thực sự quay trở lại với đam mê.

Đó là vào năm 1993, tình cờ có một cụ già trong làng Yên Nghĩa muốn gây dựng lại nghệ thuật ca trù tại địa phương. Đam mê trỗi dậy, bà quyết tâm học lại và theo con đường nghệ thuật.

“Học ca trù rất khó, 3 tháng tôi mới gõ được phách, 3 năm mới học được 1 vài làn điệu. Thầy giáo là một nghệ nhân khiếm thị, nên chúng tôi học bằng cách nhìn thầy gõ mà gõ, nghe thầy hát mà hát, chứ không có giáo án gì. Sau đó, tôi tiếp tục hát nhiều làn điệu khác", bà Liên kể lại.

Tới năm 1995, Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa chính thức được thành lập với 20 thành viên đầu tiên. Sau khi thành lập, Sở Văn hoá Hà Tây (cũ) đã mời Câu lạc bộ đi biểu diễn ở các hội chợ làng nghề của tỉnh. Thấy loại hình nghệ thuật này cần được bảo tồn, phát huy, Sở Văn hóa Hà Tây thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Tây, đồng thời mời bà trực tiếp chỉ dạy.

P

80 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã cống hiến bằng tâm huyết, tình yêu với nghệ thuật, văn hóa dân gian cho ca trù.

80 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã cống hiến bằng tâm huyết, tình yêu với nghệ thuật, văn hóa dân gian cho ca trù. Bà đã tham gia trình diễn hàng chục buổi với hàng trăm tiết mục phục vụ các lễ hội, các hội chợ làng nghề Hà Tây, quán Trà Đạo – Hồ Tây, Hà Nội, sân bay Gia Lâm, Bảo tàng dân tộc học Quốc gia....

Năm 2014, bà tham gia liên hoan Ca trù toàn quốc tại Viện Âm nhạc Quốc gia đạt giải Khuyến khích. Năm 2019, bà được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú" lĩnh vực văn hóa phi vật thể quốc gia và đạt nhiều giấy khen của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội. Tháng 12/2023, bà còn tham dự cuộc thi “Người giữ màu dân tộc” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức và được giải Ba.

Tiếp nối lửa nghề

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên vẫn không ngừng cống hiến. Nhiều năm qua, bên cạnh hoạt động biểu diễn, bà còn trực tiếp truyền dạy kiến thức cho các thế hệ ca nương trẻ về ca trù với mong mỏi dòng nghệ thuật dân tộc chảy mãi trong đời sống hiện đại.

Do ca trù là thể loại nghệ thuật cung đình, nên việc đào tạo cũng phải rất công phu. Các làn điệu mang tính bác học, hàn lâm bắt buộc bà phải tỉ mỉ uốn nắn, từ nhịp phách, tới cách phát âm, khẩu hình. Người học, ngoài đam mê, còn phải cần có quyết tâm và chất giọng thiên phú.

Nữ ca nương ở độ tuổi 82...

Nữ ca nương ở độ tuổi 82...

"Muốn học ca trù trước tiên phải học 5 khổ pháp dạo trước khi vào bài hát. Muốn học gõ phách còn phải học ca đàn, thuộc ca đàn rồi phải luyện tay phách (có giáo án dạy phách kèm theo). Học thuộc ca đàn, gõ được phách cũng mất vài tháng.

Sau đó dạy truyền miệng từng câu, từng chữ, vào phách ở chữ nào, ở khổ nào, ở câu nào. Khi hát thì ngậm khẩu miệng ra sao, lưỡi để thế nào để phát được âm ư ư… Giữ hơi như thế nào để hát đúng hơi ca trù. Đòi hỏi người truyền dạy phải kiên trì, tỉ mỉ. Người học phải quyết tâm, chịu khó, tập trung nghe đàn, tay gõ phách, nhớ lời hát sao cho tiết mục trình diễn thành 1 bản hòa tấu nhịp nhàng, thể hiện được nội dung bài hát", nữ nghệ nhân giải thích tỉ mỉ.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác bà phải đối mặt là vận động kinh phí cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu. Mặc dù vậy, suốt từ năm 1995 tới nay, nghệ sĩ Kim Liên vẫn miệt mài mở miễn phí 5 lớp ca trù với 61 học viên tham gia. Nhiều người đã trưởng thành và trở nên nổi tiếng như Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Hồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Trung tâm phát triển âm nhạc, Hội nhạc sĩ Việt Nam; nghệ nhân Mai Thị Long...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đến nay nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên và Câu lạc bộ Ca Trù Yên Nghĩa vẫn duy trì hoạt động tốt, thắp lửa ca trù cho các thế hệ trẻ mai sau…

Có thể bạn quan tâm

back to top