Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho 15 đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ (1 gia đình liệt sĩ vắng mặt) chiều 25/7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho 15 đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ (1 gia đình liệt sĩ vắng mặt) chiều 25/7.

Những bước chân không mỏi trên hành trình gấp rút “trả lại tên” cho các liệt sĩ

Thắp nén hương lên ban thờ, người đàn ông tóc muối tiêu nghẹn giọng: “Mẹ ơi, chúng con đã tìm được thông tin của anh Nho. Mẹ đón anh về với mẹ nhé”. Hơn 50 năm mòn mỏi, gia đình liệt sĩ Lương Bá Nho cuối cùng đã tìm thấy ông tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ (Gia Lai), thực hiện được ước nguyện cuối đời của người mẹ đã khuất núi.

Liệt sĩ Lương Bá Nho là một trong 16 liệt sĩ vừa được “trả lại tên” sau hơn nửa thế kỷ. Gần 1 năm qua, các chiến sĩ Công an và cán bộ Công ty Cổ phần GeneStory đã đặt chân tới nhiều tỉnh, thành phố, gấp rút thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ trong dự án Ngân hàng Gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Chiều 25/7, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025). Trong hành trình thần tốc một năm qua, Bộ Công an đã thu được hơn 51.000 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 đợt thu mẫu lưu động; 16 liệt sĩ đã được định danh…

Hành trình “trả lại tên” cho các liệt sĩ

Liệt sĩ Lương Bá Nho sinh năm 1951, là con thứ hai trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1970, khi mới hơn 19 tuổi và đang là sinh viên năm hai, anh tình nguyện nhập ngũ. Tết năm đó, ông về thăm gia đình vỏn vẹn một ngày rồi ra đi. Trên vai ông hôm đó là nặng trĩu ba lô và sọt đá cha ông đan sẵn để ông hành quân rèn luyện.

Ngày 7/9/1970, liệt sĩ Lương Bá Nho hy sinh do sốt rét khi đang hành quân qua Campuchia. Đồng đội đã cõng ông vào bệnh viện và trực tiếp lo hậu sự tại đó. Một thời gian sau, gia đình nhận được giấy báo tử từ phía Nhà nước. Năm đó, người em trai là ông Lương Bá Doanh mới chỉ 14 tuổi, chỉ nhớ bố mẹ đã khóc cạn nước mắt khi nghe tin dữ.

joe00486.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Liệt sĩ.

Trong suốt hơn 50 năm sau ngày ông hy sinh, gia đình vẫn chưa xác định được nơi an nghỉ. Mẹ ông trước khi mất năm 1993 từng dặn các con: “Phải tìm bằng được anh, đưa anh về quê hương, để đoàn tụ cùng bố mẹ nơi chín suối". Dù hoàn cảnh khó khăn, lời trăn trối ấy vẫn luôn được các thế hệ trong gia đình gìn giữ.

Đến năm 2024, khi Bộ Công an triển khai chương trình xét nghiệm ADN quy mô toàn quốc, gia đình mới được thông báo lấy mẫu đối chiếu. Hai người em trai đã trực tiếp tham gia lấy mẫu máu, gửi đi với hy vọng mang anh trở về.

Kết quả xét nghiệm xác nhận, hài cốt liệt sĩ Lương Bá Nho hiện đang được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Sau hơn nửa thế kỷ, nguyện vọng của bố mẹ, của cả gia đình cuối cùng cũng đã thành hiện thực.

Người em trai nghẹn ngào nói: “Chúng tôi vẫn luôn mơ ước được gặp lại anh. Giờ đây, điều tưởng chừng không thể đã trở thành sự thật. Cảm ơn những người đã không bỏ cuộc cùng gia đình”.

Chúng tôi vẫn luôn mơ ước được gặp lại anh. Giờ đây, điều tưởng chừng không thể đã trở thành sự thật. Cảm ơn những người đã không bỏ cuộc cùng gia đình.

Em trai liệt sĩ Lương Bá Nho

Tháng 5 vừa qua, gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội quây quần trong một ngày trọng đại, ngày sắp được đưa ông về với đất mẹ quê hương sau 50 năm chờ đợi mòn mỏi. Cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội - anh Nguyễn Thái Dương nói trong nghẹn ngào, gia đình từng nghĩ sẽ không bao giờ tìm được chú. Nhưng hôm nay, điều tưởng chừng như không thể đã trở thành hiện thực.

z6533073159509-4482fb5c73ae33be2ee732b7fcde86b7.jpg
Bộ Công an đã thúc đẩy nhanh chóng xây dựng dự án Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Đề án 06 CP, triển khai ứng dụng ADN.

Năm 1971, liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội (sinh năm 1949) hy sinh ở mặt trận phía nam, khi mới 23 tuổi. Ba lô và giấy báo tử của anh được gửi về quê nhà. Mẹ anh nhiều đêm khóc cạn nước mắt, chỉ mong có ngày được đón con trở về quê hương.

Từ năm 1972, gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội bắt đầu hành trình tìm kiếm đầy gian khó. Cha của anh Nguyễn Thái Dương đã không ngừng nỗ lực liên hệ các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, kết nối với Đội K20 và các tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông cùng gia đình nhiều năm đi tìm tại nhiều nghĩa trang trên cả nước. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều vô vọng, không tìm thấy dấu vết của liệt sĩ.

Hơn 50 năm, người mẹ già không còn sức để chờ con về. Tâm nguyện của bà, trở thành nỗi đau đáu với cả gia đình.

Năm 2025, chương trình thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ do Bộ Công an triển khai, với sự hỗ trợ đồng hành của Công ty Cổ phần GeneStory, đã mang đến tia hy vọng. Gia đình được liên hệ để thu mẫu ADN từ bà Nguyễn Thị Lan (em gái) và ông Nguyễn Tiến Minh (anh trai của liệt sĩ).

joe08531.jpg
Nhiều cha, mẹ vẫn mòn mỏi mong con về suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Sau quá trình phân tích và đối chiếu gene tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế của GeneStory, kết quả xác nhận, phần mộ vô danh tại một nghĩa trang chính là nơi yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội. Phép màu đến với gia đình, chỉ tiếc mẹ liệt sĩ không còn để chứng kiến giây phút xúc động nghẹn ngào như chưa hề có cuộc chia ly.

Xuyên qua 2 cuộc chiến tranh, đã có 1,2 triệu người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Thế nhưng, chỉ có khoảng 900.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập.

Ngày 23/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức bấm nút ra mắt Ngân hàng Gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ tại Hà Nội, đánh dấu mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ giám định ADN hiện đại để xác định danh tính khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính đã được quy tập tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, đồng thời tìm kiếm khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập tại các chiến trường trong nước và tại Lào, Campuchia.

Gần một năm qua, kể từ khi triển khai dự án Ngân hàng Gene Việt Nam, từ hàng chục nghìn mẫu thu thập được, qua đối sánh dữ liệu ADN, bước đầu xác định 16 trường hợp ADN hài cốt liệt sĩ nghi trùng quan hệ dòng mẹ với ADN của 27 thân nhân liệt sĩ. C06 đã phối hợp Cục Người có công, Bộ Nội vụ hoàn thành hồ sơ công nhận danh tính liệt sĩ với 16 anh hùng liệt sĩ trên.

Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ phân tử, thể hiện Việt Nam không chỉ làm chủ khoa học mà còn thể hiện giá trị đạo lý nhân văn của dân tộc. Công việc này rất khó khăn nhưng khó mấy cũng phải làm, khó mấy cũng phải vượt qua; phải đầu tư vào khoa học công nghệ, công sức, trí tuệ, tài chính. Đảng, Nhà nước xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải được đầu tư bằng trí tuệ, lòng nhân ái, sự cần cù, cống hiến, chung tay góp sức, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng.

Cuộc đua thần tốc với thời gian

Với tất cả trách nhiệm và lòng biết ơn dành cho những người đã hy sinh vì Tổ quốc, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai thần tốc, chạy đua với thời gian.

ky-thuat-vien-genestory-an-can-hoi-han-diu-me-liet-si-gia-yeu-tai-buoi-thu-mau-tap-trung.jpg
Việc thu mẫu ADN của các mẹ được tiến hành gấp rút.

Tiến sĩ Dương Ngọc Cường, Tổng giám đốc GeneStory - đơn vị triển khai thu nhận mẫu ADN chia sẻ: Nhiều mẹ đẻ của liệt sĩ đã mất khi chưa thu thập được mẫu ADN. Sau hơn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhiều mẫu hài cốt bị phân hủy gây khó khăn cho việc tách chiết ADN; nhiều trường hợp thiếu thông tin bổ sung như giấy báo tử hoặc vị trí chôn cất chính xác.

Thời gian thu thập ngày càng cấp bách khi thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là mẹ và bà ngoại, thường đã lớn tuổi, đòi hỏi phải nhanh chóng thu nhận mẫu ADN trước khi họ qua đời.

Bộ Công an đã thúc đẩy nhanh chóng xây dựng dự án Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Đề án 06 CP, triển khai ứng dụng ADN; GeneStory cũng hoàn thiện nhanh chóng thu thập mẫu cho Ngân hàng Gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Thời gian thu thập ngày càng cấp bách khi thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là mẹ và bà ngoại, thường đã lớn tuổi, đòi hỏi phải nhanh chóng thu nhận mẫu ADN trước khi họ qua đời.

Việc triển khai thu thập, số hóa dữ liệu thông tin liệt sĩ với thông tin thân nhân "họ ngoại" là chưa từng được thực hiện. Do đó, việc lấy mẫu ADN đối với thân nhân gia đình liệt sĩ phải là thân nhân dòng mẹ theo mức độ ưu tiên gần kề để sau này có cơ sở đưa các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, quê hương; đồng thời để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN thân nhân liệt sĩ phục vụ so sánh, tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

joe08503.jpg
Hội nghị triển khai cao điểm thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin tại tỉnh Hà Nam.

Điểm khác biệt của dự án này là phải xác thực thân nhân chính xác, dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương rà soát công dân trên địa bàn cư trú, phối hợp UBND các cấp, ngành nội vụ tại địa phương triển khai thu thập, khảo sát và số hóa thông tin vào cơ sở dữ liệu. Thông tin được liên kết, số hóa góp phần bảo đảm tính chính xác khi thực hiện thu nhận mẫu ADN cho đối tượng là thân nhân liệt sĩ.

Tiến sĩ Dương Ngọc Cường, Tổng giám đốc GeneStory, người trực tiếp đồng hành dự án thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, đã điều hành thông suốt đội ngũ GeneStory cùng các đối tác luôn trong tâm thế sẵn sàng, không ngại xa, không ngại thời tiết, tất cả vì mục tiêu chạy đua với thời gian để phối hợp cùng lực lượng công an để hoàn thành mục tiêu về số lượng, về chất lượng.

Dự án Ngân hàng Gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ đánh dấu bước tiến lớn trong việc tích hợp dữ liệu ADN vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc xác định danh tính, thông tin của cá nhân.

Trong gần một năm, C06 đã phối hợp PC06 và công an các địa phương tổ chức hơn 500 buổi thu nhận lưu động đối với các thân nhân liệt sĩ già yếu, không di chuyển được và tổ chức thu mẫu tập trung tại các địa bàn của 63 địa phương (nay là 34 tỉnh/thành phố). Gần 1.000 người tham gia lấy mẫu chạy đua thời gian làm 12 tiếng/ngày, tiến hành thu thập được hơn 50.000 mẫu gene.

ts-duong-ngoc-cuong-2.jpg
Tiến sĩ Dương Ngọc Cường, Tổng giám đốc GeneStory, người trực tiếp đồng hành dự án thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.

Hà Nam và Thanh Hóa là 2 tỉnh đầu tiên hoàn tất thu mẫu dòng mẹ, tiêu chuẩn vàng trong giám định AND. Thanh Hóa là địa phương có số mẫu lớn nhất, hơn 37.000 mẫu.

GeneStory là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đủ điều kiện xét nghiệm, phân tích, và tạo lập dữ liệu ADN phục vụ tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được thẩm định bởi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế.

Trong hành trình đi thu thập mẫu và mang kết quả xét nghiệm cho nhiều gia đình, Tiến sĩ Dương Ngọc Cường có những lúc lặng người đi vì quá xúc động. Anh nhớ mãi hình ảnh người mẹ 103 tuổi vốn đã nằm liệt giường, không thể ăn uống được gì những ngày cuối đời, thời gian chỉ còn ngắn ngủi. Nhận thông tin từ công an địa phương, đội thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ nhanh chóng lên đường để hy vọng còn kịp lấy mẫu.

joe00076.jpg
Có những mẹ liệt sĩ được lấy mẫu ở thời điểm sức khỏe đã rất kém.

Hơi tàn, sức kiệt sau nhiều năm tháng nằm liệt giường, người mẹ 103 tuổi bỗng như có sức mạnh hồi sinh, tỉnh táo khi biết được thông tin lấy mẫu ADN sẽ sớm tìm lại con trai của mình. Bà nhướn đôi mắt mờ đục về phía những người lấy mẫu, nắm chặt tay cán bộ như một lời gửi gắm cuối cùng, sớm tìm lại con trai của bà đã hy sinh hơn nửa thế kỷ, và nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng ngay chiều hôm ấy. Bà như một ngọn nến, bừng sáng những giây cuối cùng…

Sự gửi gắm của bà, càng khiến đội dự án thêm quyết tâm phải sớm tìm được người con trai mà bà mong mỏi hơn 50 năm qua, được đưa về quê hương. Vì thế, họ không cho phép mình được chậm trễ ngày nào.

Kết quả nhanh chóng đến từ 16 trường hợp đã tìm được đúng phần mộ liệt sĩ tạo thêm động lực cho cả đội. “ Mỗi mẫu được thu nhận, mỗi giờ làm việc trong phòng thí nghiệm… là những đóng góp nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của các thành viên dự án, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng đã hy sinh để đất nước có được hòa bình như hôm nay”, anh Cường chia sẻ.

joe05910.jpg

Ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh tiến độ "trả lại tên" cho các liệt sĩ

Dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Võ Sỹ Nam, Giám đốc Khoa học của GeneStory, nhóm nghiên cứu đã phát triển và cho ra đời VinGenChip, chip định kiểu gene chi phí thấp, ứng dụng công nghệ microarray tiên tiến và được thiết kế riêng biệt cho quần thể người Việt.

VinGenChip mang trong mình những đặc trưng di truyền tiêu biểu của người Việt, nhờ được kế thừa dữ liệu và thành quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, đặc biệt là Dự án Giải trình tự 1.000 hệ gene người Việt. Việc ứng dụng VinGenChip vào dự án không chỉ giúp tối ưu chi phí và nhân lực, mà còn nâng cao hiệu quả phân tích một cách vượt trội, góp phần đẩy nhanh hành trình xác định danh tính liệt sĩ.

ts-vo-sy-nam-1.jpg
Tiến sĩ Võ Sỹ Nam, Giám đốc Khoa học của GeneStory.

Tiến sĩ Võ Sỹ Nam cho biết, GeneStory đang đẩy nhanh tiến độ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với C06, công an tỉnh các địa phương để rà soát toàn bộ danh sách thân nhân để tiến hành kế hoạch thu mẫu càng sớm, càng tốt; đẩy mạnh công nghệ trong phòng xét nghiệm để đáp ứng việc phân tích nhanh nhất trên mẫu thu về, để trả lại kết quả lên trung tâm dữ liệu Bộ Công an.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của GeneStory chính là hỗ trợ các đối tác các công việc khác phân tích ADN của các hài cốt liệt sĩ, đưa ra các phân tích để so sánh đối khớp với dữ liệu ngân hàng gene thân nhân.

ky-thuat-vien-phong-lab-cua-genestory-trien-khai-tach-chiet-adn.png
Kỹ thuật viên phòng lab của Genestory triển khai tách chiết ADN.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của GeneStory cho biết, mục tiêu đến năm 2030, dự án sẽ tiếp tục tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước, tập trung tại các chiến trường như Quảng Trị, Đồng Nai, Tây Nguyên, Lào và Campuchia; xác định danh tính mẫu hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN, với tỷ lệ tách chiết thành công tăng nhờ công nghệ hiện đại; xác minh và kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin tại hơn 3.000 nghĩa trang bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN.

Ngân hàng Gene không chỉ dừng lại ở việc xác định danh tính liệt sĩ mà còn đặt nền móng cho một Ngân hàng Gene quốc gia.

Cũng theo các chuyên gia của GeneStory, hiện công nghệ đang tìm mẫu theo dòng mẹ, nhưng trong tương lai công nghệ sẽ phát triển theo dòng bố để mở rộng khả năng tìm kiếm.

gs-vu-ha-van-1-5362.jpg
Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData), Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của GeneStory.

Nhìn lại thành quả của các thành viên dự án suốt một năm qua, Giáo sư Vũ Hà Văn tâm sự: “Bảy năm trước khi trở về Việt Nam, tôi mang theo suy nghĩ, người Việt phải làm chủ công nghệ lõi, làm chủ đất nước. Kết quả hôm nay, chính là việc hiện thực hóa điều này, với khởi điểm đúng hướng của chúng tôi là thành lập 1.000 hệ gene người Việt.

Chứng kiến các gia đình liệt sĩ đã tìm được đúng hài cốt của người thân sau nửa thế kỷ, chúng tôi cũng nghẹn ngào. Những đóng góp của chúng tôi không đơn thuần về mặt công nghệ, mà còn góp phần nhỏ cùng cả nước trả lại tên cho các liệt sĩ, giúp vơi đi nỗi đau của hàng trăm nghìn gia đình”.

joe00194.jpg
Cán bộ thực hiện lấy mẫu cho mẹ liệt sĩ.

Trong buổi lễ trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho 15 đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ (1 gia đình liệt sĩ vắng mặt) chiều 25/7, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ cao cả, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là biểu hiện sinh động của sự tri ân sâu sắc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị các đơn vị phải tăng cường ứng dụng công nghệ số, khai thác tối đa dữ liệu dân cư, kết hợp dữ liệu sinh học, kỹ thuật gene, để phấn đấu đến năm 2027, cơ bản tạo lập và thu thập đầy đủ thông tin của tất cả liệt sĩ chưa xác định danh tính, thu thập và phân tích mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ đủ điều kiện để tích hợp vào Ngân hàng Gene.

Có thể bạn quan tâm